Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Quảng Nam kỳ vọng trở thành trung tâm dược liệu cả nước

T.Nhân - H.Trường - 23:03, 18/08/2024

Quảng Nam định hướng trong thời gian tới trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu của cả nước, trong đó chủ đạo là sâm Ngọc Linh và cây quế. Việc phát triển cây dược liệu tại địa phương đang được thực hiện theo lộ trình bền vững và bài bản, gắn với nâng cao sinh kế cho người dân.

Sâm Ngọc Linh có giá trị từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi kg tùy vào kích cỡ
Sâm Ngọc Linh có giá trị từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi kg tùy vào kích cỡ

Thoát nghèo từ cây quế

Tận dụng tối đa nguồn tài nguyên bản địa là cây quế Trà My, nhiều hộ gia đình ở huyện Bắc Trà My đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Từ nguồn vốn vay, ông Trần Ngọc Liên, xã Trà Giáp đã mạnh dạn đầu tư trồng hơn 2ha quế. Sau gần 10 năm chăm sóc, đến nay gia đình ông đã có được nguồn thu nhập lớn. “Giá vỏ quế hiện nay khoảng 80.000 đồng/kg, mỗi năm tôi thu được gần 100 triệu đồng. Trồng cây quế không mất nhiều công chăm sóc, nhưng lợi nhuận cao hơn cây keo trước đây gia đình tôi trồng”, ông Liên nói.

Bên cạnh việc trồng quế lấy vỏ, trong mấy năm gần đây, ông đầu tư trại ươm giống cây quế Trà My để bảo tồn nguồn gen và bán ra cho người dân trong xã và các vùng lân cận mang lại nguồn thu nhập kha khá. Kinh tế chính từ cây quế, cùng với việc chăn nuôi thêm heo, gà, đến nay gia đình ông Liên đã thoát nghèo, xây dựng được ngôi nhà khang trang.

5 năm trước, ông Đoàn Duy Giáo, xã Trà Giáp là một trong những hộ khó khăn về kinh tế. Tận dụng nguồn vốn vay từ chính sách, ông đầu tư trồng gần 5ha quế và chăn nuôi bò. Đến nay, nhiều diện tích quế của ông đã bắt đầu cho thu hoạch. Từ hộ nghèo, gia đình ông đã trở nên khá giả, xây dựng được nhà cửa vững chắc.

Cây quế giúp hàng trăm hộ dân ở Bắc Trà My và các huyện miền núi thoát nghèo
Cây quế giúp hàng trăm hộ dân ở Bắc Trà My và các huyện miền núi thoát nghèo

Ông Lê Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: Với giá bán hiện nay, từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, mỗi năm, người dân địa phương thu về hàng chục tỷ đồng từ hơn 400 tấn vỏ quế. Cây quế được xem là một trong các loại cây giảm nghèo chủ lực của huyện, do đó địa phương đang tiếp tục hỗ trợ cây giống để người dân mở rộng diện tích.

“Huyện đang xây dựng một số mô hình phát triển cây quế theo chuỗi giá trị phù hợp tiểu vùng sinh thái và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để làm cơ sở thúc đẩy, nhân rộng, phát triển hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Huyện cũng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng của cây quế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm quế Trà My”, ông Tuấn nói thêm.

Làm giàu từ cây sâm Ngọc Linh

Quảng Nam có tổng cộng 9.863ha cây dược liệu các loại, trong đó sâm Ngọc Linh hơn 1.243ha, quế 5.993ha, bảy lá một hoa hơn 2.200ha, ba kích hơn 150ha, đẳng sâm 186ha, sa nhân 36ha, đinh lăng 42ha, chè dây 13ha... Sâm Ngọc Linh được phân bố tập trung chủ yếu ở một số xã của huyện Nam Trà My; cây quế là sản phẩm đặc thù ở huyện Bắc Trà My và một số vùng lân cận; trong khi đó một số cây dược liệu khác như ba kích, đẳng sâm, đinh lăng được phân bố ở hầu hết các huyện miền núi của tỉnh, nhiều nhất ở Nam Trà My, Đông Giang, Tây Giang.

Người dân làm giàu từ sâm Ngọc Linh
Người dân làm giàu từ sâm Ngọc Linh

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: Trên địa bàn toàn huyện tính đến nay có khoảng 2.000 hộ phát triển kinh tế từ việc trồng cây dược liệu, trung bình mỗi năm trồng được khoảng 60ha các loại. Nhiều nhất trong số đó là nhóm hộ trồng sâm Ngọc Linh với hơn 1.500 hộ, diện tích khoảng 1.650ha. Cùng với việc tăng diện tích về trồng sâm, huyện cũng đang kiểm soát tốt đối với nguồn gốc, chất lượng sâm giống trước khi hỗ trợ cho người dân đưa vào trồng, đồng thời thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát triển và sản xuất cây giống sâm Ngọc Linh.

Cũng theo ông Dũng, sâm Ngọc Linh trong những năm qua trở thành sinh kế của người dân, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ sâm. Đơn cử như Trà Linh, Trà Nam, mỗi năm có khoảng hơn 700 hộ thu nhập ổn định từ cây sâm, thu nhập từ hàng trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng mỗi hộ. Hơn nữa, trong thời gian qua, hàng chục doanh nghiệp, hợp tác xã trồng và chế biến sâm Ngọc Linh ra đời, tạo thành những chuỗi liên kết giảm nghèo hiệu quả.

Để kích cầu cho người tiêu dùng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng và chế biến sâm, huyện Nam Trà My đã tổ chức gần 80 phiên chợ sâm và dược liệu đều đặn hằng tháng. Việc tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh ngoài giúp người dân phát triển kinh tế, còn là cơ hội để địa phương mở hướng phát triển du lịch, tạo tiền đề cho sự phát triển của các huyện miền núi nói riêng, Quảng Nam nói chung.

Dù là cây dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế lớn, tuy nhiên trong vấn đề bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh hiện nay vẫn còn một số khó khăn nhất định. Để giải quyết vấn đề này, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Luật Sâm Việt Nam, Chính phủ chủ trương đầu tư hạ tầng thủ phủ vùng sâm Ngọc Linh, kêu gọi và thu hút các tập đoàn lớn vào đầu tư phát triển dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam nói riêng.

Mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Luật Sâm Việt Nam, Chính phủ chủ trương đầu tư hạ tầng thủ phủ vùng sâm Ngọc Linh, kêu gọi và thu hút các tập đoàn lớn vào đầu tư phát triển dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam nói riêng.

Tin cùng chuyên mục
Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Ninh Thuận là nơi có lượng mưa thấp nhất trong cả nước. Sản xuất nông nghiệp luôn gặp tình trạng khô hạn, thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến cây hoa màu. Với khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất khô hạn, anh Lưu Trường Lâm, dân tộc Chăm, chủ cơ sở Farm Bazô đã chủ động chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng cây tre lấy măng. Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của cơ sở Farm Bazô mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết được nỗi lo của người nông dân sinh sống ở vùng đất nắng.