Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Quảng Ngãi: Hiệu quả giảm nghèo từ chủ trương " đảng viên không nằm trong diện hộ nghèo"...

Đạt Thành Nhân - 18:44, 06/03/2023

Nhiều năm qua, tại xã miền núi Quảng Ngãi, các cấp ủy và chính quyền đã phát huy vai trò của đảng viên với phương châm và mục tiêu: “Đảng viên phải là hộ gương mẫu, tiên phong trong làm kinh tế và không nằm trong diện hộ nghèo”. Nhờ đó, công tác giảm nghèo ở các địa phương luôn đạt hiệu quả, giúp nhiều hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Đảng viên Đinh Văn Trị người tiên phong trồng cây chuối mốc mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Sơn Liên, huyện Sơn Hà (quảng Ngãi)
Đảng viên Đinh Văn Trị xã Liên Sơn, huyện Sơn Tây, tiên phong trồng cây chuối mốc mang lại hiệu quả kinh tế để bà con tin tưởng học làm theo

Gương mẫu, đi đầu

Hiện nay, hai bên vệ đường, dọc theo các triền đồi dẫn về xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) phủ một màu xanh tít tắp của cây chuối mốc. Một trong những người tiên phong đăng ký tham gia mô hình trồng chuối mốc từ dự án do Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ, là Đinh Văn Trị, đảng viên, công an viên của thôn Nước Vương.

Bao năm qua, ngoài việc nỗ lực, gương mẫu lập thân lập nghiệp để cải thiện cuộc sống kinh tế cho gia đình, anh Trị còn tích cực hướng dẫn nhiều người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời đảm nhận việc cung cấp giống cho bà con.  Nhờ đó, hàng chục hộ dân trên địa bàn đã tham gia trồng chuối mốc, có nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống.

 Ngoài ra, anh Trị còn đảm nhận việc cung cấp giống và nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật trồng cho người dân. “Mình là đảng viên nên phải gương mẫu, tiên phong trong mọi việc, nói phải đi đôi với làm thì người dân mới tin tưởng, làm theo”, anh Trị chia sẻ.

Ở thônTrà Nô, xã Ba Tô, huyện Ba Tơ, ông Phạm Thanh Mong (sinh năm 1954), dân tộc Hrê, là một trong những đảng viên, cựu chiến binh luôn được bà con tin tưởng những gì ông tuyên truyền, vận động và làm theo. Để có được tình cảm và sự tin tưởng này, ông Mong luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào hoạt động ở địa phương. Đặc biệt, thời gian qua, ông đã tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây dựng trường học, mở rộng làm đường giao thông nông thôn và tham gia cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng thôn, làng đoàn kết, ổn định và phát triển.

Ông Phạm Thanh Mong vui vẻ trò chuyện cùng các cháu học sinh Trường Tiểu học xã Ba Tô, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi)
Ông Phạm Thanh Mong phấn khởi chứng kiến các cháu học sinh Trường Tiểu học xã Ba Tô được học trong ngôi trường rộng rãi, sạch đẹp

Nhận nhiệm vụ chăm lo “cái chữ” cho con em đồng bào của địa phương, ông thấy được những thiếu thốn, thiệt thòi của các cháu không có chỗ học đàng hoàng, chật chội. Do vậy, năm 2015, ông đã bàn bạc với vợ quyết định hiến 600 m2 đất cùng với xã để mở rộng, xây dựng trường Tiểu học xã Ba Tô. Có trường đẹp, rộng rãi, học sinh yêu thích đến trường hơn, nhờ đó mà tình trạng bỏ học giảm hẳn.

Ông Mong chia sẻ: "Nhìn các cháu học tập, vui chơi trong ngôi trường khang trang, tôi vui lắm vì con cháu mình không phải học trong những lớp học tranh tre nứa lá nữa".

 Năm 2016, chính quyền xã có chủ trương mở mới tuyến đường từ Quốc lộ 24 đi vào tổ Mang Cà Rế, thuộc thôn Trà Nô đi ngang qua đất vườn nhà gia đình ông tự nguyện hiến 1.200m2. Tiếp đến vào giữa năm 2018, chính quyền xã đầu tư mở rộng thêm chiều ngang mặt đường 2m, chiều dài 300m, gia đình ông Mong hiến 600m2 đất để làm đường.


Nhiều hộ gia đình ở miền núi Quảng Ngãi phát triển kinh tế nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các đảng viên
Nhiều hộ gia đình ở miền núi Quảng Ngãi đã được các đảng viên hỗ trợ, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế

Đảng viên là điểm tựa của hộ nghèo

Ở Quảng Ngãi, nhiều đảng viên không chỉ là người đi đầu trong thực hiện mọi việc, mà còn là điểm tựa của những hộ nghèo. Đơn cử như gia đình chị Phạm Thị Kim Thư, ở thôn Làng Tương, xã Ba Điền, thoát khỏi diện hộ nghèo là nhờ vào sự quan tâm hỗ trợ tích cực từ cấp ủy chi bộ thôn, trực tiếp là Bí thư Chi bộ thôn Phạm Văn Nho.

Được phân công giúp đỡ gia đình chị Thư phát triển kinh tế, ngoài việc tạo điều kiện để chị Thư tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ông Nho đề xuất để hộ chị Thư được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và hưởng các chính sách hỗ trợ cây, con giống từ chương trình hỗ trợ giảm nghèo. 

Ông Nho cho biết: Trong kế hoạch công tác hằng năm, tất cả đảng viên đều tham gia phụ trách hộ nghèo. Nhiệm vụ chính là tạo việc làm cho các hộ thông qua tiếp cận nguồn vốn. Sau khi có vốn, các hộ dân đầu tư cây, con giống để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nhờ đó nhiều hộ thoát nghèo, có cuộc sống khá giả.

Một trong những cách làm hiệu quả của các Chi bộ thôn ở xã Ba Điền, là tranh thủ vai trò của đảng viên là Người có uy tín. Đây là lực lượng nòng cốt, “nói dân nghe, làm dân tin”. Như đảng viên Phạm Văn Thì, Người uy tín ở Ba Điền. Để “nói dân nghe, làm dân tin”, ông Thì luôn gương mẫu trong làm kinh tế, trồng các loại cây keo, cau, chăn nuôi trâu, nuôi heo và đào ao nuôi cá, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.

Đặc biệt, ông Thì luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng khoa học sản xuất trong chăn nuôi, trồng trọt để thoát nghèo bền vững. “Mình phải gương mẫu trong gia đình trước, sau đó vận động bà con trong thôn, xóm làm theo. Bà con thấy mình đời sống kinh tế ổn định, họ mới tin tưởng làm theo”, ông Thì chia sẻ.

Ông Phạm Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Ba Điền cho biết: Cùng với việc phân công nhiệm vụ đối với chi ủy, từng đảng viên phụ trách nhóm hộ, phụ trách hộ, thì phương châm “Đảng viên phải là hộ gương mẫu, tiên phong trong làm kinh tế và không nằm trong diện hộ nghèo” được quán triệt xuyên suốt. Nhờ đó, công tác giảm nghèo ở địa phương đạt kết quả tốt.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Hàng loạt khó khăn vướng mắc trong giao đất, giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp

Nghệ An: Hàng loạt khó khăn vướng mắc trong giao đất, giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp

Vị trí đất được cấp ở xa, địa hình giao đất giao rừng đi lại khó khăn, sai lệch diện tích giữa hồ sơ và thực địa, nhu cầu người dân lớn nhưng quỹ đất ít… là những khó khăn, vướng mắc đang gây ảnh hưởng lớn đến việc giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp ở Nghệ An.