Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Quảng Ngãi: Huyện miền núi Ba Tơ được chọn thực hiện thí điểm chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát

T.Nhân - H.Trường - 2 giờ trước

Tỉnh Quảng Ngãi chọn huyện miền núi Ba Tơ là địa phương thực hiện thí điểm và hoàn thành trước chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Mục tiêu đến trước ngày 11/3/2025 sẽ hoàn thành chương trình.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có gần 9.797 hộ cần hỗ trợ nhà ở, trong đó, số hộ cần xây mới nhà ở 6.254 hộ, số hộ cần sửa chữa nhà ở 3.543 hộ. Số hộ có nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở trong Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là 3.956 hộ. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện là hơn 467 tỷ đồng.

Tại các huyện miền núi Quảng Ngãi vẫn còn rất nhiều ngôi nhà tạm bợ
Tại các huyện miền núi Quảng Ngãi vẫn còn rất nhiều ngôi nhà tạm bợ

Tỉnh Quảng Ngãi đã chọn huyện Ba Tơ là địa phương trong tỉnh thực hiện thí điểm và hoàn thành trước chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Theo đó, huyện Ba Tơ sẽ thành lập Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát do Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo nhằm kiểm tra thực tế ở cơ sở, rà soát thực trạng nhà ở của các hộ nghèo, hộ cận nghèo để có kế hoạch hỗ trợ cho từng trường hợp cụ thể. Huyện quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 11/3/2025.

Ông Trần Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương ban hành hướng dẫn về tiêu chí xác định nhà dột nát, nhà tạm; ban hành thiết kế một số mẫu nhà bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán và đặc điểm của từng địa phương, từng vùng miền. Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Xây dựng và Sở LĐ-TB&XH, các địa phương khẩn trương thành lập các tổ công tác rà soát, đánh giá nhà tạm, nhà dột nát, sớm hoàn thành rà soát và gửi báo cáo về Sở LĐ-TB&XH. Sau rà soát, các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho các hộ gia đình trong diện cần giúp đỡ về nhà ở.

“Để thực hiện hiệu quả chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, các địa phương cần xác định rõ nguồn lực, vận động kinh phí hỗ trợ các hộ gia đình xây mới, sửa chữa nhà ở; tích cực huy động lực lượng tại chỗ cùng tham gia, đóng góp ngày công. Tăng cường công tác tuyên truyền về chương trình nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho các hộ gia đình khó khăn về nhà ở; bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình”, ông Tuấn nhấn mạnh.