Những ngôi nhà đơn sơ của hơn 1.000 người Xơ Đăng ở bên kia con dốcLàng “nhiều không” giữa non cao
Thôn 3, xã Trà Vinh – nơi sinh sống của hơn 1.000 người dân tộc Xơ Đăng từ nhiều năm nay rơi vào tình trạng bị "bỏ quên" do chồng lấn địa giới hành chính giữa hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các hoạt động đầu tư công, nhất là về hạ tầng thiết yếu, không thể triển khai đồng bộ.
Căn nhà đơn sơ của anh Anh Hồ Văn Cảnh ở thôn 3 được dựng lên từ những tấm ván cũÔng Nguyễn Minh Hải (58 tuổi), một người dân sinh sống lâu năm tại thôn 3, chia sẻ: “Bà con ở đây sống trong cảnh ‘nhiều không’: không điện, không đường, không trường, không trạm, không sóng điện thoại. Cuộc sống vì thế mà khó khăn triền miên, ai cũng mong được Nhà nước quan tâm, sớm giải quyết vấn đề địa giới để được quan tâm đầu tư phát triển.”
Không chỉ thiếu hạ tầng, việc chồng lấn địa giới còn gây ra nhiều hệ lụy khác. Đơn cử, người dân không thể làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ đó, các giao dịch như vay vốn ngân hàng, chuyển nhượng đất đai cho con cháu đều gặp trở ngại. “Có đất mà như không có, muốn làm ăn cũng bó tay”, ông Hải ngậm ngùi.
Những khó khăn hiện hữu trong đời sống thường nhật của người dân. Nhiều căn nhà được dựng lên từ những tấm gỗ cũ. Trẻ em từ lớp 3 trở lên phải đi học ở trung tâm xã, cuối tuần mới được về nhà. Vào mùa mưa bão, có khi hàng tháng trời các em không thể về thăm gia đình. Nơi đây cũng không có trạm y tế, khi người dân đau ốm phải khiêng võng vượt núi ra trung tâm, rủi ro là rất lớn.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh - Người dân thôn 3 chia sẻ về những khó khăn khi sống trong vùng chồng lấn địa giới hành chínhAnh Hồ Văn Cảnh, người dân thôn 3 ngậm ngùi kể: “Cách đây hai tháng, anh H.Q. trong thôn bị bệnh nặng. Không có xe cấp cứu, bà con phải thay nhau khiêng võng đưa đi cấp cứu. Nhưng do đường sá quá khó khăn, anh ấy không qua khỏi. Nếu có đường đi lại thuận lợi để xe chạy được thì có lẽ đã cứu được người.”
Trò chuyện với chị Nguyễn Thị Quỳnh (23 tuổi) được chị cho hay: Người dân ở đây chủ yếu sống dựa vào trồng quế, sắn, khoai, ngô… nhưng sản lượng không cao do làm manh mún, thủ công; đường đi khó khăn nên đầu ra cũng bấp bênh. Nuôi được con heo, con bò cũng chỉ để dành dịp cưới hỏi hay Tết. Trẻ em thiếu dinh dưỡng, điều kiện học tập hạn chế.
Bao giờ người dân bớt khổ?
Theo ghi nhận thực tế, phần lớn nhà cửa trong thôn được dựng bằng gỗ tạm, vách ghép ván hở, một số khác dùng mành tre, mái lợp tôn. Bếp củi đặt giữa nhà để vừa nấu ăn vừa sưởi ấm. Điểm trường mẫu giáo thôn 3 có diện tích hơn 100m², được làm bằng gỗ, mái tôn, không có điện, không có nước sạch. Nguồn nước được dẫn về từ suối qua các ống nhựa nhỏ.
Do chồng lấn địa giới hành chính giữa tỉnh Quảng Nam và Kon Tum khiến cho thôn 3 trở thành làng không điện, đường, trường, trạm...Sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết. Đất canh tác nằm rải rác trên sườn núi, nước tưới dẫn từ các khe suối bằng ống nhựa, hiệu quả canh tác thấp do thiếu kỹ thuật và sâu bệnh.
Chị Đinh Thị Sen (40 tuổi) chia sẻ: “Mỗi lần có đoàn công tác về làng, bà con ai cũng hy vọng sẽ có thay đổi. Nhưng rồi mọi thứ vẫn thế. Cuộc sống bà con còn nhiều khó khăn, chỉ mong được quan tâm để có thể an cư lạc nghiệp, thoát nghèo.”
Ông Trần Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Trà Vinh cho biết, chính quyền địa phương rất mong muốn đầu tư hạ tầng cho bà con thôn 3, nhưng vì vướng mắc địa giới hành chính nên chưa thể triển khai được các dự án.
Người dân mong mỏi sớm được giải quyết để thôn 3 thoát khỏi cảnh... nhiều không“Đây là vùng đặc biệt khó khăn, người dân chủ yếu là hộ nghèo. Nếu không sớm giải quyết vấn đề địa giới, thì đời sống của người dân nơi đây không thể phát triển được. Rất mong các cấp, ngành liên quan có biện pháp tháo gỡ để tạo điều kiện cho người dân an tâm ổn định cuộc sống”, ông Thương kiến nghị.
Chồng lấn địa giới hành chính là câu chuyện không mới, nhưng lại đang âm thầm tạo ra rào cản lớn trong quá trình giảm nghèo, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh cho người dân vùng sâu, vùng xa. Trước thực tế và lợi ích của người dân cần được đặt lên trên hết, các cấp chính quyền cũng đã vào cuộc rốt ráo để sớm có giải pháp hiệu quả, lâu dài, đưa những ngôi làng "nhiều không" thoát khỏi cảnh lặng lẽ bên lề sự phát triển.