Dân tộc Tà Ôi còn có tên gọi là Ta uôih hay Ta uốt, cộng đồng dân tộc Tà Ôi ở Việt Nam gồm có 3 nhóm: Nhóm Tà Ôi chính dòng, nhóm Pa Kô và nhóm Pa Hi. Theo điều tra dân số Việt Nam năm 2019, dân tộc Tà Ôi có 52.356 người, sinh sống chủ yếu ở huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), huyện A Lưới và Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế), một số đồng bào sinh sống tại tỉnh Quảng Bình.
Nguồn sống chủ yếu của đồng bào Tà Ôi từ làm nương rẫy (canh tác theo lối cổ truyền: Phát - cốt - đốt - trỉa), riêng người Pa hi vì sống ở các ngã ba sông vùng chân núi nên có làm ruộng, có thu nhập hoa lợi trên vườn. Ngoài ra, đồng bào Tà Ôi có truyền thống chăn nuôi gia súc trâu, bò, lợn, dê….
Hiện nay, ở mỗi làng dân tộc Tà Ôi gồm người của nhiều dòng họ khác nhau, mỗi dòng họ sống trong một hay nhiều ngôi nhà, mỗi nhà có một người đứng đầu (đầu nóc). Những người đứng đầu nhà dài đó họp thành bộ máy tự quản cổ truyền quản lý công việc chung của cả làng. Làng là đơn vị tổ chức xã hội cơ bản và tự quản trong xã hội cổ truyền.
Nhà ở của người Tà Ôi là loại nhà sàn tổng hợp, riêng người Pa hi ở nhà đất có nhà chứa lương thực riêng, cả nhà sàn và nhà đất đều có mái tròn ở hai đầu hồi nhà và đều có “khau cút” (làm bằng gỗ có hai hình đầu chim cu chéo nhau, tượng trưng cho tình yêu quê hương và tâm tính hiền hoà của dân tộc.
Dân tộc Tà Ôi trước kia sống tách biệt, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nhất là nhóm người Pa Kô. Cuộc sống du canh, du cư dựa vào săn bắt và hái lượm, sống một mình giữa rừng sâu, có đời sống văn hóa lạc hậu, hủ tục hà khắc, chất lượng cuộc sống thấp… Sau này, nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, người Pa Kô, đã ra khỏi rừng sâu lập làng, lập bản, hòa nhập cộng đồng về mọi mặt, nhất là trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Tháng 7, năm 1957, khi Bác Hồ vào thăm tuyến lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh, người Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã cử ông Hồ Ray lúc đó đang phụ trách công tác dân tộc ở Quảng Trị cùng ông Hồ Khăm, Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã Vĩnh Hà (huyện Vĩnh Linh) đến gặp Bác Hồ để xin cho người Vân Kiều, Pa Kô được mang họ của Bác Hồ. Việc làm tự nguyện mang họ Hồ là một nét đẹp trong truyền thống cách mạng của dân tộc Tà Ôi, có ý nghĩa giáo dục các thế hệ Tà Ôi về sự chung thủy, sắt son với cách mạng, với Bác Hồ kính yêu.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhiều thanh niên Pa Kô, Vân Kiều mang họ Bác Hồ đã tham gia mặt trận Đường 9 và để lại tên tuổi trong lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước như: Ông Hồ Ray, Hồ Tơ, Hồ Hăng, Hồ Thiên, Hồ Cam, Hồ Hương...
Trong thời kỳ đổi mới đất nước, dân tộc Tà Ôi thuận lợi giao lưu với nhiều dân tộc anh em khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong đó có nhiều hoạt động văn hoá đã diễn ra tại Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội), nổi bật trong các hoạt động này là Lễ đặt tên.
Dân tộc Tà Ôi còn hoà quyện vào nền văn hoá Việt Nam với những di sản văn hoá đặc sắc của mình, một trong số đó là tục đi sim của người Pa Kô - một tập tục mang dấu ấn tuyệt đẹp về tình yêu của người Pa Kô nơi miền sơn cước. Theo già làng dân tộc Pa Cô, Pộôc xu (đi sim) có mục đích để các đôi tìm hiểu nhau, các chàng trai cô gái Pa Cô đến tuổi trăng tròn sau một ngày lên nương làm rẫy, đêm đêm vào mùa trăng sáng đẹp trời, họ lại nô nức rủ nhau đi sim. Đây là dịp để các đôi nam nữ đến tuổi dựng vợ gả chồng tìm hiểu nhau, trao nhau những làn điệu, câu hát, những bản nhạc đắm say lòng người.
Nét đặc sắc trong tục đi sim của người Pa Kô đó là, những đôi trai gái dù cùng ăn, ở, sống bên nhau, cùng đắp tấm zèng ấm áp qua đêm trong nhà Xu – căn chòi cách biệt bên ngoài, trong khung cảnh lãng mạn một thời gian dài nhưng họ vẫn giữ gìn tình yêu trong sáng, không sa vào chuyện “chăn gối”. Bởi người Pa Kô quan niệm đó là điều thiêng liêng, khi yêu nhau phạm chuyện đó thật xấu hổ, Giàng sẽ trừng phạt bằng cách gây ra đau ốm, chết chóc cho gia đình, làng bản. Già làng biết chuyện thì cha mẹ, gia đình, họ tộc sẽ bị phạt nặng. Vì thế các chàng trai cô gái đã đến tuổi trăng tròn, được cha mẹ cho phép đi tìm bạn tình nhưng tuyệt đối không phạm tục đi sim.