Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Quảng Ninh: Gắn đào tạo nghề với bảo tồn văn hóa và tạo sinh kế cho đồng bào DTTS

Mỹ Dung - 10:34, 21/12/2023

Gần 2 tháng nay, lớp dạy thêu thổ cẩm trên trang phục của người Dao được nhiều phụ nữ ở thôn Đồng Bé, xã Sơn Dương, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) hào hứng tham gia. Đây là lớp đào tạo nghề sơ cấp do Phòng Lao động - Thương Binh và Xã hội thành phố Hạ Long, tổ chức miễn phí cho bà con DTTS nhằm góp phần tạo sinh kế cho người dân địa phương và bảo tồn văn hóa của đồng bào.

Lớp dạy thêu thổ cẩm trên trang phục của người Dao ở thôn Đồng Bé, xã Sơn Dương, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh)
Lớp dạy thêu thổ cẩm trên trang phục của người Dao ở thôn Đồng Bé, xã Sơn Dương, TP. Hạ Long

Theo lời chia sẻ của bà Triệu Thị Mài, một người dân thôn Đồng Bé, trước kia, việc thêu thùa quan trọng lắm. Người phụ nữ nào cũng phải biết làm để tự tay dệt váy cưới cho mình. Thậm chí ngay từ nhỏ đã được các bà, các mẹ dạy và tập dần cho rồi”.

Các sản phẩm thêu thổ cẩm của bà con nơi đây sở hữu những hoa văn đẹp, tinh tế, mang nhiều ý nghĩa khác nhau, thể hiện đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Dao. Thông qua màu sắc, họa tiết trên nền vải, phụ nữ Dao đã dệt nên những mảnh vải thổ cẩm để may quần áo, khăn và các vật dụng trong gia đình, như: chăn, địu, tấm trải gối, trải giường… rất đẹp mắt, tinh tế và ẩn chứa nhiều nét văn hóa truyền thống.

Đây là nghề không chỉ đơn thuần dệt ra những mảnh vải đẹp, trang phục truyền thống để sử dụng trong cuộc sống và sinh hoạt, mà còn chứa đựng văn hóa, nơi gửi gắm tâm tình của người Dao nơi đây. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, có thời điểm nghề dệt thổ cẩm đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền.

Để khôi phục nghề truyền thống, từ tháng 10/2023, lớp dạy thêu thổ cẩm trên trang phục của người Dao do Phòng Lao động - Thương Binh và Xã hội thành phố Hạ Long, tổ chức miễn phí cho bà con DTTS được nhiều phụ nữ hào hứng tham gia. Đều đặn từ thứ 5 đến chủ nhật hàng tuần, tại ngôi nhà văn hóa nhỏ tại thôn Đồng Bé lại rộn ràng, đầy ắp tiếng nói cười của lớp học đặc biệt - lớp thêu thổ cẩm trên trang phục của người Dao.

Lớp học gồm 20 học viên nữ với đủ mọi lứa tuổi, công việc chính chủ yếu làm nông nghiệp, 100% là đồng bào Dao Thanh Phán (một nhánh dân tộc Dao). Lớp học diễn ra 30 buổi, trong đó có 30% giờ học lý thuyết, thời gian còn lại, học viên được thực hành nghề thêu như: cách lựa chọn vải, phối màu chỉ thêu, cách thêu các hoa văn, họa tiết trên trang phục truyền thống của người Dao. Tại đây, các học viên dần tiếp cận với nhiều mẫu thêu từ đơn giản đến phức tạp.

Lớp học gồm 20 học viên nữ với đủ mọi lứa tuổi
Lớp học gồm 20 học viên nữ với đủ mọi lứa tuổi

Bà Trương Thị Đông (61 tuổi), người Dao Thanh Y, ở xã Bằng Cả là giáo viên của lớp học. Bà Đông một trong những người có nhiều kinh nghiệm và đặc biệt tâm huyết trong truyền nghề thêu ở thành phố Hạ Long. Không chỉ thành thạo về cách thêu trang phục của người Dao Thanh Y, bà Đông mà còn am hiểu về các hoạ tiết trong trang phục của người Dao Thanh Phán.

