Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Rau sạch ra chợ Tết

PV - 13:40, 29/01/2018

Là xã có hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, với hơn 300ha diện tích trồng rau màu truyền thống. Nắm được nhu cầu của người tiêu dùng, ngày càng quan tâm đến an toàn thực phẩm, người dân xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên đã mạnh dạn đầu tư làm nhà lưới, học hỏi kỹ thuật trồng rau an toàn cung cấp cho thị trường. Đặc biệt, Tết này diện tích trồng tăng, giá cũng tăng cao, đồng bào phấn khởi đón Tết.

Hộ nông dân Khmer Trần Sên, ấp Đại Nghĩa Thắng, cho biết: Người tiêu dùng bây giờ chọn lựa thực phẩm đảm bảo cho sức khỏe, nên người nông dân cũng phải biết sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, để phát triển trồng rau an toàn trong nhà lưới cần có sự trợ lực từ cơ quan chức năng về tư vấn kỹ thuật, có đầu mối tiêu thụ sản phẩm.

Từ những suy nghĩ đó, 10 hộ dân tộc Khmer ấp Đại Nghĩa Thắng đã cùng nhau lập Tổ hợp tác Minh Ngọc, đưa mô hình trồng rau sạch vào áp dụng; đồng thời xây dựng Cửa hàng cung ứng rau sạch Minh Ngọc để giải quyết đầu ra, tạo ra hướng phát triển mô hình kinh tế mới cho đồng bào dân tộc trong xã.

Ông Thạch Sên thu hoạch rau sạch. Ông Thạch Sên thu hoạch rau sạch.

 

Chị Đào Ngọc Điệp, Tổ trưởng Tổ hợp tác Minh Ngọc cho biết: Sau khi chuyển đổi trồng rau truyền thống sang mô hình nhà lưới, Tổ hợp tác được cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ cho 1 hộ hơn 20 triệu đồng để làm hệ thống giàn phun tưới trên diện tích 1.000m2. Với diện tích 1.000m2 này, mỗi ngày sẽ cho thu hoạch 15-20kg rau sạch các loại; giá bán bình quân cao hơn rau trồng theo truyền thống từ 10 - 15 ngàn/kg, hiện các hộ tham gia trồng rau nhà lưới trừ chi phí lãi 200.000 đồng/ngày.

“Trồng rau an toàn dễ bán lắm. Mùa Tết này, tôi đã đầu tư thêm 60 triệu đồng xây nhà lưới trên diện tích 2.000m2. Tổng cộng tôi có 5.000m2, hằng ngày thu hoạch trên dưới 50kg rau, cầm chắc 500.000 đồng tiền lãi”

Theo chị Điệp, rau sạch của tổ hợp tác ngoài bán lẻ, còn được các trường học, nhà hàng đặt ký hợp đồng dài hạn, nên kế hoạch sản xuất của các tổ viên không bị đọng, giá cũng ổn định và đang tăng hơn 10% với đơn hàng trong dịp Tết.

Từ mô hình của Tổ hợp tác Minh Ngọc, nhiều hộ đồng bào trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi hình thức canh tác. Đặc biệt, mỗi hộ khi tham gia mô hình trồng rau an toàn và ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho cửa hàng rau của Tổ hợp tác, đều được hỗ trợ 1 triệu đồng cây giống và hướng dẫn kỹ thuật.

Ông Châu Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Tâm nhận xét: Mô hình trồng rau sạch-bán rau an toàn của Tổ hợp tác Minh Ngọc do các hộ đồng bào dân tộc Khmer sáng kiến, đã đạt được những kết quả thiết thực, đảm bảo được đầu ra cho người trồng rau, tạo được nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Mô hình này, đang được nhân rộng trong xã. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho cấp trên có hướng hỗ trợ cho đồng bào nhiều hơn về vốn, kỹ thuật và mở rộng thị trường giúp đồng bào thu nhập ổn định cùng nhau làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Ý VY

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường kiểm soát và minh bạch hóa thông tin tài chính từ nguồn ERPA

Tăng cường kiểm soát và minh bạch hóa thông tin tài chính từ nguồn ERPA

Trong tuần qua, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã triển khai 3 lớp tập huấn phần mềm quản lý tài chính nguồn thu từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) cho đại diện Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng và các chủ rừng của 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đang triển khai thí điểm ERPA. Đây là phần mềm nhằm tăng cường kiểm soát và minh bạch hóa thông tin tài chính từ nguồn ERPA.