Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Quyết tâm cao trong thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi

Thanh Huyền - 11:50, 20/10/2022

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (sau đây gọi tắt là Chương trình MTQG DTTS và miền núi) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, với vai trò là cơ quan thường trực, Ủy ban Dân tộc đã có nhiều nỗ lực, cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện cơ chế, chính sách mang tính nền tảng, tạo hành lang thông thoáng để Chương trình nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống, mang lại lợi ích cho Nhân dân.

Đồng bào các DTTS Tây Nguyên vui trong ngày hội. Ảnh: Ngọc Thu
Đồng bào các DTTS Tây Nguyên vui trong ngày hội. Ảnh: Ngọc Thu

Hoàn thiện cơ chế, chính sách mang tính nền tảng

Chương trình MTQG DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được tích hợp từ hơn 100 chính sách cụ thể của giai đoạn 2016 - 2020, kết hợp với một số chính sách mới được thiết kế thành tổng cộng 10 dự án, 14 tiểu dự án với 36 nội dung chính sách thành phần do 23 bộ, ngành tham gia quản lý và tổ chức triển khai thực hiện.

Là một Chương trình MTQG mới, mang quan điểm đầu tư tổng thể nên Chương trình MTQG DTTS và miền núi rất đa dạng về nội dung chính sách, hình thức triển khai, trong khi quy mô đầu tư cho từng chính sách nhỏ với nhiều định mức quy định khác nhau. Công tác chủ trì, quản lý các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình có sự tham gia của nhiều bộ, cơ quan Trung ương, với số lượng lớn các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện.

Trước mức độ ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đến toàn bộ hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội trong nước suốt năm 2020 - 2021 và dự báo tác động còn kéo dài, để đảm bảo yêu cầu về chất lượng, tiến độ triển khai các nhiệm vụ của các Chương trình MTQG, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức làm việc với các bộ, ngành để cùng có sự đồng thuận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến việc hoàn thiện quy định hướng dẫn cơ chế, chính sách mang tính nền tảng, phương án phân bổ vốn nguồn ngân sách Trung ương để triển khai tổ chức thực hiện 03 Chương trình MTQG và một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về Chương trình MTQG DTTS và miền núi.

Các địa phương đã chủ động bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh ủy để tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của các Chương trình MTQG được giao, cũng như các chính sách dân tộc trên địa bàn nói riêng, thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới được chú trọng; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao, công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo có những chuyển biến tích cực. Việc triển khai các văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình MTQG của Trung ương tới các địa phương đã nắm bắt kịp thời, tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện tại cơ sở.

Tính đến hết tháng 8 năm 2022, đã có 231 văn bản khác nhau được ban hành để tổ chức thực hiện các nội dung về cơ chế, chính sách và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi từ Trung ương đến địa phương. 50/50 địa phương triển khai thực hiện Chương trình đã hoàn thành công tác thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 cấp tỉnh. 20/50 địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện để kiện toàn bộ máy quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình.

Triển khai quyết liệt các giải pháp

Đầu tháng 10, tại Phiên họp lần thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Chương trình MTQG DTTS và miền núi là Chương trình mới, khó, yêu cầu phải ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những kết quả đạt được bước đầu, ghi nhận và chia sẻ nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành đã phối hợp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ở Trung ương cũng như địa phương để thực hiện.

Để triển khai thực hiện Chương trình đạt được mục tiêu trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát lại một số nội dung cơ chế, chính sách đã ban hành để có sự điều chỉnh phù hợp. Đề ra tiến độ thời gian cụ thể phương án phân bổ số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 -2025; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình MTQG. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, để Nhân dân tích cực tham gia trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện và giám sát Chương trình...

Liên quan tới việc phân bổ kinh phí triển khai Chương trình MTQG, Bộ Tài chính đã xây dựng dự toán kinh phí sự nghiệp từ tháng 3/2022; đồng thời phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ kinh phí của năm 2022 là 5.429 tỷ đồng. Mới đây, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG DTTS và miền núi nói riêng, các Chương trình MTQG nói chung, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 19/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình MTQG những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Theo đó, Chỉ thị nêu rõ: Đối với việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công Thương khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ, giải pháp hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai một số nội dung, dự án thuộc thẩm quyền được giao của các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, xây dựng nông thôn mới theo đúng quy định; Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân vốn các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện phân bổ và giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn cho các dự án năm 2023 bảo đảm đúng thời gian quy định Luật Đầu tư công…

Đồng thời, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 về kết quả thực hiện các Chương trình MTQG và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm 2022 (ngày 18/10 vừa qua), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các Chương trình MTQG, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, các địa phương khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lặp, lãng phí; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân vốn các dự án thuộc Chương trình MTQG.

Tin cùng chuyên mục