Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Ra mắt sách mới: "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam"

Ngọc Ánh - 06:48, 05/04/2024

Chuẩn bị cho Lễ Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản cuốn sách "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam", do Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Lâm đồng chủ biên.

Cuốn sách Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam, do Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Lâm đồng chủ biên.
Cuốn sách "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam", do Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Trọng Lâm đồng chủ biên, được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành hôm 1/4. Ảnh: Nhà xuất bản cung cấp

Ấn phẩm "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" gồm hai phần: Lịch sử và ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam; Bảo tồn và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hiện nay.

Nội dung các bài viết trong mỗi phần đi sâu trình bày, phân tích, nhận định và làm sáng tỏ lịch sử hình thành và ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam thông qua kho tàng di sản Hán Nôm, các văn bản thư tịch cổ và kết quả nghiên cứu của ngành khảo cổ học; sự tồn tại của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tâm thức người Việt và các DTTS trên nhiều vùng, miền của Tổ quốc và của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng thời, khẳng định vai trò của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với việc hình thành bản sắc văn hóa, xây dựng con người Việt Nam và trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Bên cạnh đó, cuốn sách cũng đặt trọng tâm vào vấn đề tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với tư cách một Di sản văn hóa thế giới, những biến đổi trong Lễ hội Đền Hùng ở Việt Nam, việc khai thác di tích và Lễ hội Đền Hùng trong hoạt động du lịch bền vững hiện nay và những vấn đề đặt ra cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng và bảo tồn di sản văn hóa nhân loại.

Trong cuốn sách, Giáo sư Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ là dạng thức độc đáo trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt từ xa xưa mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, nghĩa đồng bào. Qua nhiều thăng trầm lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với các giá trị đặc trưng vẫn được bảo tồn, phát huy và ngày càng lan tỏa, trở thành bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Chính vì những giá trị đó, ngày 6/12/2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Với truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương luôn được Nhân dân cả nước thành kính tôn thờ. Hàng năm, người dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đều hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10/3 âm lịch) và Lễ hội Đền Hùng - một dạng thức cụ thể sinh động nhất của tín ngưỡng này...

Khu di tích lịch sử Đền Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ) hiện nay là nơi gốc thờ tự các vua Hùng của cả nước. Mỗi năm, nơi đây đón từ 6 - 8 triệu lượt du khách đến thăm và cúng giỗ Tổ. Ngoài ra, trên cả nước còn có 1.417 di tích thờ cúng vua Hùng và các tướng lĩnh thời Hùng Vương .