Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực tài chính

Hoàng Quý - 15:21, 08/06/2022

Sáng 8/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chịu trách nhiệm trả lời chất vấn trực tiếp. Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình, còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Công an; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh các nội dung được tập trung chất vấn, gồm có: Tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội. Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường; giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới. Các biện pháp chống thất thu thuế, nhất là trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình trước Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình trước Quốc hội

Tuân thủ đúng quy hoạch chuyển mục đích sử dụng đất

Về vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sắp xếp nhà đất là một trong những nút thắt của cổ phần hóa (CPH), doanh nghiệp CPH, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai. Khi trình phương án sắp xếp tài sản công, UBND các tỉnh được giao thẩm quyền phê duyệt phương án, nhưng việc này triển khai rất chậm. Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện CPH, triển khai công tác đấu giá phần vốn Nhà nước theo quy định. Việc tính giá đất không sát giá thị trường tạo ra thất thoát, tài sản nhà nước, chuyển sang tài sản tư nhân.

Theo đó, giải pháp trong thời gian tới Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra là, việc chuyển mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp sau CPH phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Thẩm định giá, giá sách giáo khoa và giá xăng dầu

Về vấn đề giá sách giáo khoa, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đây không phải mặt hàng Nhà nước định giá, mà thuộc danh mục kê khai giá, nên quyền định giá thuộc nhà xuất bản. Về đưa sách giáo khoa vào mặt hàng bình ổn giá, Bộ trưởng cho biết thẩm quyền quyết định của Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ có trách nhiệm tham mưu trình. Luật Giá cũng đang trong quá trình sửa đổi và qua nghiên cứu, các cơ quan thống nhất báo cáo Thủ tướng chính phủ đề xuất đưa sách giáo khoa vào Luật Giá sửa thời gian tới nhưng thẩm quyền quyết định vẫn là của Quốc hội.

Đối với vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ, Quốc hội giải pháp ổn định và lâu dài về vấn đề giá sách giáo khoa. Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực soạn thông tư mới về quy cách, quy chuẩn của sách cho phù hợp hơn với tình hình hiện nay, quy định này cũng sẽ góp phần tác động vào giá sách. Trong việc yêu cầu doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm khâu trung gian, chi phí phát hành canh tranh lành mạnh, Bộ đã và đang làm, sẽ tiếp tục thực hiện với Nhà xuất bản Giáo dục.

Về giảm giá thuế đối với xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết so với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia, thì giá xăng dầu của Việt Nam vẫn cao hơn. Trước tình trạng giá xăng dầu Việt Nam lên cao, vấn đề đặt ra là có giảm thuế hay không thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giảm một phần thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng dầu. Thời gian tới, Bộ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu trình phương án giảm thuế.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc giảm thuế cần thực hiện đồng bộ các chính sách. Bởi nếu giảm thuế để giảm giá nhưng vẫn để xảy ra buôn lậu, thì không hiệu quả; mặt khác giá không chỉ phụ thuộc thuế mà còn quan hệ cung cầu; đồng thời cần đẩy mạnh sản xuất trong nước.

Hoàn thiện hành lang pháp luật về chứng khoán

Trả lời câu hỏi của đại biểu về bong bóng thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm chất lượng.

Để khắc phục tình trạng này, hiện nay Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe….