Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Sắc Xuân chợ nổi

PV - 10:28, 14/01/2019

Các cụ bảo Ngày Xuân cứ ra chợ nổi sẽ thấy hết cái phóng khoáng, cái thanh lịch của người dân vùng sông nước Cửu Long. Vào những ngày giáp Tết, quang cảnh chợ nổi nhộn nhịp và náo nhiệt lạ thường, trên bờ người chen lấn qua lại, dưới sông ghe tàu chen chúc ra vào để trao đổi hàng hoá. Có về miền Tây khám phá những khu chợ nổi vào những ngày này mới cảm nhận được hết vẻ đẹp của miền sông nước.

chợ nổi Chợ nổi Cái Bè ngày Tết tấp nập ghe thuyền trên sông. Ảnh: TL

Các chợ nổi ĐBSCL có từ bao giờ chẳng ai nhớ. Nhưng bao đời nay đã hình thành một nền kinh tế văn hoá sông nước mang tính cộng đồng. Phải chăng chính vì thế mà tạo nên tính cách phóng khoáng, cởi mở của người dân sông nước miền Tây.

Ở miền sông nước Cửu Long có nhiều chợ tiêu biểu như: Chợ nổi Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), Cái Răng, Phong Điền (TP. Cần Thơ), Ngã Bảy (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng), Măng Thít, Trà Ôn (Vĩnh Long)… Chợ nổi khác với chợ trung tâm đô thị, chợ xã-chợ nông thôn, chợ chồm hổm, chợ chạy và càng khác xa với chợ tình, chợ phiên… ở miền Bắc.

Chợ họp trên sông, giữa một vùng sông nước bao la là hàng trăm ghe, thuyền, xuồng của cư dân. Chợ họp đông nhất là vào buổi sáng khi trời còn mát, sương giăng bảng lảng mặt sông và nắng hãy còn dìu dịu. Đi chợ nổi phải đi thật sớm. Bởi khi mặt trời lên cao, nắng bắt đầu gắt là chợ đã vãn khách. Còn gì thư thái và thoải mái hơn khi giữa tinh sương ngày mới, được dập dềnh trên chiếc xuồng ba lá len lỏi giữa chợ họp trên sông đông vui, tấp nập để hưởng trọn không khí trong lành của gió mang hương cây trái và sông nước miền Tây.

Điểm độc đáo của chợ nổi là buôn bán được thực hiện bằng hình thức “bẹo hàng”, tức là quảng bá hàng hóa tại chỗ. Trước mỗi mũi ghe, người ta thường cắm hoặc gác ngang một cây sào dài, bên trên treo lủng lẳng những hàng hóa mà chủ nhân muốn bán. Chẳng hạn như bán khóm thì người ta treo lên vài trái khóm; bán khoai lang thì treo vài củ khoai lang; bán bầu, bí thì treo vài trái bầu, bí; bán mía thì dựng lên bó mía…

chợ nổi Chợ nổi trên sông là nét văn hóa truyền thống lâu đời ở miền Tây.

Với cách tiếp thị độc đáo này, những người đi mua hàng ở chợ nổi từ xa đã quan sát thấy. Chính màu sắc rực rỡ của hoa với mai vàng, cúc trắng, vạn thọ... mang sắc Xuân rất đặc trưng của sông nước miền Tây đã đủ sức thu hút người đi chợ. Thời gian này, các lái hoa đã chọn bến để họp chợ. Những ghe hoa khác đến nhóm dần rồi hình thành chợ hoa sáng rực một khúc sông.

Những ngày Tết, chợ nổi nhộn nhịp hẳn lên, người đi chợ đông vui hơn, nhưng dường như con người vẫn thế, vẫn bình dị mộc mạc đến quê mùa. Tình người chợ nổi được thể hiện trong mỗi cử chỉ, lời nói mộc mạc, thân thiện cũng như trên những gương mặt rạng ngời và ánh mắt vô tư.

Một điều đặc biệt là khi đến chợ nổi, khách hàng cứ ở yên một chỗ vẫn có thể thưởng thức được các món ăn, do những người phụ nữ chèo xuồng len lỏi giữa những chiếc thuyền lớn mang đến bán. Đó là những tô bún cá, bún riêu cua, bánh bò, bánh chuối… và đủ các loại nước giải khát. Không chỉ vậy, chợ nổi còn xôm tụ, bởi sự góp mặt của những cửu vạn-những người sinh sống trên ghe, bè đậu xung quanh chợ nổi, để mưu sinh. Cái nghề cửu vạn tại đây không phân biệt đàn ông hay phụ nữ, cứ có sức khỏe đều có thể tham gia.

Với du khách, đi chợ trên sông là để xem, để khám phá về một miền quê lạ. Bạn không cần ghé vào từng ghe để xem họ bán những hàng gì. Chỉ cần chèo chậm, thong thả ngang qua chợ nhìn các nhánh cây thon, dài buộc ở đầu ghe, trên cây treo gì thì ghe bán thức ấy, lúc la lúc lỉu trông rất lạ mắt, nhưng đó là tiếng chào mời không lời. Chẳng cần rao bán, chèo kéo nhưng khách nào cầm lòng mà bỏ đi. Cầm lòng được sao với cái màu đỏ au của chùm chôm chôm, vàng ươm của khóm, xoài, xanh biếc của dưa hấu, dừa xiêm, cóc, ổi, tím của cà...

Bây giờ, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp, nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và phát triển ngày một sầm uất hơn, như một nét văn hóa đặc sắc trên vùng đất châu thổ hiền hòa này. Còn gì thú vị hơn được du Xuân bồng bềnh trên ghe máy để ngắm bình minh và thăm quan chợ nổi. Tất cả vẽ nên một bức tranh chân chất của vùng châu thổ yên bình và đẹp tuyệt vời.

PHƯƠNG NGHI

Tin cùng chuyên mục
Trải nghiệm hành trình “Theo dấu chân Người”

Trải nghiệm hành trình “Theo dấu chân Người”

“Theo dấu chân Người” là chủ đề của chuỗi các hoạt động tháng 5/2024, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Trong đó, có nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức như “Bài ca dâng Bác”, “Tây Nguyên với Bác Hồ - Bác Hồ với Tây Nguyên”, tái hiện lễ mừng chiến thắng của dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai…