Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Quảng Ninh: Đưa hát Then vào hoạt động du lịch

PV - 10:21, 31/08/2018

Với mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật hát Then, tỉnh Quảng Ninh đã đưa hát Then vào hoạt động du lịch. Theo đó, Văn phòng Du lịch Bình Liêu đã kết nối với các công ty lữ hành thành lập một đội hát Then-đàn Tính chuyên biểu diễn phục vụ khách du lịch.

hát Then Một buổi tập luyện của các thành viên CLB hát Then ở Bình Liêu.

Với trên 95% dân số là người dân tộc thiểu số (gồm Tày, Dao, Sán Chỉ…), Bình Liêu được coi là một trong những cái nôi nuôi dưỡng làn điệu hát Then trong toàn tỉnh. Mặc dù điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, Bình Liêu đã có nhiều hình thức để bảo tồn và phổ biến làn điệu hát Then trong đời sống xã hội, trong đó có các mô hình CLB hát Then.

Nhằm nhân rộng mô hình hoạt động của CLB hát Then-đàn Tính, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia, UBND huyện Bình Liêu đã hỗ trợ mỗi CLB 20 triệu đồng để duy trì hoạt động. Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn tập luyện, dàn dựng các tiết mục sinh động, sân khấu hoá các tiết mục biểu diễn. Hàng tuần, các CLB xây dựng chương trình hoạt động theo các chủ đề, như: Trích đoạn Then cổ, Then xây dựng hợp tác xã, Then thời đổi mới, Then trong đám cưới, Then đối đáp, kịch Then, giao lưu hát Then-đàn Tính, ra mắt tác phẩm mới... Hàng tháng, tại Bình Liêu còn có các chuyên đề thảo luận về nội dung hát Then-đàn Tính để các nghệ nhân dân gian tham gia, nhằm tìm ra sự thống nhất trong quá trình bảo tồn, phát huy loại hình di sản này.

Là một trong số những CLB hát Then được thành lập sớm trên địa bàn huyện, CLB hát Then-đàn Tính xã Tình Húc luôn duy trì sinh hoạt đều đặn, hiệu quả. Với 18 thành viên ở nhiều lứa tuổi, do nghệ nhân dân gian Lương Thiêm Phú phụ trách, CLB sinh hoạt đều đặn vào các ngày cuối tuần tại Nhà Văn hoá thôn Chang Nà.

Nghệ nhân Lương Thiêm Phú cho biết, ngoài làm đàn, đánh đàn Tính, truyền dạy hát Then cho các thành viên trong huyện, ông còn truyền dạy cho 30 học viên ở 2 lớp hát Then- đàn Tính của huyện Tiên Yên. Thường xuyên tổ chức giao lưu với các CLB khác tại địa phương, giao lưu văn hóa văn, nghệ với nước bạn Trung Quốc.

Theo như nhiều nghệ nhân ở Bình Liêu thì hát Then nơi đây có điểm khác biệt với nơi khác là biểu diễn với cây đàn Tính 2 dây. Khi hát tàng nặm, người ta hát điệu dây căng dây trùng (dây đàn Tính), tâm tình tha thiết, sâu lắng hơn. Còn hát Tàng bốc (đường cạn) là hát điệu hai dây bằng nhau (dây đàn Tính) nghe thủ thỉ như tâm tình, kể chuyện... Tất cả giai điệu đã khiến làn điệu Then nhẹ nhàng, sâu lắng, có sức hút.

Với nét đặc sắc đó, hát Then-đàn Tính đang được đưa vào phục vụ khách du lịch trong định hướng phát triển du lịch văn hóa huyện Bình Liêu. Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn huyện Bình Liêu cũng tiến hành sưu tập các bài hát, trích đoạn Then cổ; thành lập, hỗ trợ nhân rộng mô hình các CLB hát Then-đàn Tính; quan tâm tới các nghệ nhân, đồng thời định hướng xây dựng các sản phẩm thực tế.

Nhằm đề ra các giải pháp cụ thể, nâng cao chất lượng các giá trị văn hóa địa phương, huyện Bình Liêu đang triển khai xây dựng Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Theo đó, Văn phòng Du lịch huyện Bình Liêu đã mở lớp tập huấn cho các CLB, xây dựng các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, đưa hát Then-đàn Tính vào phục vụ du lịch. Cùng với đó, huyện đã tổ chức thực hiện mô hình cho du khách trải nghiệm thực tế, gần gũi hơn giữa người nghe và người hát. Qua đó, hát Then-đàn Tính đang dần trở thành một nét đặc sắc riêng trong sản phẩm du lịch văn hóa, được các công ty du lịch, hãng lữ hành đánh giá cao.

Bà Hoàng Thị Nghị, Trưởng phòng Văn hóa huyện Bình Liêu thông tin, toàn huyện hiện có 32 nghệ nhân hát Then, 11 CLB hát Then-đàn Tính tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. “Trong thời gian tới, huyện Bình Liêu sẽ đẩy mạnh đưa loại hình nghệ thuật hát Then-đàn Tính vào các chương trình lễ hội, hoạt động xúc tiến du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh, thương hiệu các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn”, bà Hoàng Thị Nghị cho biết.

HOÀNG QUÝ

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.