Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người Lô Lô ở Sảng Pả A phát triển nghề thêu truyền thống

Văn Hoa - Minh Đức - 16:35, 07/06/2022

Với phụ nữ dân tộc Lô Lô ở thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) gìn giữ và phát triển nghề thêu thổ cẩm truyền thống đã trở thành thói quen trong đời sống sinh hoạt của mình, qua đó vừa giúp chị em có thêm thu nhập, vừa góp phần vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương.

Những lúc nông nhàn các thành viên của HTX thêu thổ cẩm dân tộc Lô Lô thường tập trung tại nhà văn hóa cộng đồng để thêu thổ cẩm
Những lúc nông nhàn các thành viên của HTX thêu thổ cẩm dân tộc Lô Lô thường tập trung tại nhà văn hóa cộng đồng để thêu thổ cẩm

Nghề thêu thổ cẩm truyền thống của người Lô Lô được chính quyền địa phương khôi phục từ năm 2013, thông qua việc thành lập Hợp tác xã (HTX) thêu thổ cẩm dân tộc Lô Lô, với 16 thành viên. Sau gần 9 năm hoạt động, số thành viên của HTX hiện nay đã tăng lên với 24 thành viên. 

HTX là nơi để các thành viên chia sẻ dạy nghề, và truyền kinh nghiệm cho lớp trẻ. Nhiều chị em đã rất hào hứng tham gia khôi phục lại nghề thêu truyền thống của dân tộc mình…, tích cực tham gia giữ gìn và trao truyền, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm cho lớp trẻ.

Theo bà Lùng Thị Minh, Chủ nhiệm HTX thêu thổ cẩm dân tộc Lô Lô, điều khác biệt của nghề thêu của người Lô Lô là, phụ nữ Lô Lô không dùng khung để thêu, mà chỉ cầm miếng vải để thêu, các đường kim mũi chỉ được xử lý rất khéo léo và tinh tế. Sản phẩm mà chúng tôi làm ra chủ yếu là hàng lưu niệm như khăn thổ cẩm, đồ trang sức, trang phục...

Đồng bào Lô Lô diện trang phục truyền thống trong lễ hội
Đồng bào Lô Lô măc trang phục truyền thống trong ngày hội

Đối với người Lô Lô, hoa văn trang trí trên sản phẩm được xếp đặt rất sáng tạo, chỉ bằng mảnh vải nhỏ hình tam giác, hình mặt trời, hình hoa đào hoặc hoa thảo quả được ghép với nhau là có thể tạo ra những hình thể mới đa dạng... Ngoài các họa tiết ở trang phục, thì khăn quấn đầu của người Lô Lô, được trang trí bằng các mô típ hoa văn và các tua vải màu sắc sặc sỡ.

Không chỉ giúp giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc, nghề thêu thổ cẩm đang đem lại thu nhập cho người dân. Hiện tại, HTX cung cấp khoảng 40 sản phẩm ra ngoài thị trường như quần áo, túi xách, gối, khăn trải bàn, khăn quấn đầu, mũ, bờm tóc, nơ tóc…, doanh thu hàng năm khoảng 100 triệu đồng. 

"Ngoài trồng trọt và chăn nuôi, hàng tháng các thành viên trong HTX đều có thu nhập trên 2 triệu đồng từ nghề thêu”, bà Minh thông tin.

Ngoài các họa tiết ở trang phục thì khăn quấn đầu của người Lô Lô được trang trí bằng các mô típ hoa văn và các tua vải màu sắc sặc sỡ.
Ngoài các họa tiết ở trang phục thì khăn quấn đầu của người Lô Lô được trang trí bằng các mô típ hoa văn và các tua vải màu sắc sặc sỡ

Bà Vàng Thị Mai, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc phấn khởi cho biết thêm, hiện nay các sản phẩm của HTX đã được giới thiệu tới nhiều khách du lịch trong và ngoài nước và sản phẩm làm ra được khách du lịch rất yêu thích.

Theo bà Mai, khi du khách đến với Mèo Vạc, ngoài việc được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tìm hiểu về văn hoá của đồng bào dân tộc Lô Lô, thì khi tham quan, trải nghiệm tại nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Lô Lô, du khách sẽ được hướng dẫn trải nghiệm một số công đoạn đơn giản của quá trình thêu thổ cẩm. Hoạt động này đã đem lại cho du khách sự hứng khởi, vui thích.

Chị Lan Anh, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh nhận xét: “Tôi thấy mỗi loại hoa văn, họa tiết ở các sản phẩm thêu của các cô gái người Lô Lô đều mang những đặc trưng rất độc đáo, riêng biệt. Các họa tiết hoa văn trên sản phẩm thêu không những sắc nét mà còn rực rỡ, mềm mại và rất bắt mắt”.

Được biết, hiện tại, UBND thị trấn Mèo Vạc đang xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền đến các thôn, bản, những nơi có nhóm thêu truyền thống, tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Hỗ trợ đem sản phẩm tham gia tại các hội chợ triển lãm, học hỏi cách tiếp cận thị trường. Đồng thời, tiếp tục phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng để tạo sự đột phá, nâng cao mức sống cho người dân, góp phần bảo tồn văn hóa của người Lô Lô.

Thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc có 118 hộ gia đình thì có 63 hộ là dân tộc Lô Lô, sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, dệt thổ cẩm và buôn bán nhỏ trong những ngày chợ phiên. Tuy là thôn nằm tại trung tâm huyện, nhưng người dân ở đây vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống, thể hiện rất rõ trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày, trong lễ hội và trong trang phục, nhất là trang phục phụ nữ. Năm 2007 thôn Sảng Pả A được công nhận là Làng Văn hóa du lịch của huyện Mèo Vạc, từ đó Sảng Pả A trở thành địa chỉ hấp dẫn khách du lịch đến trải nghiệm trong chuyến đi khám phá Cao nguyên đá.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ nhân Phú Bình Đồn, Người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào Chăm Ninh Thuận

Nghệ nhân Phú Bình Đồn, Người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào Chăm Ninh Thuận

Người có uy tín Phú Bình Đồn là nghệ nhân dân tộc Chăm tiêu biểu ở thôn Tân Bổn, xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam. Ông vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận mời dự Họp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiêu biểu năm 2024. Nhiều năm qua, ông tâm huyết xây dựng mô hình gia đình nghệ nhân gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Chăm.