Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Rượu tà vạc của người Cơ-tu

PV - 11:17, 01/08/2018

Đồ ăn, thức uống của người Cơ-tu thường ngày là những thứ được chế biến từ sản phẩm của núi rừng và do đồng bào tự làm ra. Bên cạnh rượu cần (buah), đồng bào còn có các loại rượu được thiên nhiên ban tặng như rượu tà vạc, rượu tr’đin. Đây là thức uống thơm ngon, bổ dưỡng, hấp dẫn của người dân trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong dịp lễ hội.

Men say tà vạc Lấy nước tà vạc về làm rượu.

Cây tà vạc mọc hoang trên các rìa núi, khe suối. Chẳng biết từ bao giờ, người Cơ-tu biết lấy loại nước tinh cất từ cây tà vạc để làm nên một thứ nước uống ngon lành, bổ dưỡng. Mỗi gia đình thường chọn vài cây trên rừng, trên rẫy làm sở hữu riêng, để đến ngày trổ buồng, cây của ai thì người nấy thu hoạch, tuyệt đối không tranh giành của nhau. Khi cây được 10 năm tuổi là có thể lấy nước làm rượu.

Mỗi năm cây tà vạc thường ra 4-5 buồng. Mỗi buồng có nhiều chùm trái nhỏ bằng quả cau non, có khi trĩu xuống tận gốc. Thời điểm trổ buồng diễn ra vào tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm. Cây nào không ra lá nữa thì nó mới trổ buồng già. Từ bẹ ra đến cuối buồng dài 1 đến 2m, cọng buồng to và tròn như buồng chuối. Người ta chọn buồng nào to nhất, tốt nhất để lấy nước. Muốn lấy nước tà vạc, đồng bào chặt bỏ phần buồng có quả, chỉ để lại cái thân cuống. Người ta dùng cây gỗ cầm tay đập xung quanh cọng buồng. Sau 5 hoặc 6 lần làm như vậy là nước chảy ra từ mặt cắt của buồng. Khi nước hết chảy hoặc ra ít, phải cắt một lát mỏng ở mặt cắt cũ để thông mạch chảy, nếu không, mặt cắt sẽ tự lành, không cho lượng nước như mong muốn.

Từ thân cây tiết ra một thứ nước đục, có màu trắng như như rượu nếp, thơm dịu dàng và rất ngọt. Nếu để kết tinh đậm đặc lại thì sẽ có một sản phẩm giống y như đường thốt nốt. Nhưng đồng bào Cơ-tu không bao giờ chưng cất chúng thành đường mà chỉ thích lấy nước nguyên chất ấy làm ra một thứ rượu nhẹ chính hiệu của bản làng. Nước tà vạc được lấy hàng ngày và được hứng bằng ống tre, can nhựa hay bằng một cái hũ có quai treo trên cây. Muốn chế biến thành rượu, công đoạn tiếp theo là cho vào trong nước tà vạc vỏ khô của cây chuồn mọc trong rừng.

Men say tà vạc Đồng bào Cơ-tu cùng thưởng thức rượu tà vạc.

Rượu tà vạc được uống ở nhà, ở rẫy, ở nhà làng (gươl), uống khi rảnh rỗi và uống trong các đám cưới, lễ hội… Trong bữa cơm tối, khi xong việc nương rẫy, đồng bào thường uống rượu tà vạc để thưởng thức, lấy lại sức sau ngày lao động mệt nhọc.

Vào dịp lễ hội, mỗi nhà đều góp vài ché rượu cần, vài ống rượu thiên nhiên vừa khai thác được. Người ta rót rượu ra ống nứa mời nhau uống. Thức uống thiên nhiên này là một phần cuộc sống của đồng bào. Tà vạc là chất gây men nối kết tình cảm cộng đồng. Nó là thứ rượu không thể bảo quản lâu và di chuyển đi xa mà chế biến ra được dùng tại chỗ là chính. Có được bao nhiêu rượu là đem mời nhau uống cho kỳ hết. Nhà này có thì mời nhà kia đến uống, đến lượt mình đi lấy thì mời lại người ta. Rượu tà vạc nào ngon thì cả làng đều biết và cùng thưởng thức. Mời đãi nhau uống rượu tà vạc trở thành một tục lệ đẹp, thể hiện rõ nét nhất tinh thần chia ngọt sẻ bùi, gắn kết cộng đồng của đồng bào Cơ-tu. Mỗi lần được mời uống tà vạc cũng là lúc bà con xóm giềng gặp gỡ, thăm hỏi, chuyện trò để biết thêm tình cảnh gia đình, những khó khăn của mỗi nhà mà tìm cách giúp đỡ nhau.

Men tà vạc thơm thảo, nồng nàn chẳng những cung cấp cho đồng bào những tinh chất của thiên nhiên, đất trời để cơ thể có thêm sức vóc, dồi dào nguồn sống mà còn rót vào lòng người những tình cảm cao quý, thấm đẫm chất nhân văn. Hương tà vạc cũng làm nên chất men say tâm hồn, tạo cảm hứng cho sáng tác các nghệ sĩ dân gian như ca dao, hoa văn trang trí trên thổ cẩm, phù điêu, tranh vẽ, tượng trang trí cho công trình kiến trúc nhà làng truyền thống (gươl).

BÀI VÀ ẢNH : TÂN VỊNH

Tin cùng chuyên mục
Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Lễ Cấp sắc là nghi lễ thể hiện nhân sinh quan, tín ngưỡng, văn hóa của người Dao. Trong đó, “đặt tên âm và lên đèn” là một trong những nghi thức rất quan trọng, khi đó người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.