Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 3 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý tăng 1 điều (bổ sung Điều 2 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân số 37/2018/QH14 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2023/QH15). Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/12/2024.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội, một số ý kiến đề nghị làm rõ quy định cấp phó trong hệ thống chức danh cơ bản của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; bổ sung chức danh, chức vụ tương đương với các chức danh, chức vụ cơ bản trong bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước và một số chức vụ chỉ huy, quản lý cơ quan, đơn vị chưa được quy định tại khoản 1 Điều này; rà soát, bổ sung cho phù hợp với biên chế tổ chức hiện nay do sáp nhập, thành lập đơn vị mới; cân nhắc từ “cơ bản” tại tiêu đề khoản 1.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, quân đội có 6.277 chức vụ, 12.310 chức danh, nên không thể quy định hết các chức vụ, chức danh trên trong Luật; vì vậy, khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật chỉ quy định chức vụ, chức danh cơ bản. Với các chức vụ, chức danh chưa được quy định tại khoản 1 Điều này, thực hiện Kết luận của cơ quan có thẩm quyền tại Văn bản số 10809-CV/VPTW ngày 06/8/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Luật sửa đổi, bổ sung lần này không quy định những vấn đề cụ thể về tổ chức bộ máy và quân hàm cấp Trung tướng trở xuống trong lực lượng vũ trang, mà giao Chính phủ và Bộ Quốc phòng quy định theo thẩm quyền tại khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật (nội dung sửa đổi khoản 2 Điều 11 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hiện hành) để bảo đảm tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện và yếu tố bí mật quốc phòng, quân sự. Vì vậy, UBTV Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý về kỹ thuật và giữ nội dung như dự thảo Luật trình Quốc hội.
Về khoản 2 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung Điều 13 - Tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan), một số ý kiến đề nghị quy định tuổi của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam thống nhất theo Bộ luật Lao động và Luật Công an nhân dân; đề nghị quy định tuổi nghỉ hưu phù hợp cho từng quân, binh chủng, phù hợp với tính chất, môi trường, địa bàn công tác; giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về độ tuổi nghỉ hưu ở một số chức danh chỉ huy, quản lý nhưng không cao hơn độ tuổi theo cấp bậc quân hàm.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, do cơ cấu, tổ chức, tính chất, nhiệm vụ, đối tượng tác chiến của Quân đội và Công an khác nhau, nếu tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan Quân đội bằng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan Công an nhân dân, hoặc bằng tuổi của người lao động theo Bộ luật Lao động, sẽ không bảo đảm cho sĩ quan, nhất là sĩ quan ở các đơn vị sẵn sàng chiến đấu có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ. Hằng năm, Quân đội vẫn phải tuyển sinh quân sự để sắp xếp và trẻ hóa đội ngũ cán bộ cấp phân đội, nếu tăng thêm tuổi so với dự thảo Luật sẽ gây dôi dư, ùn tắc trong đội ngũ sĩ quan.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan như dự thảo Luật vừa giữ gìn được đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh, trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe trong chỉ huy, quản lý, nghiên cứu, tham mưu và số cán bộ có chuyên môn trình độ cao để có nhiều thời gian phục vụ Quân đội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại; bảo đảm sĩ quan cơ bản có đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu mức tối đa 75%. Vì vậy, UBTV Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ như dự thảo Luật.