Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Rừng tự nhiên giáp ranh Phước Sơn - Hiệp Đức bị tàn phá

PV - 10:44, 06/08/2021

Những khoảnh rừng tự nhiên còn sót lại ở địa bàn xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) giáp ranh với lâm phận huyện Hiệp Đức bị đốt nham nhở, nhiều cây to sót lại bị chặt hạ. Người dân địa phương phản ánh tình trạng này đã diễn ra dai dẳng nhiều năm nay, trong khi lực lượng chức năng chưa phát hiện, xử lý được trường hợp vi phạm cụ thể nào.

Nhiều cây gỗ bị chặt hạ sau khi đốt ở khu vực gần km số 3 đường cao su thuộc địa bàn xã Phước Hiệp
Nhiều cây gỗ bị chặt hạ sau khi đốt ở khu vực gần km số 3 đường cao su thuộc địa bàn xã Phước Hiệp

Đốt rừng lấy gỗ

Từ nguồn tin của người dân thông qua đường dây nóng, phóng viên tiếp cận khu vực đồi Bò Ông Vang (km số 3 đường cao su, thuộc địa phận thôn 5, xã Phước Hiệp) và chứng kiến một khoảnh đồi lớn bị đốt, dọn sạch, nhiều đoạn gỗ được kéo xuống tập kết dưới chân đồi.

Trên khu vực đồi này, nhiều gốc gỗ lớn bị cưa hạ, dấu cưa còn mới và đã được lực lượng Kiểm lâm đánh số, đường kính 40 - 70cm. Cách đó không xa, một vạt đồi khác đã bị đốt nhưng chưa phát dọn, nhiều cây gỗ cháy chỉ còn trơ thân, cành. Theo người dân địa phương, vạt rừng này vừa bị đốt vào cuối tháng 7 vừa qua.

Đi sâu vào khu vực rừng gần km số 4, số 5 (người dân địa phương gọi là khu vực lán 2, lán 3), người dẫn đường đưa phóng viên tiếp cận một số khoảnh rừng khác bị đốt, cây được hạ xuống, chưa có đánh số kiểm lâm. Ngoài ra, tại một vạt keo sát vệ đường, có một gốc cây khá lớn, đường kính gần 1m đã bị hạ, lấy mất phần thân, chỉ còn phần gốc. Trên thân cây có ký hiệu PH/01, ghi thời điểm tháng 2/2021.

Người dân địa phương cho hay, tình trạng lén lút đốt rừng, lấy gỗ ở khu vực này diễn ra dai dẳng từ gần 3 năm nay. Các đối tượng thông đồng với một số người dân để đốt rừng, sau đó nhóm người từ phía Hiệp Đức đi theo đường rừng, tiếp cận khu vực này vào khoảng 5, 6 giờ chiều, mang theo máy cưa để cắt hạ các thân cây lớn.

Đến tối, nhóm này dùng xe tải chở theo một xe múc vào cẩu, bốc các đoạn gỗ đã được chặt hạ lên xe rồi di chuyển theo đường vòng, theo rừng cao su về khu vực Khe Dứa để về Hiệp Đức ngay trong đêm. Mỗi tuần, thường các đối tượng chỉ xuất hiện 1, 2 đêm, lén lút lấy gỗ. Lực lượng Kiểm lâm cũng tuần tra thường xuyên nhưng chưa thấy xử lý triệt để. Việc các đối tượng vẫn lén lút hoạt động chứng tỏ sự vào cuộc của cơ quan chức năng chưa đủ sức răn đe.

Trước đó, vào ngày 13/7, đoàn kiểm tra của UBND xã Phước Hiệp vào kiểm tra tại khoảnh 6 (Tiểu khu 646, khu vực ngã ba Đông Dương) phát hiện có 9 cây gỗ chủng loại chuồn, chò xanh, sơn huyết bị chặt hạ, cắt khúc, cưa xẻ, một số đã vận chuyển ra khỏi khu vực. Hiện trường để lại hơn 7,3m3 gỗ tròn, gần đó còn có một lán trại phục vụ việc khai thác lâm sản trái phép, một súng tự chế trong lán trại, không phát hiện đối tượng.

Tiếp tục kiểm tra lại khu vực trên vào ngày 17 đến ngày 19/7, UBND xã phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 2 và Công an huyện, phát hiện 6 người trú tại xã Quế Lâm (Nông Sơn) đang lập lán trại trong rừng nên tiến hành phá hủy lán trại, yêu cầu rời khỏi địa bàn.

