Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Quảng Yên (Quảng Ninh): Ưu tiên tạo điều kiện để người dân phục hồi nghề nuôi trồng thủy sản

Mỹ Dung - 16:35, 17/10/2024

Nhằm khắc phục hậu quả sau bão số 3, UBND thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đã từng bước thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại; tổng hợp nhu cầu, hỗ trợ thiệt hại kịp thời người nuôi trồng thủy sản, xây dựng kế hoạch và giải pháp khôi phục. Vượt lên khó khăn, mất mát, những người nuôi trồng thủy sản (NTTS) nơi đây đang nỗ lực khắc phục thiệt hại để tiếp tục tái sản xuất.

Các lực lượng chức năng kịp thời hỗ trợ người dân sau bão
Các lực lượng chức năng luôn có mặt kịp thời hỗ trợ người dân sau bão

Thiệt hại nặng nề

Kể từ sau bão, hằng ngày ông Nguyễn Văn Hùng, khu Thống Nhất 2, phường Tân An, đã ra biển kéo lưới, phần để "mót" nốt chỗ cá song còn sót mắc lại trong lưới, phần mong muốn tìm cách trục vớt vài chục ô lồng bè nuôi cá của gia đình. Với hơn 30 ô nuôi cá song, gia đình ông dự kiến thu hoạch để bán vào dịp gần Tết Nguyên đán, ngờ đâu đã bị bão cuốn đi.

Ông Hùng ngậm ngùi, với số cá song bị mất khoảng 3.000 con, nhẩm tính khoảng 3 tỷ đồng. Trước bão, nhà ông cũng vừa xuống giống khoảng 50 nghìn con cá song, tiền vốn cỡ 2 tỷ đồng. Tất cả khoảng 5 tỷ đồng đã theo con sóng ra khơi. Những gì còn sót lại là ngư cụ chìm dưới đáy biển phải thuê người trục vớt, và những khoản nợ chưa biết cách nào chi trả.

Cùng hoàn cảnh, gia đình ông Đoàn Trung Mạnh, phường Yên Hải, nuôi thả 20 vạn giống hàu, hà ở 18 lồng, bè với tổng trị giá đầu tư gần 8 tỷ đồng. Đây là số vốn ông Mạnh làm tích cóp nửa đời người mới có được. Tuy nhiên, cơn bão số 3 đi qua cùng sức tàn phá khủng khiếp đã cuốn đi đến 90% tài sản đầu tư của gia đình.

“Gần 10 năm tập trung làm ăn giờ chả còn gì, tất cả trôi sạch. Từ sau bão đến giờ vẫn nhờ người thân, bạn bè hỗ trợ đi tìm tài sản xem còn vớt vát được chút nào hay chút đó, rồi thuê lao động gia cố lại bè, mảng, cắt bỏ các dây hàu, thu gom lại các phao nhựa để tới đây ổn định sẽ tái sản xuất”, ông Mạnh trải lòng.

Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản gần như mất trắng
Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản gần như mất trắng

Trên thực tế, khoảng 238 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 800 bè hàu, 1.700 lồng nuôi cá của các hộ nuôi trên địa bàn thị xã Quảng Yên đều bị phá huỷ sau bão. "Của đau con xót", những ngày này, nhiều người vẫn cố gắng ra biển tìm kiếm, cứu lại những tài sản cuối cùng, từ mảnh bè gỗ, tới sợi dây treo hàu, hà.

Nhiều giải pháp kịp thời

Ngay sau bão, lãnh đạo thị xã đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xuống tận cơ sở để thống kê thiệt hại, hướng dẫn bà con tu sửa lại ao đầm, lồng bè, xử lý môi trường để tiếp tục cho vụ nuôi khác trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân NTTS để kịp thời tháo gỡ những khó khăn trước mắt; tạo điều kiện tối đa nhất giúp người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của các ngân hàng để tái sản xuất sau bão.

Xác định đây là nghề sinh kế nên dù có mất mát, nhưng nhiều hộ NTTS vẫn không nản chí. Thời điểm này, mọi người vẫn đang tích cực tập trung khắc phục sau bão; tu sửa, khôi phục hệ thống ao đầm, lồng, bè, chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư đầu vào NTTS, sẵn sàng thả giống khi điều kiện môi trường cho phép.

Người dân tìm và gia cố lại những chiếc lồng bè
Người dân tìm và gia cố lại những chiếc lồng bè

Chị Ngô Thị Thúy, phường Tân An, cho biết: NTTS phải tính đến thời điểm xuống giống và đây chính là thời điểm thích hợp nhất để xuống giống vụ mới, khi nhiệt độ còn mát.

“Các chính sách hỗ trợ lúc này là rất kịp thời. Ngay sau khi được ngân hàng hỗ trợ vay vốn 500 triệu đồng, tôi đã mua ngay 5.000 cá song để tái sản xuất, đồng thời gia cố các bè mảng, cố gắng vực dậy, làm lại từ đầu”, chị Thúy chia sẻ.

Thị xã Quảng Yên cũng đang trao đổi, kết nối với một số doanh nghiệp hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy sản trong vùng quy hoạch phao xốp hợp chuẩn, hợp quy với tổng kinh phí gần 36 tỷ đồng. Vì nguồn kinh phí khá lớn nên lãnh đạo thị xã cũng bàn với các nhà đầu tư hỗ trợ theo hướng phục hồi sản xuất theo từng giai đoạn.

Đặc biệt, từ bao lâu nay Quảng Yên vẫn có thế mạnh là con hầu cửa sông tiêu thụ tốt, giá trị kinh tế cao. Đứng trước việc tỉnh Quảng Ninh không có cơ sở sản xuất giống hầu, thị xã đang kết nối con giống đã được cấy vào giá thể nhập khẩu từ Trung Quốc để nuôi thương phẩm. Đây là cách làm linh hoạt, kịp thời đảm bảo thương phẩm phát triển kinh tế cho bà con trên địa bàn.

UBND thị xã Quảng Yên họp nghe báo cáo tiến độ thẩm định, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và tiến độ giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản
UBND thị xã họp nghe báo cáo tiến độ thẩm định, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và tiến độ giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản

Trao đổi về nội dung này, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên - Trần Đức Thắng nhấn mạnh: Đối với 462 hộ thuộc đối tượng sinh kế từ nghề NTTS sẽ cố gắng trong tháng 10 giao mặt biển cho các hộ, tạo điều kiện cho người dân phục hồi sản xuất; Đồng thời, khi giao mặt biển thị xã có cơ sở hỗ trợ cho người dân và cũng thuận lợi hơn cho công tác quản lý. 

"Xác định để đảm bảo công tác NTTS được bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, thị xã đang đề xuất với tỉnh triển khai đề tài khoa học thí điểm nuôi biển bền vững ở địa bàn Quảng Yên tạo sinh kế ổn định cho người dân", ông Thắng cho hay..

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.