Tuyên Hoá là một trong những huyện có diện tích rừng lớn ở Quảng Bình, với diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 94 nghìn ha (chiếm 83,5% diện tích tự nhiên)...;Những năm qua, tình hình quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp. Đơn cử năm 2018, lực lượng chức năng đã phát hiện một khối lượng gỗ rất lớn tập kết tại tiểu khu 19, thuộc xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa). Các đối tượng phá rừng đã bỏ trốn, để lại hơn 200 phách gỗ với khối lượng khoảng 70m3 gỗ quý. Vụ việc này đã được các cơ quan chức năng khởi tố vụ án.
Riêng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã thi hành kỷ luật cách chức Trạm trưởng, hạ bậc lương Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Ka Tang và 1 kiểm lâm viên thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa; cảnh cáo, khiển tránh 2 phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa.
Trong năm 2020, lực lượng Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa đã lập biên bản và xử lý 67 vụ vi phạm; tịch thu 60,226 m3 gỗ các; thu ngân sách 370 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thế Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa cho biết: “Mặc dù các vụ phá rừng trên địa bàn còn xảy ra, nhưng so với trước đây cũng đã giảm nhiều. Đối với các vụ phá rừng có quy mô lớn, chúng tôi kiên quyết khởi tố, xử lý cán bộ liên quan theo đúng quy định”.
Còn tại huyện Minh Hóa, mới đây nhất, tại xã Hóa Tiến, lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện vụ phá rừng tự nhiên, với diện tích gần 3,5ha. Đây là rừng tự nhiên nghèo, được quy hoạch chức năng sản xuất do UBND xã Hóa Tiến quản lý. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự đối với 4 đối tượng liên quan về tội hủy hoại rừng.
Đồng thời, Hạt Kiểm lâm Minh Hóa cũng đã tổ chức hội nghị tiến hành kiểm điểm trách nhiệm tập thể Trạm Kiểm lâm Hóa Tiến và kiểm lâm phụ trách địa bàn, vì không kịp thời phát hiện, ngăn chặn kịp thời vụ phá rừng nêu trên.
Nói về công tác bảo vệ rừng, ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết: Diện tích rừng lớn, địa bàn rộng trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng nên chậm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng. Song, để xảy ra tình trạng phá rừng trái phép, cũng có trách nhiệm quản lý, buông lỏng của lực lượng chức năng địa bàn đó. Mặt khác, người dân phá rừng thường là đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức về pháp luật còn hạn chế”.
Theo ông Nguyễn Văn Long, để tiếp tục ngăn chặn tình trạng phá rừng, lực lượng Kiểm lâm sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhận thức của toàn dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Tuy nhiên, về lâu dài, các cấp chính quyền cần tạo sinh kế bền vững cho người dân ở gần rừng, như: hỗ trợ trồng xen cây dược liệu dưới tán rừng; bóc tách rừng của các lâm trường giao cho người dân sản xuất; hỗ trợ thêm kinh phí và giao rừng cho người dân bảo vệ, quản lý; có thêm những chính sách hỗ trợ cho bà con trồng rừng kinh tế, rừng gỗ lớn, rừng cây bản địa.