Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Những người "đi trước" ở Trung Sơn

Giang Lam - 12:06, 24/07/2022

Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, nhiều cán bộ, đảng viên ở xã Trung Sơn (Yên Sơn, Tuyên Quang) đã trở thành những tấm gương sáng cho người dân noi theo. Đây chính là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Giáng Thèn Văn Hiển cùng cán bộ lâm nghiệp xã và người dân kiểm tra diện tích đất rừng cập nhật trên phần mềm điện thoại.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Giáng, Thèn Văn Hiển (thứ 2 từ phải qua) cùng cán bộ lâm nghiệp xã và người dân kiểm tra diện tích đất rừng cập nhật trên phần mềm điện thoại.

Nêu gương tốt...

Thôn Bản Giáng, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang có 40 hộ dân chủ yếu đồng bào Nùng, Tày. Đây là thôn nhiều rừng ở Trung Sơn với gần 200 ha. Đến tận nơi mới thấy ở đây không một tấc đất trống, nối tiếp rừng phòng hộ là rừng keo, rừng lát xuống đến tận các khe suối. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thèn Văn Hiển chia sẻ, có những thời điểm người dân chặt cây rừng lấy gỗ, rừng bị tàn phá, đất đai cũng bởi thế mà bị xói mòn, bạc màu. Lúc đó, anh và cán bộ xã, cán bộ kiểm lâm tích cực tuyên truyền, vận động người dân phải giữ rừng. Trong các cuộc họp thôn, anh cố gắng tuyên truyền để bà con hiểu, nếu phá rừng thì sẽ mất rừng, mất nguồn lợi từ rừng. Đặc biệt đồi núi trọc sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống khi mưa lũ đến.

Anh Hiển kiên trì đến từng nhà vận động người dân ký cam cam kết liên kết bảo vệ rừng. Anh Thèn Văn Lương, người dân thôn Bản Giáng bảo, theo cam kết, các hộ dân cùng giám sát lẫn nhau trong giữ rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn. Ngay cả việc lấy măng nứa trong rừng cũng có quy định cụ thể. Từ tháng 6 đến tháng 8 người dân sẽ được lấy măng, nhưng từ tháng 9 trở đi sẽ không được vào rừng lấy măng nứa nữa để măng phát triển thành cây.

Bên cạnh giữ rừng thì thôn còn đẩy mạnh phát triển kinh tế từ trồng rừng sản suất. “Miệng nói tay làm”, để nêu gương cho bà con, năm 2015 anh Hiển nhận 5 ha đất đồi về trồng. Cách thức “lấy ngắn nuôi dài”, trồng xen canh cây ngô, sắn trong quá trình đợi cây keo, cây mỡ khép tán. Anh vay vốn mở rộng chăn nuôi thêm lợn, gà. Lợi nhuận anh thu được từ mô hình kinh tế tổng hợp đạt trên 100 triệu đồng/năm. Thấy được lợi ích kinh tế lâu dài, bà con trong thôn chủ động trồng rừng. Toàn thôn hiện có 40 hộ, trồng được gần 100 ha. Anh Hiển khoe, ở đây nhà nào cũng có rừng, hộ ít thì từ 2 đến 3 ha, hộ nhiều gần chục ha. Nhiều hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng từ rừng như gia đình anh Thèn Văn Lương, Triệu Văn Mạnh, Thèn Văn Mây…

Chị Ma Thị Nhường, dân tộc Tày là nữ Bí thư Chi bộ năng động ở thôn Làng Chạp (xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang). Chị hiện là Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch Trường Giang. Hợp tác xã có 40 thành viên chuyên trồng, cung cấp các loại nông sản như dưa chuột, bí đỏ, đậu tương, rau bò khai, dớn, rau ngót rừng…Nông sản được trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ. Chị chia sẻ: “Chi bộ luôn xác định rõ, muốn lãnh đạo tốt công tác giảm nghèo, giúp bà con phát triển kinh tế thì trước hết bản thân các gia đình đảng viên phải đi trước. Bản thân tôi luôn trăn trở tìm hướng đi mới. Trong đó thành lập Hợp tác xã Nông sản sạch Trường Giang là hướng đi đúng”.

Được biết, hiện nay, các sản phẩm của hợp tác xã đã ra thị trường và được các siêu thị trong và ngoài tỉnh lựa chọn. Hợp tác xã hiện có 40 thành viên, thực hiện liên kết với 2 hợp tác xã khác để bao tiêu sản phẩm. Anh Đặng Hữu Minh, thành viên hợp tác xã chia sẻ, hiện nay gia đình anh trồng các loại rau rừng với trên 1 ha. Ngoài ra, theo hướng dẫn của chị Nhường, gia đình anh đã chuyển một số diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò của người đứng đầu, Bí thư Chi bộ thôn Làng Chạp Ma Thị Nhường còn mở cơ sở sản xuất và kinh doanh cây lâm nghiệp. Thời gian qua, cơ sở của chị cung ứng cho thị trường gần 100 nghìn cây giống lâm nghiệp; tạo việc làm cho 4 - 5 lao động thời vụ, mức thu nhập trung bình từ 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Với phương châm “Làm được, nói được thì người dân mới tin theo”, mỗi cán bộ, đảng viên luôn xác định trở thành một cán bộ làm công tác dân vận ở thôn bản. Nhiều tấm gương đảng viên, cán bộ tiên phong gương mẫu trong các phong trào, tạo sức “lan tỏa” mạnh mẽ. Điển hình như trong phong trào hiến đất làm đường có đảng viên Dương Văn Páo, Chi bộ thôn Lâm Sơn hiến hơn 1.000 m2; đảng viên Lương Xuân Dán, Chi bộ thôn Bản Giáng tích cực giữ gìn truyền dạy và giữ gìn bản sắc văn hóa... Nhiều mô hình kinh tế của các đảng viên trở thành điểm đến tham quan học tập của bà con trong xã. Điển hình như mô hình trang trại chăn nuôi của đảng viên Ma Văn Cường, Chi bộ thôn Đức Uy; mô hình vườn rừng của đảng viên Thạch Văn Túc, Chi bộ thôn Đồng Cướm…

