Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Ra mắt ứng dụng di động S-Health phục vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

T.Hợp - 09:05, 30/09/2021

S-Health là ứng dụng di động đầu tiên được thiết kế đặc biệt để chăm sóc sức khỏe từ xa cho người cao tuổi. Ứng dụng này do Quỹ Dân số Liên hợp Quốc tại Việt Nam và Bộ Y tế hợp tác xây dựng với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Nhật Bản.

Thống kê trên toàn cầu, việc sử dụng Internet của người cao tuổi đã tăng lên đáng kể từ khi bùng phát dịch COVID-19. Ảnh minh họa
Thống kê trên toàn cầu, việc sử dụng Internet của người cao tuổi đã tăng lên đáng kể từ khi bùng phát dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Ứng dụng di động S-Health được Bộ Y tế nâng cấp cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA và hỗ trợ tài chính của Chính phủ Nhật Bản. Ứng dụng có thiết kế thân thiện với người sử dụng để tìm kiếm thông tin về sức khỏe nói chung và đặc biệt là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Đây là phiên bản ứng dụng mới được thiết kế đặc biệt dành cho chăm sóc sức khỏe từ xa cho người cao tuổi - một trong những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp và ứng phó nhân đạo.

Là ứng dụng di động đầu tiên về chăm sóc sức khỏe từ xa cho người cao tuổi, S-Health cung cấp những thông tin cập nhật thường xuyên về các bệnh thường gặp ở người cao tuổi; kiến thức liên quan tới việc duy trì một chế độ dinh dưỡng tốt và phù hợp với người cao tuổi; kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi. Ứng dụng di động này cũng có tính năng giúp người cao tuổi có thể theo dõi các chỉ số sức khỏe hằng ngày cũng như nâng cấp tính năng hẹn lịch như đặt lịch nhắc nhở uống thuốc, lịch khám sức khỏe.

Để có thể đảm bảo sự tiếp cận của người cao tuổi, S-Health đã được nâng cấp cho phép các thành viên trong gia đình có thể kết nối với nhau trên ứng dụng. Với tính năng này, các thành viên trong gia đình có thể cùng nhau hỗ trợ người cao tuổi trong việc truy cập, sử dụng ứng dụng, chia sẻ thông tin về sức khỏe và quản lý tình trạng sức khỏe của người cao tuổi từ xa. Nút hỗ trợ khẩn cấp SOS trong ứng dụng sẽ tự động gửi định vị GPS của người cao tuổi tới người thân trong gia đình trong các trường hợp khẩn cấp.

Ứng dụng cũng đồng thời kết nối mạng lưới bác sĩ gia đình và viện dưỡng lão để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người cao tuổi trong cuộc sống hằng ngày hay trong các tình huống khẩn cấp để đảm bảo rằng “không ai bị bỏ lại phía sau”. S-Health được thiết kế để phù hợp, thân thiện với độ tuổi về độ tương phản và màu sắc để người cao tuổi có thể dễ dàng sử dụng.

Theo UNFPA, đại dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến người cao tuổi, đồng thời dấy lên mối lo ngại về sức khỏe và phúc lợi của người cao tuổi trong xã hội. Tất cả mọi người thuộc mọi lứa tuổi đều có thể bị lây nhiễm bệnh, tuy nhiên người cao tuổi và những người có bệnh lý nền sẽ có nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng và có tỷ lệ tử vong cao hơn. Đặc biệt, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở người trên 80 tuổi cao gấp 5 lần mức trung bình toàn cầu.

Tại Việt Nam, tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp khiến nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và những người có bệnh lý nền. Nhiều người cao tuổi e ngại đi khám định kỳ dẫn đến bệnh diễn biến xấu đi. Việc ra đời ứng dụng di động S-Health trong bối cảnh hiện nay là giải pháp hết sức quan trọng. Thống kê trên toàn cầu, việc sử dụng Internet của người cao tuổi đã tăng lên đáng kể từ khi bùng phát dịch COVID-19.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: "Khảo sát chúng tôi thực hiện tại Việt Nam cho thấy, 97% người cao tuổi ở khu vực thành thị và 93% ở khu vực nông thôn dùng điện thoại di động, trong đó đa phần là điện thoại thông minh. Điều đó cho thấy người cao tuổi đã thực sự tiếp cận được Internet và đây là thời điểm thích hợp để phát triển ứng dụng này.

Thực tế, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang khá nhanh. Vì vậy, bên cạnh việc chăm lo sức khỏe, chúng tôi còn muốn mở rộng các hoạt động hỗ trợ xã hội cho người cao tuổi. Không nên nghĩ già hóa là một vấn đề mà có thể coi đây là cơ hội nghề nghiệp. Chúng tôi đang kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu với những người cao tuổi vẫn muốn tiếp tục làm việc. Nếu tạo ra được một nền tảng phù hợp thì người cao tuổi hoàn toàn có thể đóng góp cho cộng đồng và sự tăng trưởng kinh tế của đất nước"./.

Tin cùng chuyên mục
18,7% người dùng internet Việt Nam đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trực tuyến

18,7% người dùng internet Việt Nam đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trực tuyến

Dữ liệu mới đây từ Kaspersky (Hãng bảo mật phần mềm của Nga) công bố cho biết, các cuộc tấn công mạng, đặc biệt là các hình thức lừa đảo tinh vi hay tấn công phi kỹ thuật đang diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi, cần hết sức đề cao cảnh giác. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình an ninh mạng tại Việt Nam.