Các hộ đồng bào Bru Vân Kiều tham gia liên kết chăm sóc nấm linh chi đỏ dưới tán rừngThử nghiệm thành công
Nấm linh chi đỏ được đưa vào trồng thử nghiệm dưới tán rừng ở các xã miền núi Hướng Tân, Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) từ năm 2023. Tại thời điểm đó, Tổ hợp tác của HTX Nông nghiệp Thương mại Hiệp Phát và HTX Chân Mây đã liên kết với Công ty TNHH Minh Khánh của tỉnh Gia Lai, trồng thử nghiệm 4.000 phôi nấm linh chi đỏ trên diện tích 1.000 mét vuông. Sau 3 tháng trồng và chăm sóc cho thấy, nấm linh chi đỏ thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, và độ ẩm dưới tán rừng keo lai; nấm sinh trưởng nhanh, kích thước, trọng lượng đạt chuẩn.
Sau bước đầu trồng thử nghiệm thành công, mô hình trồng nấm linh chi đỏ được mở rộng quy mô lẫn diện tích. Tổ HTX Nông nghiệp Thương mại Hiệp Phát và HTX Chân Mây tiếp tục liên kết với nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Hướng Phùng và Hướng Tân để trồng nấm linh chi dưới tán rừng.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Minh Khánh cũng tham gia vào chuỗi liên kết trồng nấm linh chi đỏ với vai trò là đơn vị bao tiêu sản phẩm. Nấm linh chi đỏ tươi, hiện được Công ty thu mua với giá khoảng 600.000 đồng/kg; nấm linh chi đỏ khô có giá dao động từ 1,6 - 4 triệu đồng/kg.
Cùng với nguồn thu nhập từ trồng nấm, các hộ đồng bào Bru Vân Kiều cũng đang có thu nhập từ trồng keo với giá bán hiện nay khoảng 70-90 triệu đồng/ha keo. Nhờ đó, đời sống kinh tế của các hộ gia đình người Bru Vân Kiều tham gia trồng nấm dưới tán rừng không ngừng được cải thiện.
Ông Hồ Chiến, người dân tộc Bru Vân Kiều, ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng cho biết: “Gia đình tôi là một trong 9 hộ dân tham gia trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng của HTX Chân Mây. Nếu trước đây chỉ có nguồn thu nhập từ bán keo, thì nay có thêm cả nguồn thu từ nấm nên kinh tế gia đình nào cũng trở nên khá hơn nhiều”.
Nấm linh chi đỏ phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở dưới tán rừng keo lai, cà phê ở Hướng Hóa (Quảng Trị)Còn tại thôn Tân Linh xã Hướng Tân, nấm linh chi đỏ được trồng dưới tán rừng keo lai và cà phê. Tổ HTX Nông nghiệp Thương mại Hiệp Phát và HTX Chân Mây liên kết với 7 hộ đồng bào DTTS trồng 2.000 phôi nấm linh chi đỏ. Hiện đã cho thu hoạch 3 đợt được 3,6 tạ, Công Ty TNHH Minh Khánh thu mua với giá tươi 600.000 đồng/kg, số tiền thu được hơn 200 triệu đồng.
Ông Phan Văn Tự, ở thôn Tân Linh, xã Hướng Tân vui mừng: “Nấm linh chi đỏ mở ra hướng đi mới rất hiệu quả trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, còn giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng và tăng thu nhập cho bà con dân bản”.
Nhân rộng mô hình
Sau 2 năm trồng thử nghiệm, mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai và cà phê ở Hướng Hóa được đánh giá là phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao. Để nhân rộng mô hình, đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo vùng DTTS, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 2302/QĐ- UBND ngày 23/9/2024 về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ “Thực hiện mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai và cà phê năm 2025”.
Chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 2302/QĐ- UBND ngày 23/9/2024 của UBND tỉnh Quảng Trị đang "chắp cánh" cho mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng phát triển mạnh.
Theo đó, người dân tham gia dự án sẽ được hỗ trợ giống, vật tư, phân bón và các hoạt động triển khai thực hiện mô hình, trong đó, hỗ trợ 70% chi phí mua giống linh chi đỏ, hệ thống tưới, lưới thép bảo vệ, hỗ trợ công kỹ thuật theo dõi, chỉ đạo mô hình... Nguồn kinh phí được trích từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế năm 2025, và nguồn đối ứng của Nhân dân.
Chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 2302/QĐ- UBND ngày 23/9/2024 của UBND tỉnh Quảng Trị đang "chắp cánh" cho mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng phát triển mạnhUBND tỉnh Quảng Trị giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính rà soát, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện trong năm 2025 đảm bảo quy định. Sau khi Quyết định có hiệu lực, các địa phương vùng trồng thí điểm đã khảo sát đối tượng thụ hưởng, diện tích và vùng trồng nấm linh chi đỏ phù hợp để lập danh sách. Từ đó, trình phương án hỗ trợ trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Trên có sở đó, UBND tỉnh Quảng Trị cấp kinh phí hỗ trợ để mở rộng diện tích, quy mô và số hộ trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Hà Ngọc Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết: “Hiện phôi giống nấm linh chi đỏ đã được cấp đợt, cho bà con theo chính sách hỗ trợ cây giống tại Quyết định số 2302/QĐ-UBND ngày 23/9/2024 của UBND tỉnh Quảng Trị.
Ngoài ra, các vật tư như phân bón, hệ thống tưới nước, lưới thép B40 bảo vệ…. đã được cấp đủ để trồng 600 mét vuông nấm linh chi đỏ dưới tán rừng theo như kế hoạch được phê duyệt”.
Còn tại xã Hướng Tân, hơn 5.000 phôi nấm linh chi đỏ cũng đã được cấp về. Số phôi giống này đã được trồng dưới tán rừng keo và cà phê trong dịp cuối tháng 4 vừa qua. Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hiện HTX Nông nghiệp Thương mại Hiệp Phát cũng đang mở rộng liên kết với các hộ đồng bào DTTS để trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng. Qua đó, sẽ góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân địa phương, nhất là đồng bào Vân Kiều ở các thôn bản ở xã Hướng Tân.
Anh Trần Văn Linh, thôn Huỳnh Thượng, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đang phân loại và đóng gói nấm linh chi đỏ sau thu hoạchKhông chỉ ở Hướng Hóa, mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng còn được nhân rộng ra nhiều hộ gia đình ở các địa phương miền núi tỉnh Quảng Trị. Tiêu biểu như hộ gia đình anh Trần Văn Linh, thôn Huỳnh Thượng, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh. Hiện anh Linh đã đầu tư 2 tỷ đồng để vừa ươm giống và trống nấm linh chi đỏ với quy mô vườn 9.000 mét vuông.
Với chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 2302/QĐ- UBND ngày 23/9/2024 của UBND tỉnh Quảng Trị, mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng đã có bước phát triển mạnh mẽ. Từ trồng thử nghiệm, nấm linh chi đỏ đã từng bước trở thành mô hình sinh kế mang lại lợi ích kép về kinh tế, góp phần đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS ở Quảng Trị. Với giá bán từ 600 nghìn đồng/1kg loại tươi, 1,6-4 triệu đồng/kg loại khô, mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng có triển vọng giúp đồng bào DTTS ở Quảng Trị vươn lên làm giàu.