Phiên chợ Thanh niên khởi nghiệp được tổ chức thường xuyên giúp thanh niên khởi nghiệp tìm kiếm được đầu ra, phát triển sản phẩm, yên tâm làm kinh tếChị Hồ Thị Thu Thanh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cho biết, Tỉnh đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, “truyền lửa” đam mê cho thanh niên. Tiêu biểu như Ngày hội “truyền lửa” khởi nghiệp, Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Hội thảo “Xác định lợi thế cạnh tranh của khởi nghiệp sáng tạo Quảng Ngãi” và chuyên mục “Khởi nghiệp cùng chuyên gia”. Đây là “cầu nối” giúp mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên DTTS.
Nhờ sự hỗ trợ và định hướng đúng đắn, nhiều mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị đã được nhân rộng. Thanh niên vùng đồng bào DTTS đã xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết phát triển để nâng tầm giá trị. Các sản phẩm từ mô hình khởi nghiệp của thanh niên ngày càng được ưa chuộng như ổi Soli, bưởi da xanh ở xã Sơn Liên (Sơn Tây); bò khô, gà kiến, gà đen và chuối hột rừng sấy khô của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Thủy (Sơn Hà); thổ cẩm Hrê ở Làng Teng (Ba Tơ); quế, đông trùng hạ thảo...
Chị Ao Thị Như Ý khởi nghiệp với mô hình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo Núi Cà Đam, đoạt giải Ba tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 4Nhiều bạn trẻ DTTS đã mạnh dạn khởi nghiệp với những mô hình sáng tạo, độc đáo. Đôi vợ chồng trẻ Ao Thị Như Ý và Đỗ Văn Thảo, ở thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng, khởi nghiệp năm 2022 với cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo Núi Cà Đam. Sản phẩm được nuôi cấy trên giá thể gạo lúa gãy của đồng bào Co. Hiện mỗi tháng, cơ sở của vợ chồng chị Ý thu về từ 70 - 80 triệu đồng. Mô hình của chị Ý đã đoạt giải Ba tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 4.
Chị Phan Thị Trầm (ngoài cùng bên trái), Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên tại Phiên chợ thanh niên khởi nghiệpChị Phạm Thị Trầm, huyện Sơn Tây, cũng là một điển hình khởi nghiệp thành công. Cuối năm 2019, chị Trầm thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên, liên kết với hàng chục hộ dân trồng khoảng 15ha hoa quả, gồm 3ha ổi và 12ha bưởi da xanh. HTX Sơn Liên còn thu gom, chế biến các sản phẩm đặc trưng của miền núi Sơn Tây như măng khô, chuối rừng, hạt mắc ca… Sự liên kết trong trồng và tiêu thụ sản phẩm đã giúp nhiều hộ đồng bào Ca Dong tăng thu nhập từ cây ăn trái.
Với sự hỗ trợ từ các chính sách ưu đãi và tinh thần dám nghĩ dám làm của thanh niên DTTS, phong trào khởi nghiệp ở Quảng Ngãi đã “đơm hoa kết trái”, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.