Nhà cách lớp học gần 20km, ngày nắng cũng như mưa, bà Đông đi xe máy băng theo con đường nhỏ, dốc quanh co, đến hướng dẫn cho các học viên thêu thổ cẩm. Không phấn trắng, bảng đen, dụng cụ học tập chỉ là những miếng vải thêu được bà lựa chọn kỹ càng, các loại chỉ màu chia đều cho mỗi người trong từng túi riêng. Giờ học bắt đầu từ những bài truyền miệng như: Chọn vải thêu, phối màu chỉ, sử dụng thành thạo các dụng cụ thêu, cách thêu các hoạ tiết, hoa văn thổ cẩm truyền thống… Bà Đông còn thêu mẫu trên những tấm vải nhỏ, cầm tay từng người căn khoảng cách đặt mũi kim.

Bà Đông hào hứng cho biết, trang phục của người Dao phác hoạ bức tranh thiên nhiên độc đáo với các gam màu chủ đạo là xanh, đỏ, vàng, trắng trên nền vải chàm. Những sợi chỉ tơ óng ả, nhiều màu sắc, qua bàn tay khéo léo của người thợ như "vẽ" lên những câu chuyện, bức tranh độc đáo về thiên nhiên, con người đồng bào dân tộc Dao nơi đây.

Nổi bật nhất là các hoạ tiết, hoa văn hình người, hình chim, hoa lá, ngôi sao, quả trám... được thêu tay ở tà áo, cổ áo, khăn, thắt lưng, túi đeo. Nghề thêu đòi hỏi người thợ tính kiên nhẫn, cần cù, tỉ mỉ và chăm chỉ. Với người phụ nữ dân tộc Dao, trang phục phải thể hiện khả năng thẩm mỹ, sự sáng tạo, tinh tế trên từng đường kim, mũi chỉ.

"Thời gian rảnh, tôi thường nghiên cứu, chuẩn bị "giáo án" là những mẫu thêu không cần khuôn vẽ để học viên có thể hiểu rõ, thực hành theo. Để tiết học hiệu quả, giúp học sinh hứng thú trong giờ học, tôi thường kể những câu chuyện gắn với kỷ niệm khi dạy nghề thêu hay khi đi hát ở lễ hội cấp sắc...", bà Đông nói thêm.

Là một trong những thành viên tham gia lớp học, chị Triệu Thị Thùy cho biết, mỗi tối thứ 5, 6 và cả ngày thứ 7, Chủ nhật hàng tuần, chị đều đến lớp học thêu. Khi biết thêu các mũi cơ bản, chị còn sáng tạo ra các hình thêu mới.

"Tôi học lớp cô Đông dạy từ tháng 10. Mới đầu học thấy hơi khó nhưng 1,2 tuần đã biết thêu. Tôi học lý thuyết song song với thực hành. Mới đầu học thêu dấu X, sau thêu hình con chim, lá cây… Mình cảm thấy rất vui khi được học lớp thêu này và mong muốn thêu được 1 chiếc áo dân tộc Dao Thanh Phán dành tặng cho mẹ hoặc người thân. Việc này vừa giữ được bản sắc dân tộc vừa truyền lại cho con cháu, anh chị em sau này”, chị Thùy hào hứng nói.

Bà Trương Thị Đông (61 tuổi), người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả là giáo viên của lớp dạy thêu thổ cẩm trên trang phục truyền thống
Bà Trương Thị Đông (61 tuổi), người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả, là giáo viên của lớp dạy thêu thổ cẩm trên trang phục truyền thống

Cũng là một trong những người nhiệt tình tham gia học tại lớp dạy thêu, chị Triệu Thị Thu (46 tuổi) kỳ vọng, thông qua lớp học này, những người phụ nữ trong thôn không chỉ tạo ra các bộ trang phục đẹp mắt cho mình, mà còn tạo ra các sản phẩm chất lượng có giá trị kinh tế cao, phát triển du lịch. Bên cạnh đó, giúp thế hệ trẻ tiếp tục kế thừa những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Việc mở lớp đào tạo nghề thêu thổ cẩm, không chỉ trang bị nghề phụ cho chị em làm thêm trong lúc nông nhàn để tăng thu nhập cho gia đình, mà còn giúp cho người dân hiểu được vai trò quan trọng trong công tác đào tạo nghề gắn với mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt, việc mở lớp dạy thêu thổ cẩm góp phần duy trì, bảo tồn những giá trị tốt đẹp làm lên bản sắc dân tộc Dao nơi thành phố biển.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.