“Nói phải củ cải cũng nghe”

Người xưa thường nói “thấy ăn thì đến, thấy đánh thì đi”, thế nhưng các thành viên ở các tổ hòa giải ở Trung Sơn luôn phát huy vai trò, thực hiện hiệu quả công tác dân vận để gắn kết tình làng nghĩa xóm.

Các thành viên Tổ hòa giải thôn Đồng Cướm, xã Trung Sơn (Yên Sơn) tuyên truyền pháp luật cho bà con
Các thành viên Tổ hòa giải thôn Đồng Cướm, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang tuyên truyền pháp luật cho bà con

Anh Bàn Văn Phong, Trưởng thôn Nà Ho là một trong những hòa giải viên giỏi, tích cực của thôn. Anh chia sẻ, làm công tác hòa giải phải tế nhị, hài hòa, sẽ xoa dịu không khí căng thẳng, tránh để bé xé thành to. Thôn có 124 hộ dân người Tày, Dao, Nùng, Mông… Nhiều năm về trước vấn đề tranh chấp đất đai giữa các gia đình, dòng họ là chuyện nổi cộm nhất. Có 2 gia đình nhiều năm liền tranh chấp đất đai, thường xuyên cãi cọ, gây gổ làm mất an ninh trật tự địa phương. Anh Phong cùng tổ hòa giải đến nhà tuyên truyền giải thích về Luật Đất đai. Anh kiên trì sẻ chia, tâm sự, lắng nghe, sẵn sàng là nơi để 2 bên trút bỏ những bức xúc. Gia đình họ Bàn nhất quyết “đất này là của tổ tiên nhà họ Bàn”. Còn gia đình nhà họ Hà thì: “Vợ chồng tao mà không giữ được đất thì có lỗi với tổ tiên lắm”.

Thế nhưng bằng sự kiên trì và trách nhiệm, anh Phong đã gặp gỡ riêng từng người để sẻ chia, tâm sự cho hai bên trút bỏ hết nỗi niềm và tìm được điểm chung, mở ra được hướng giải quyết đồng thuận.

Chị Ma Thị Huê, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Làng Chạp luôn tâm niệm, để hòa giải thành công, người cán bộ phải nỗ lực mỗi ngày rèn luyện kỹ năng "dân vận khéo", sao cho cả lời nói và hành động phải có uy tín thì người dân mới tin và nghe theo. Bản thân chị Huê tham gia công tác hòa giải nhiều vụ việc lớn nhỏ xảy ra trên địa bàn. Trung bình mỗi năm chị Huê tham gia hòa giải thành 2 - 3 vụ, việc phát sinh của thôn. Chị Huê cho biết, có những vụ, việc rất nhỏ nếu không kịp thời hòa giải thì hậu quả rất lớn, đơn cử như việc mâu thuẫn trong gia đình, hay tranh chấp đất đai chỉ vì cái hàng rào đặt không đúng vị trí...

Ở thôn Đồng Cướm, dưới cương vị là Người uy tín của thôn, thành viên Tổ hòa giải ở thôn, việc nắm bắt tình hình trong thôn lại như một thói quen của ông Thạch Văn Túc. Nếu là chuyện vui, thì ông đến chia vui; nếu là chuyện buồn thì ông san sẻ. Lắm khi không phải vụ việc gì, mà đơn giản ông trở thành chỗ dựa tinh thần, nơi tin tưởng cho bà con giãi bày. Ông Túc bảo, người xưa có câu “Nói phải củ cải cũng nghe”, mình cứ làm việc đúng, nói lời hay và phải chân thành thực sự thì bà con tin theo thôi.

Ông Nhữ Ánh Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Sơn chia sẻ, xã hiện có 7 tổ hòa giải. Mỗi tổ có 6 thành viên. Trong những năm qua các thành viên tổ hòa giải đã phát huy được vai trò làm tốt công tác hòa giải. Trung bình mỗi năm các tổ hòa giải của xã hòa giải thành đạt tỷ lệ trên 90% số vụ về đất đai, hôn nhân gia đình và các tranh chấp nhỏ khác.

“Dân vận phải nói thật, làm thật”, đó là điều mà cán bộ, đảng viên ở Trung Sơn luôn tâm niệm. Với sự khéo léo của cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ, công tác dân vận ở Trung Sơn đã bồi đắp niềm tin yêu của Nhân dân với Đảng.  

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.