Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Sản phẩm OCOP của đồng bào Bru Vân Kiều

Phạm Tiến - 4 giờ trước

Không còn cảnh lặn lội lên rừng tìm ong lấy mật, hiện nay đồng bào Bru Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã biết nuôi ong, tạo ra sản phẩm mật ong nơi đại ngàn Trường Sơn này đạt chuẩn OCOP 3 sao.

bà Trương Thị Hiển là người tiên phong đưa ong lấy mật về nuôi ở xã Trường Sơn
Bà Trương Thị Hiển là người tiên phong đưa ong lấy mật về nuôi ở xã Trường Sơn

Từ  khởi đầu gian nan

Trường Sơn là xã biên giới nằm ở phía Tây huyện Quảng Ninh, có tổng diện tích tự nhiên gần 77.430 héc ta; trong đó phần lớn diện tích là trùng trùng điệp rừng Trường Sơn xanh thẳm. Toàn xã có 1.144 hộ, 4.841 nhân khẩu phân bố rải rác ở 19 thôn, bản, trong đó người Bru Vân chiếm phần lớn dân số trong toàn xã. Từ xưa đến nay, đồng bào Bru Vân Kiều đã quen với việc lên rừng đi tìm con ong lấy mật. Thế nhưng từ năm 2016, nghề nuôi ong lấy mật bắt đầu hình thành ở xã Trường Sơn.

Chuyện bắt đầu từ bà Trương Thị Hiển, cán bộ hưu trí tại địa phương. Khi về hưu, bà bắt đầu tìm hiểu rồi đưa con ong lấy mật về địa phương để nuôi. Nghề nuôi ong lấy mật tuy ít chi phí đầu tư nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật cao, sự khéo léo, dày công chăm sóc.

 Không chỉ am hiểu đặc tính của loài ong, bà Hiển còn có sự am hiểu về các loài hoa, mùa hoa nở, mùa ong đi lấy mật… Cùng với lợi thế ở địa phương có nhiều hoa rừng tự nhiên nên ong nhà bà Trương Thị Hiển nhân đàn nhanh, cho mật nhiều.

Từ mô hình ở nhà bà Hiển, con ong đã được nhiều hộ đồng bào Bru Vân Kiều ở xã Trường Sơn lựa chọn để nuôi. Với giá bán 350 nghìn đồng/lít mật, nghề nuôi ong lấy mật đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hộ nuôi.

Hộ anh Hồ Tho (SN 1973), ở bản Thượng Sơn, xã Trường Sơn là một ví dụ. Thấy bà con nuôi có hiệu quả, năm 2018, hộ anh Tho cũng đầu tư mua 2 đàn ong giống về nuôi. Được các hộ nuôi trước “cần tay chỉ việc” nên chỉ sau 2 năm, anh Hồ Tho đã nhân lên được 15 đàn ong. Nhờ nguồn hoa tự nhiên phong phú nên mật ong của gia đình anh Tho được người tiêu dùng ưa chuộng, mua với giá cao. Cứ thế, con ong đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh Tho.

Hộ xã viên HTX Nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn kiểm tra cầu ong
Hộ xã viên HTX Nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn kiểm tra cầu ong

Năm 2019, Dự án phát triển nông thôn giảm nghèo huyện Quảng Ninh được triển khai. Các hộ gia đình cá nhân nuôi ong ở xã Trường Sơn được vận động chung sức để thành lập hợp tác xã (HTX) Nuôi ong lấy mật nơi đại ngàn Trường Sơn này. Khi tham gia vào HTX, mỗi xã viên được hỗ trợ thêm 2 đàn ong để nuôi theo tiêu chuẩn.

Tại thời điểm thành lập, HTX Nuôi ong lấy mật có 12 thành viên, trong đó phần lớn là các hộ gia đình đồng bào Bru Vân Kiều. Vượt qua những khó khăn bước đầu, HTX đã góp phần quan trọng trong đổi thay cuộc sống và cả nếp nghĩ, cách làm của thành viên HTX. Giờ đây, người dân đã chủ động tham gia cùng HTX phát triển kinh tế, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi ong để mang lại năng suất, chất lượng cao hơn cho sản phẩm.

