Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Xuân sớm ở bản người Cống

Vũ Lợi - 12:11, 14/12/2020

Dịp cuối năm, chúng tôi ngược ngàn lên với mảnh đất Pa Tần xa xôi của huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên để chung vui tết cổ truyền Hoa mào gà (Mền loóng phạt ái) với đồng bào dân tộc Cống. Tết này, với bà con nơi đây thật đủ đầy, ý nghĩa hơn khi mùa màng bội thu, hạ tầng cơ sở được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, mở ra nhiều cơ hội để người Cống xây dựng cuộc sống ấm no hơn.

Tục hái hoa mào gà ngày tết của người Cống
Tục hái hoa mào gà ngày tết của người Cống

Họp bản đón tết

Tối hôm chúng tôi đến bản Lả Chà, xã Pa Tần, ngôi nhà của Trưởng bản Lò Văn Hán sáng đèn từ rất sớm. Từng nhóm người già trẻ, gái trai tay cầm những chiếc đèn pin, lần lượt cùng nhau đến nhà trưởng bản trong tâm trạng phấn khởi. Chẳng mấy chốc gian khách của ngôi nhà sàn đã chật kín người. Đúng 8 giờ tối, Trưởng bản Lò Văn Hán đứng lên thông báo: Hôm nay tổ chức họp mọi người để chuẩn bị ăn tết. Trước khi phân công các thành viên trong bản đảm nhận các phần việc quan trọng đón tết, Trưởng bản Lò Văn Hán ôn lại truyền Tết Hoa mào gà (Mền loóng phạt ái) của dân tộc. Đây là tết truyền thống đã có từ xa xưa, do cha ông truyền lại, đó là nét văn hóa mang đậm bản sắc dân dộc và mong muốn con cháu thế hệ sau luôn biết gìn giữ và phát huy.

Tết hoa mào gà được tổ chức để cầu khấn tổ tiên, các bậc thần linh phù hộ cho con cháu trong gia đình, người dân trong bản được mạnh khỏe; năm mới nhà nhà làm được nhiều ruộng nương hơn, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển hơn. Gia đình, bản làng đều được ấm no, hạnh phúc, cái xấu trong bản thì bớt đi, ai cũng làm được những điều tốt đẹp, gia đình, bản làng gần gùi, đoàn kết hơn nữa.

Người Cống mổ lợn ăn tết Hoa mào gà
Người Cống mổ lợn ăn tết Hoa mào gà

Năm qua, mùa màng thuận lợi, ngô lúa bội thu nên tết này, người dân Lả Chà thống nhất mổ 2 con lợn, 5 con gà, cùng nhiều thực phẩm “cây nhà lá vườn” để làm lễ cho ngày tết. Trong ngày đầu tiên của năm mới, thầy cúng đảm nhận trọng trách với nhiều nghi lễ tâm linh quan trọng. Sau lễ thức cúng bản, lễ chủ của mỗi gia đình sẽ đi hái hoa mào gà trên nương, ngoài suối, bìa rừng đem về trang trí trên một cây tre cao làm lễ và trang trí lên cửa, cầu thang của các gia đình trong bản.

Trong tâm thức của người Cống, hoa mào gà là biểu tượng cho sự may mắn, tốt đẹp, tạo không khí gần gũi, ấm áp cho khắp bản. Cây tre cắm đầy hoa mào gà nơi thầy cúng diễn xướng, thực hiện nghi thức, đó sẽ là cây cầu nối hai cõi âm - dương, là con đường đưa tổ tiên đi từ cõi thiêng về với gia đình, bản làng.

Đến tối, mới bắt đầu phần hội, trong không khí tưng bừng, rộn rã âm thanh của tiếng trống, tiếng chiêng, cả bản cùng hân hoan nhảy múa, ca hát, ném các hạt giống thóc, ngô ra xung quanh, thể hiện ước muốn trong năm mới vạn vật sẽ sinh sôi, nảy nở. Đêm về khuya, tiếng hát, lời ca và âm thanh các loại nhạc cụ càng vang vọng, làm bừng sáng cả một không gian núi rừng.

Sáng hôm sau, các gia đình tổ chức đến nhà nhau thăm hỏi, chúc tụng những điều may mắn; cùng tựu tại bãi đất trống chơi các trò chơi dân gian: bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, chơi chọi cù… trong niềm hân hoan trọn vẹn của ngày tết.

