Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Yên Bái: Phát huy vai trò đòn bẩy kinh tế cho hộ thành viên

Hà Anh - 06:34, 09/12/2021

Với việc hỗ trợ vốn ưu đãi kịp thời từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Yên Bái, đã giúp các HTX tăng cường nguồn lực tài chính đầu tư máy móc thiết bị, phương tiện vận chuyển phục vụ sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực, rõ rệt về mặt kinh tế -xã hội.

HTX Dịch vụ tổng hợp Thiên An tại thôn Cây Tre, xã Xuân Lai chuyên vỗ béo trâu, bò để bán
HTX Dịch vụ tổng hợp Thiên An tại thôn Cây Tre, xã Xuân Lai chuyên vỗ béo trâu, bò để bán

HTX Dịch vụ Tổng hợp Thiên An, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình được thành lập năm 2019, với 9 thành viên; vốn điều lệ 3 tỷ đồng; ngành nghề kinh doanh chính là chăn nuôi trâu thương phẩm. Từ nuôi vài con trâu, đến nay, HTX này đã phát triển quy mô trên 100 con/lứa.

Ông Hoàng Văn Liêm, Giám đốc HTX cho biết: "Đơn vị được Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (QHTPT HTX) cho vay 300 triệu đồng để đầu tư thêm phương tiện vận tải hàng hóa. Nhờ đó, giúp HTX mở rộng thị trường đáp ứng được các hợp đồng lớn, từ đó, tăng doanh thu hàng năm cho HTX. Được biết, mỗi năm, HTX nuôi luân chuyển để bán trâu, bò giống và trâu, bò thịt khoảng trên 1.500 con; lợi nhuận bình quân của một thành viên HTX đạt 150 triệu đồng/năm; trung bình 1 con trâu vỗ béo khoảng gần 3 tháng lãi 2,5 - 3 triệu đồng”.

Những năm qua, song hành với phát triển nhanh về số lượng là chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX, tổ hợp tác (THT) ngày càng được nâng cao. Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tư vấn, xây dựng dự án đầu tư cho nhiều HTX đổi mới dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô hoạt động đáp ứng yêu cầu thị trường, tiêu biểu như: HTX Nông Lâm Sản Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu), HTX Lũng Lô (huyện Văn Chấn) với tổng mức đầu tư của mỗi dự án trên 1 tỷ đồng; tư vấn thủ tục thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh cho 03 HTX.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 23 dự án đang sử dụng vốn vay của Qũy hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, với tổng dư nợ là 4,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Yên Bái đã giải ngân cho 04 đơn vị, với tổng số tiền 1 tỷ 150 triệu đồng; ngoài ra Liên minh HTX tỉnh đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, giúp các HTX, doanh nghiệp thành viên xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường đầu ra bền vững cho các sản phẩm của các đơn vị…

Từ nguồn vốn vay của Quỹ, các HTX đã đầu tư đổi mới công nghệ, kỹ thuật, phát triển sản phẩm, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực: vận tải, chế biến nông - lâm - thủy sản, nông nghiệp, dịch vụ…

Các dự án này đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 335 lao động; và tạo việc làm mới cho 124 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng; tăng doanh thu và nộp ngân sách trên 3 tỷ đồng. Hầu hết các HTX đã cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động sau khi vay vốn.

Ông Nguyễn Đức Lâm, Phó Giám đốc Quỹ cho biết: "QHTPTHTX được thành lập năm 2011, với vốn điều lệ 700 triệu đồng, đến 31/12/2020 nguồn vốn của Quỹ được ngân sách tỉnh cấp 5 tỷ đồng. Hơn 10 năm hoạt động, Quỹ đã cho vay 71 lượt khách hàng, quay vòng lượng vốn gần 16 tỷ đồng.

Qua quá trình hoạt động cho thấy, việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi kịp thời đã góp phần giúp các HTX tăng cường nguồn lực đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm, vừa nâng cao uy tín các mô hình kinh tế tập thể, vừa tạo thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.

Đồng thời, khuyến khích kinh tế hộ thành viên phát triển, tạo sự gắn kết các thành viên HTX và nâng cao vai trò, vị thế của Liên minh HTX tỉnh Yên Bái. Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đang trở thành một kênh vốn hiệu quả, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, chính sách hỗ trợ tín dụng của Đảng và Nhà nước đối với HTX.

Tin cùng chuyên mục
Mùa vàng từ những cánh đồng mẫu lớn ở Ninh Thuận

Mùa vàng từ những cánh đồng mẫu lớn ở Ninh Thuận

Qua 3 năm tổ chức sản xuất, mô hình cánh đồng lớn ở Bác Ái (Ninh Thuận) đã đem lại nhiều hiệu quả, giúp cho đời sống của người dân ở huyện nghèo từng bước thay đổi. Một trong những ưu điểm của mô hình này, là rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất, và đồng bộ được cơ sở hạ tầng của địa phương.