Đại diện chính quyền địa phương cho hay, địa điểm xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép nằm vùng giáp ranh, xa khu dân cư nên công tác nắm tình hình, xử lý gặp nhiều khó khăn; đối tượng là người ngoài địa phương, có thể manh động, liều lĩnh gây khó cho lực lượng thi hành nhiệm vụ.

Dấu cắt còn khá mới, gốc cây có đường kính khoảng 60cm
Dấu cắt còn khá mới, gốc cây có đường kính khoảng 60cm

"Điểm nóng" phá rừng

Trao đổi với phóng viên, ông Ung Duy Ba - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Phước Sơn nói, những địa điểm xảy ra tình trạng chặt hạ cây rừng đã được kiểm lâm địa bàn kiểm tra, đo đếm và đang trong quá trình điều tra nên không thể cung cấp số liệu liên quan.

Ông Ba thừa nhận tình trạng đốt rừng, chặt cây ở khu vực lâm phận giáp ranh giữa xã Phước Hiệp với huyện Hiệp Đức có xảy ra, rất phức tạp. Nhiều lần lực lượng kiểm lâm triển khai phục kích, song đối tượng khá tinh vi, thậm chí cử lực lượng “canh giữ” kiểm lâm, chưa bắt được đối tượng phá rừng ở khu vực này.

“Kiểm lâm gặp khó vì lực lượng mỏng, các đối tượng lợi dụng địa hình phức tạp, đường rừng từ Hiệp Đức lên khá gần so với đường vào khu vực này từ phía Phước Hiệp”, ông Ba cho hay.

Ông Alăng Ngọc - Giám đốc Ban Quản lý rừng Phước Sơn cho hay, cháy rừng xảy ra tại khu vực đồi Bò Ông Vang vào cuối tháng 7 vừa qua. Khi xảy ra cháy rừng, lực lượng của ban đã tham gia chữa cháy và đang chờ báo cáo diện tích, tọa độ vụ cháy.

“Qua nắm sơ bộ, khu vực xảy ra cháy do UBND xã quản lý, không thuộc lâm phận của ban quản lý. Ban đã chỉ đạo Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1 phối hợp UBND xã xác minh, đo đếm diện tích, trạng thái rừng, điều tra xác minh nguyên nhân cháy. Giáp ranh giữa Hiệp Đức và Phước Sơn có tình trạng người dân Hiệp Đức lên, lén lút hạ gỗ.

Đây cũng là điểm nóng của huyện. Riêng cây gỗ lớn đường kính gần 1m nằm giáp ranh giữa khu vực rừng 30a trước đây và rẫy keo của dân là cây gỗ chò, chỉ còn lại 2 bi gỗ, một bi dài 8m, bi còn lại dài 2m, cũng do UBND xã quản lý”, ông Ngọc nói.

Trao đổi về vụ việc, ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay, Hạt Kiểm lâm phối hợp với Công an huyện đang tổ chức điều tra và chưa có báo cáo chính thức. Riêng vụ phá rừng do UBND xã Phước Hiệp phát hiện vào ngày 13/7, đến ngày 27/7, huyện mới nhận được báo cáo của xã.

Ngày 2/8, UBND huyện có văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện chủ trì, phối hợp với Công an, UBND xã Phước Hiệp tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ đối tượng thực hiện hành vi khai thác rừng, phá rừng trái phép tại khoảnh 6, Tiểu khu 646 thuộc địa bàn xã Phước Hiệp và hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý theo quy định, báo cáo kết quả về UBND huyện.

“Tinh thần của huyện là sẽ làm rõ vụ việc, rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân trong việc để xảy ra phá rừng. Huyện cũng giao kiểm lâm và các cơ quan phối hợp với địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn, lâm phận quản lý.

Hiện nay, lâm phận có rừng tự nhiên giáp ranh với các huyện Hiệp Đức, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My và cả phía tỉnh Kon Tum, tỉnh đã giao cho các địa phương cùng bàn, thống nhất phương án phối hợp bảo vệ rừng khu vực giáp ranh, song do dịch bệnh phức tạp nên vẫn chưa thể triển khai.

"Sắp tới cần có sự bàn bạc, phối hợp tốt hơn giữa các địa phương, bài bản, quy củ hơn. Huyện cũng sẽ kiến nghị tỉnh có giải pháp căn cơ, bổ sung các điều kiện hỗ trợ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, tăng cường tuyên truyền trong nhân dân...”, ông Trung nói./.

Tin cùng chuyên mục