Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Quẩy tấu trong cuộc sống của người Mông

Văn Hoa - 18:12, 15/09/2021

Trong nhịp sống hiện đại, chiếc quẩy tấu vẫn giữ một vai trò không thể thay thế, là “vật bất ly thân”, là người bạn gần gũi trong đời sống đồng bào Mông nơi vùng cao núi đá, cho dù đã xuất hiện những công cụ mới, phương tiện mới...

Ra mắt tổ liên kết dùng quẩy tấu đi chợ để bảo vệ môi trường tại Hà Giang
Ra mắt tổ liên kết dùng quẩy tấu đi chợ để bảo vệ môi trường tại Hà Giang

Vật dụng đa năng

Tôi có dịp quay trở về Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) sau nhiều năm xa cách, cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều đổi khác. Những con đường đã được mở rộng hơn, nhiều ngôi nhà khang trang hơn, xuất hiện nhiều ô tô và xe máy hơn. Nhưng chiếc quẩy tấu trên lưng mỗi người Mông, vẫn là hình ảnh quen thuộc, dù cuộc sống có nhiều đổi thay.

Với địa hình hiểm trở, những dốc cao, vực thẳm, gập gềnh đá tai mèo, khó khăn trong việc đi lại, nên người Mông đã sáng tạo ra chiếc quẩy tấu. Chiếc quẩy tấu gọn gàng như chiếc balo đặt lên lưng, là vật hữu dụng nhất, thuận tiện cho việc mang, vác, có thể di chuyển trên mọi địa hình, khi đi nương hay xuống chợ.

Tùy theo nhu cầu sử dụng, mà người ta đan quẩy tấu to hay nhỏ. Người Mông coi chiếc quẩy tấu là phương tiện đa năng, hầu hết mọi thứ mang vác đều được đựng trong quẩy tấu. Khi lên nương dùng để đựng cuốc, đựng dao; khi về đựng thêm rau, củ, quả; hay có thể mang nông sản xuống chợ và để đựng những vật dụng cần thiết mua từ chợ về.

Với người Mông, quẩy tấu đồng hành từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành. Các em nhỏ thường được mẹ đặt lên quẩy tấu địu trên lưng, theo mẹ đi làm nương hay đi chợ; khi đeo trên lưng, chiếc quẩy tấu thể hiện sự đảm đang, vun vén của người phụ nữ. Cứ như vậy, quẩy tấu gần gũi, không thể tách rời trong cuộc sống đồng bào Mông từ đời này qua đời khác.

Người Mông cho rằng, khi đeo quẩy tấu trên lưng, họ cảm thấy tự tin giữa thiên nhiên núi rừng hùng vĩ. Quẩy tấu còn được coi như là một đồ trang sức, góp phần làm nên vẻ đẹp khỏe khoắn, nết na của phụ nữ người Mông.

Chính vì thế, những ngày tết truyền thống, chiếc quẩy tấu cùng một số vật dụng quen thuộc quan trọng khác của người Mông, như: Cuốc, dao, được đặt ở vị trí trung tâm bàn thờ để thắp hương cúng vái tổ tiên.

Đặc biệt, trong gia đình có người khuất, người ta sẽ cho người mất ngồi trên quẩy tấu để vệ sinh và mặc quần áo. Chiếc quẩy tấu đó vẫn dùng, người Mông coi nó là một vật may mắn, là lộc của người mất để lại.

Nhịp sống hiện đại, chiếc quẩy tấu bằng chất liệu nhựa thay thế nhưng vẫn gần gũi, không thể tách rời trong cuộc sống đồng bào Mông
Nhịp sống hiện đại, chiếc quẩy tấu bằng chất liệu nhựa thay thế nhưng vẫn gần gũi, không thể tách rời trong cuộc sống đồng bào Mông

Quẩy tấu trong thời hiện đại 

Đến nay, khi cuộc sống đã khá lên, nhiều gia đình đã sắm được xe máy, những chiếc quẩy tấu bằng nhựa với giá thành rẻ hơn, nhiều màu sắc hơn cũng được người dân ưa chuộng, nhiều người không còn đan quẩy tấu nữa. Một phần nguyên nhân cũng do cây trúc vàng ngày càng khan hiếm.

Thế nhưng không vì thế mà chiếc quẩy tấu mất đi giá trị ngàn đời của nó. Theo anh Sùng Mí Tính, dân tộc Mông, thôn Ngài Lầu, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, quẩy tấu đan bằng tre trúc có độ bền cao, có thể gùi những đồ nặng mà không sợ bị hỏng, tuy nhiên không giữ được màu như ban đầu và hay bị gỉ tre sắc ngọn đâm vào tay, nhất là khi địu trẻ em nhỏ. Còn quẩy tấu bằng nhựa đa dạng màu sắc đẹp mắt, tuy nhiên độ bền không cao, dễ bị vỡ.

Theo anh Tính, dù làm bằng những vật liệu khác nhau, song chiếc quẩy tấu vẫn là vật dụng cần thiết đối với cuộc sống người Mông. Ngoài quẩy tấu, tùy vào công việc, người Mông có thể dùng bao tải hoặc dây buộc, song quẩy tấu vẫn là vật dụng dễ sử dụng và hữu ích nhất. Và ngay cả khi đi chợ, ngồi trên xe máy, người ta vẫn thích gùi quẩy tấu ở đằng sau, vừa gọn gàng, vừa thuận tiện.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, nhiều người Mông đã biết dành những khoảng đất để trồng tre trúc đan quẩy tấu. Nhiều hộ gia đình, hợp tác xã đã biết phát huy nghề đan quẩy tấu truyền thống, để tạo ra những sản phẩm mang tính hàng hóa bán ra thị trường, vừa phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, vừa tạo thành những sản phẩm du lịch, mang lại thu nhập kinh tế cho gia đình.

Ngoài ra, quẩy tấu đan tre trúc còn góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế việc dùng rác thải nhựa và túi nylon. Hiện nay, Hà Giang đang có phong trào dùng quẩy tấu đi chợ, thu hút được sự quan tâm tham gia, hưởng ứng của nhiều chị em phụ nữ.

Có thể nói rằng, chiếc quẩy tấu tạo nên vẻ đẹp không thể pha trộn của đồng bào dân tộc Mông nơi vùng cao núi đá. Dù cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng quẩy tấu vẫn là vật dụng gần gũi, tiện dụng, gắn liền với đời sống đồng bào Mông.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.