Từ năm 2016 đến nay, xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình đã quy hoạch vùng, mở rộng diện tích trồng lạc, lúa, ngô, rau hàng hóa. Theo đó, giá trị sản xuất trên 1ha diện tích đất canh tác hằng năm ở Vĩ Thượng đạt 58 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực đạt 4.557 tấn.
Thời gian qua, nhiều hộ dân ở thôn Hạ Quang, xã Vĩ Thượng đã chuyển đổi một phần diện tích cấy lúa vụ Xuân sang trồng lạc. Quá trình trồng lạc được áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, làm tăng năng suất, sản lượng, đem lại thu nhập cao cho người dân. Với năng suất bình quân đạt 25 tạ/ha, giá bán khoảng 13 - 15 nghìn đồng/kg lạc tươi, nông dân Hạ Quang có thể thu được hàng chục triệu đồng mỗi vụ lạc, cao gấp 1,5 lần so với trồng lúa.
Điển hình như hộ bà Hoàng Thị Nhàn, thôn Hạ Quang có 5.000m2 đất trồng lạc đỏ. Bà áp dụng phương pháp khoa học mới, cày sâu, bừa kỹ, sử dụng giống lạc đỏ chất lượng cao, gieo trồng đúng thời vụ nên năng suất đạt cao, năm 2019 đạt gần 13 tạ lạc.
Tại xã Bằng Lang, việc dồn điền đổi thửa được triển khai tại 2 thôn: Hạ và Hạ Thành để sản xuất lúa chất lượng cao từ năm 2015. Từ 5,2ha đất với 71 thửa ruộng được dồn thành 31 thửa, ưu tiên những giống lúa chủ lực, áp dụng chương trình mạ khay, máy cấy, cơ giới hóa đồng ruộng, giúp nông dân giảm chi phí, giảm sức lao động. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, năng suất lúa đạt 60 tạ/ha (cao hơn gần 10 tạ so với trước), chất lượng gạo dẻo, thơm ngon, dễ bán. “Tái cơ cấu nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập bình quân của người dân thôn Hạ Thành, năm 2019 đạt trên 24 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5%”, ông Nguyễn Văn Ty, Trưởng thôn Hạ Thành chia sẻ.
Để xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất phù hợp với điều kiện từng vùng, huyện Quang Bình đã đổi mới nội dung, phương pháp và cơ chế hỗ trợ theo hình thức đầu tư có thu hồi, khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, trên địa bàn đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa như: Vùng chè ở các xã Tiên Nguyên, Xuân Minh, Tân Bắc; vùng cam ở Yên Hà, Hương Sơn, Tiên Yên; vùng trồng lúa xã Vĩ Thượng, Bằng Lang, Xuân Giang... Toàn huyện hiện có 240ha cánh đồng mẫu trồng lúa; 600ha cánh đồng mẫu trồng ngô; 1.119ha cam, gần 1.200ha chè trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Với sự đột phá trong nông nghiệp, sản lượng lúa đạt 32.882 tấn/năm; ngô là 9.270 tấn; chè đạt 12.000 tấn; cam đạt khoảng 13.000 tấn. Hiện trong số 24 sản phẩm đăng ký thực hiện Chương trình OCOP, đã có 4 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao và 3 sao theo đánh giá phân hạng cấp tỉnh (chè Tiên Nguyên, gạo Vĩ Thượng, mật ong Tân Bắc, bún khô Yên Thành).
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quang Bình, Nguyễn Văn Hoàng cho biết: “Trong thời gian tới, ngành chuyên môn sẽ tiếp tục chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, dồn điển đổi thửa… để tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích người dân phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, kinh tế trang trại, xây dựng đề án mỗi làng một sản phẩm và ưu tiên các doanh nghiệp đến đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp để cùng đồng hành, sát cánh với nông dân”.
Thời gian tới, ngành chuyên môn sẽ tiếp tục chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, dồn điển đổi thửa… để tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn”.
Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quang Bình