Đồng bào Cống hái hoa mào gà đón tết
Đồng bào Cống hái hoa mào gà đón tết

Xuân mới, niềm vui mới

Cùng đi với chúng tôi vào bản Lả Chà vui tết với bà con, Chủ tịch UBND xã Vàng Thị Vân kể: Trước đây, cán bộ chúng tôi vẫn gọi vui con đường từ trung tâm xã Pa Tần vào bản Lả Chà là “đường đau khổ”, bởi nắng bụi mưa lầy, dốc cao, trơn trượt… Cách di chuyển khả thi nhất là cuốc bộ. Nhưng bây giờ đường lớn đã mở, cầu kiên cố cũng đã khánh thành đưa vào sử dụng, bà con không phải thấp thỏm lúc nửa đêm, rạng sáng khi có người bệnh đi cấp cứu hay nông sản làm ra không bán được…

Trong sương sớm, bản Lả Chà hiện lên bình yên, nằm nép mình bên dòng Nậm Chà êm đềm. Đứng trên đỉnh một con dốc có thể bao quát được cả thảy 79 nóc nhà, trong đó phần lớn đã được kiên cố, phủ mái tôn màu xanh, đỏ. Trong gian bếp rực lửa ngày tết, mặc cho ngoài trời sương giăng se sắt nhưng câu chuyện ngày cuối năm trong các gia đình luôn rôm rả. Mọi người không ngớt nhắc chuyện năm qua, cả bản đoàn kết, kéo nhau đi đắp đập, ngăn dòng dẫn nước về khai hoang đất canh tác, tưới mát cho những thửa ruộng bậc thang. Ngày nhận tin tuyến đường liên bản khởi công, lòng ai cũng phấn khởi. Không ai bảo ai, mọi người tự giác cắt cử nhau góp công sức cùng Nhà nước làm đường, hiến cả trăm mét vuông đất ông cha để lại, ủng hộ cho tuyến đường nội bản đi qua thẳng đẹp.

Đường vào bản Lả Chà được bê tông hóa khang khang
Đường vào bản Lả Chà được bê tông hóa khang khang

Trưởng bản Lò Văn Hán tâm đắc, khoe: Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí khai hoang ruộng canh tác, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, kiên cố hóa hệ thống kênh mương dẫn nước về tưới ruộng mà năm nay bản Lả Chà đã khai hoang được gần 2ha ruộng nước. Lúa gieo cấy trên những tấc đất mới này đều sinh trưởng phát triển tốt, cho mùa bội thu. Dẫu hiện nay diện tích cấy lúa nước của bản chưa nhiều nhưng bà con đã nhanh nhạy chuyển sang phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, nuôi vừa để cải thiện bữa ăn, tăng thu nhập, vừa lấy sức kéo làm nông nghiệp.

Là một trong những người Cống sống lâu nhất trong bản Lả Chà, nên ông Lũng Văn Bát (83 tuổi) nhận thấy rõ những thay đổi của bản. Ông tâm sự: “Phải nói bây giờ Nhà nước quan tâm nhiều lắm! Có điện để sinh hoạt, đường giao thông để đi, điện thoại để liên lạc... Ốm đau giờ không cúng bái, mà có trạm y tế để đến khám chữa bệnh. Bà con cũng học cách làm ruộng nước, cấy lúa năng suất cao chứ không gieo vãi chờ “lộc giời” ban như trước nữa... Nhà nào cũng chăm lo cho con cái đi học, đặc biệt là thế hệ tương lai, các cháu cần phải đến trường để có được nhận thức, tri thức sau này còn làm chủ cuộc sống, xây dựng đất nước.”

Một góc bản Lả Chà hôm nay.
Một góc bản Lả Chà hôm nay.

So với nhiều thập kỷ trước, diện mạo Chả Lả hôm nay đã đổi thay, cùng với đó là cái được trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Bà con trong bản luôn biết đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau lúc khó khăn hoạn nạn. Bất kể việc chung hay riêng, lớn hay nhỏ trong bản, mọi người đều họp nhau lại, thường xuyên thăm hỏi động viên nhau, tình làng nghĩa xóm trở nên gắn bó. Các gia đình rất chú trọng bảo ban con cháu tránh xa tệ nạn xã hội, tích cực lao động, học tập để có cuộc sống tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.