Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Sắc màu dân tộc trong Hội Báo toàn quốc 2019

PV - 08:47, 19/03/2019

Hội Báo toàn quốc 2019 vừa kết thúc đã để lại trong lòng độc giả nhiều ấn tượng tốt đẹp. Bên cạnh các đề tài mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước, mảng đề tài dân tộc và miền núi được nhiều tờ báo tập trung phản ánh.

Những hình ảnh ấn tượng

Đi một vòng quanh các gian triển lãm của Hội Báo toàn quốc 2019, độc giả dễ dàng nhận ra hình ảnh của đồng bào các DTTS trên các tờ báo Xuân. Báo Nhân dân số Tết 2019, gồm 50 trang nội dung, trong đó gần 10 tác phẩm viết về đồng bào DTTS. Nổi bật như bài “Lóng Luông chuyển mình sau bão dữ”, của tác giả Song Hà, “Mùa vàng trên đất mặn” của tác giả Trần Trung Phong; “Tây Nguyên, mùa đi xuôi chơi chợ” của tác giả Mai Văn Bảo… Báo Quân đội Nhân dân, có tới gần 20% lượng bài Tết viết về đồng bào DTTS, trong đó phải kể đến các bài báo: “Ấn tượng ở Mù Cả” của Nguyễn Trọng Vân; “Hồn đá hồn người” của Y Phương; “Tháng 5 ấy vào A Vao” của Anh Đức…

Đông đảo công chúng đến thăm quan Hội Báo toàn quốc 2019. Đông đảo công chúng đến thăm quan Hội Báo toàn quốc 2019.

Nhận xét về hình ảnh của đồng bào DTTS trên các số báo Xuân 2019, nhà báo Quách Văn Dương, Báo Khoa học và Đời sống cho biết, “Bản thân tôi là người dân tộc Mường nên tôi rất quan tâm tới mảng đề tài DTTS. Năm nay, đi một vòng quanh các gian trưng bày báo Xuân, tôi vui mừng vì đồng nghiệp của chúng tôi viết rất nhiều về mảng đề tài dân tộc, miền núi. Tôi thấy hình ảnh của đồng bào DTTS ở nhiều khía cạnh như văn hóa, kinh tế, xã hội được phản ảnh đầy đủ đậm nét, chính xác. Chính những tác phẩm này đã giúp cho số báo Xuân của các tờ báo trở nên sinh động hơn, hấp dẫn hơn”.

Hòa chung với không khí của làng báo toàn quốc, năm nay, Báo Dân tộc và Phát triển mang đến 2 ấn phẩm báo Xuân Kỷ Hợi 2019 đến Hội báo. Một điều vui mừng cho những người làm báo như chúng tôi, là có rất nhiều độc giả khi thăm quan các gian trưng bày rất quan tâm tới tờ báo; trong đó không ít độc giả là bạn đọc, là các nhà báo muốn có một tờ Báo Dân tộc và Phát triển để tìm hiểu sâu hơn về mảng đề tài đặc sắc này.

Cầm tờ Báo Dân tộc và Phát triển trên tay, độc giả Lường Đình Chung chia sẻ, là một độc giả của Báo Dân tộc và Phát triển nhiều năm nay, ông thấy rất vui mừng vì tờ báo ngày càng hấp dẫn hơn. Nội dung các bài viết trên các số báo rất phong phú, phản ánh đậm nét về cuộc sống của đồng bào các DTTS và miền núi. Đặc biệt, ông rất ấn tượng với các bài viết về mảng văn hóa dân tộc. Ông bảo, ông cảm thấy nhịp sống của đồng bào các dân tộc như được hòa quện trên trang báo khiến ông cảm thấy thật tự hào về sự đổi mới của quê hương, đất nước hôm nay.

Đằng sau những trang báo

Thông qua các trang báo Tết có thể khẳng định, dân tộc miền núi thực sự là một đề tài cuốn hút, hấp dẫn các tòa soạn báo, các phóng viên. Với những nét văn hóa, sinh hoạt độc đáo của đồng bào vùng DTTS và miền núi đã trở thành động lực tiếp lửa cho những người cầm bút.

Nhà báo Bùi Phương Hạ, Phó Tổng Biên tập Báo Dân tộc và Phát triển chia sẻ, với đặc thù là diễn đàn của đồng bào các dân tộc Việt Nam, Báo Dân tộc và Phát triển có rất nhiều lợi thế trong các đề tài sắc màu dân tộc. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn, bởi nếu không tìm ra được sự khác biệt là làm báo cho vùng đồng bào các dân tộc và miền núi, Báo cũng sẽ đi vào lối mòn, chung chung không tạo dấu ấn trong lòng độc giả. Chính vì lẽ đó, Báo đã lựa chọn thế mạnh của mình đó chính là khai thác chuyên sâu những mảng đề tài về chính sách dân tộc; bản sắc văn hóa dân tộc; những nét đẹp, gần gũi phóng khoáng trong cuộc sống của người vùng cao.

Độc giả thăm quan đọc Báo Dân tộc và Phát triển Xuân Kỷ Hợi 2019. Độc giả thăm quan đọc Báo Dân tộc và Phát triển Xuân Kỷ Hợi 2019.

Nhà báo Phạm Chính, Báo Bảo hiểm xã hội bộc bạch: “là một tờ báo thiên về lao động nên trước đây, tôi chủ yếu đi đến các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để viết bài. Thế nhưng, những lần đi miền núi đã để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc. Ở đây, tôi gặp những con người hồn hậu, chất phát và những hành động của họ đã trở thành đề tài “đặc sản”. Trong số báo Tết 2019, tôi đóng góp bài viết “những bông hoa bảo hiểm xã hội nơi biên cương”. Bài viết được ban biên tập đánh giá cao và bạn đọc phản hồi rất tích cực”.

Không chỉ là những đề tài độc đáo, đối với phóng viên, nhà báo mỗi lần đi miền núi còn để lại những kỷ niệm không bao giờ phai. Nhà báo Xuân Thắng, Báo Gia đình và Xã hội chia sẻ, có một lần anh đi lấy tư liệu viết bài báo Tết ở huyện miền núi Tân Lạc, Hòa Bình. Để vào được đây, anh phải đi qua một cung đường đèo dốc vô cùng nguy hiểm. Khi vào đến nơi, xe anh đã cạn kiệt xăng không thể đi được nữa. Thế nhưng, khi biết anh là nhà báo về viết bài, người dân đã kéo anh về nhà, mời cơm rồi gọi cả bản đến trò chuyện. Sáng hôm sau, khi quay về, người dân còn rút xăng ở xe mình đổ vào xe máy cho anh. Nhà báo Xuân Thắng chia sẻ, những hành động đó của đồng bào các DTTS thực sự khiến anh cảm thấy thật ấm áp và trở thành một nguồn cổ vũ động viên lớn lao trên hành trình làm báo.

Có thể nói, hình ảnh đồng bào các DTTS không chỉ xuất hiện đặc sắc ở Hội Báo toàn quốc 2019, mà sẽ tiếp tục là một chất liệu độc đáo, hấp dẫn cho các nhà báo, phóng viên ở các tòa soạn tiếp tục khai phá.

PVBĐ

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.