Khi Dự án 8, chương trình chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được triển khai, thành viên HTX Nuôi ong lấy mật đại ngàn trường Sơn được tập huấn ký thuật nuôi ong đầy đủ
Khi Dự án 8, chương trình chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được triển khai, thành viên HTX Nuôi ong lấy mật đại ngàn trường Sơn được tập huấn ký thuật nuôi ong đầy đủ

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Hồ Văn Trình, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn cho biết: “Hiện con ong đã trở thành vật nuôi giúp nhiều hộ đồng bào Bru Vân Kiều thoát nghèo. Sản phẩm mật ong của HTX Nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn cũng đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao”

Đến sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên ở Trường Sơn

Từ manh nha nuôi nhỏ lẻ, giờ đây nghề nuôi ong lấy mật ở xã biên giới Trường Sơn đã phát triển lên quy mô HTX, với quy mô 600 đàn ong. Đặc biệt, thông qua các chính sách dân tộc, HTX Nuôi ong lấy mật đạt ngàn Trường Sơn đã được hỗ trợ thêm nhiều phương tiện, máy móc phục vụ quy trình vắt mật, đóng chai và xây dựng thương hiệu đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên của đồng bào Bru Vân Kiều ở xã Trường Sơn.

Sản phẩm của HTX Mật ong đại ngàn Trường Sơn được đóng gói bắt mắt và có mặt ở nhiều thị trường trong nước
Sản phẩm của HTX Mật ong đại ngàn Trường Sơn được đóng gói bắt mắt và có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố

Năm 2023, được xem là năm HTX Nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn có một bước tiến dài. Khi đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai Dự án 8 (Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đã mời Tiến sĩ Trương Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ong và Chuyển giao công nghệ chăn nuôi, đến tận nơi tập huấn về kỹ thuật chọn giống, cách chia đàn, cách tạo chúa, cách chăm sóc phòng bệnh cho đàn ong, kỹ thuật sơ chế, bảo quản mật…Nhờ đó, các thành viên HTX nắm chuẩn quy trình nuôi ong lấy mật hiệu quả nhất.

Cùng với việc hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong cho các thành viên HTX, các chương trình dự án đã hỗ trợ: 1 máy thủy phân, 1 máy đóng chai, 2 máy lọc, 11 thùng quay mật các loại và 6 cầu, 1 máy chiết rót mật, 1 máy nén mật. Đây là những điều kiện vật chất, góp phần tạo nên chất lượng và sản lượng mật đảm bảo tiêu chuẩn và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nuôi ong lấy mật đại ngàn Trường Sơn cho biết: Từ 75 đàn thời gian đầu, đến nay toàn HTX đã có 600 đàn ong cho thu hoạch mật; mỗi thành viên nuôi khoảng từ 15-30 đàn ong lấy mật. Tổng sản lượng mật ong thu được bình quân mỗi năm khoảng hơn 3.000 lít, giá bán trung bình là 450.000 đồng/lít, doanh thu ước đạt hơn 1 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ gia đình thành viên HTX có thu nhập khoảng 35 triệu đồng/năm từ nuôi ong.

Tin cùng chuyên mục
Ngã rẽ bất ngờ của nữ thạc sỹ kinh tế

Ngã rẽ bất ngờ của nữ thạc sỹ kinh tế

Tốt nghiệp ngành Ngân hàng và có công việc ổn định tại TP.Hồ Chí Minh, nhưng sau một “biến cố” bất ngờ xảy đến, chị Phạm Thị Nhân (32 tuổi, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) đã trở về quê để khởi nghiệp. Sau thời gian khởi đầu nhiều khó khăn, đến nay vợ chồng chị đã gặt hái được những thành công nhất định.