Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Sáng mãi khát vọng độc lập, tự do

Thanh Hải - 15:06, 04/06/2021

110 năm trước, chàng thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng trên con tàu Amiral Latouche Tréville. Hành trang người thanh niên 21 tuổi ấy mang theo trên hành trình vượt trùng dương là khát vọng độc lập, tự do cho dân tộc. Suốt những tháng ngày bôn ba nơi đất khách, khát vọng ấy luôn rực cháy trong tim, trở thành ngọn đuốc soi đường chỉ lối.

Tàu L’Admiral Latouche Tresvill đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ bến Nhà Rồng, ngày 5/6/1911 (Ảnh tư liệu)
Tàu Đô đốc Latouche-Tréville đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ bến Nhà Rồng, ngày 5/6/1911 (Ảnh tư liệu)

Mang theo nỗi căm hờn của một người dân mất nước; nỗi nhục khi nước nhà bị giày xéo, Nguyễn Tất Thành đã bỏ lại sau lưng một niềm riêng đau đáu với gia đình, quê hương… để ra đi "tìm hình của nước”. Hành trang lên đường của chàng thanh niên trẻ tuổi chẳng có gì ngoài một trái tim nồng ấm, đôi bàn tay cần mẫn, một khối óc sáng tạo, một bầu máu sục sôi, căm hờn…

Hãy nhìn lại thời khắc lịch sử Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX để thấy rằng, khát vọng độc lập, tự do của Người chính là khát vọng mang tầm thời đại. Thực dân Pháp xâm lược năm 1858 và đặt ách đô hộ. Rất nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân đã nổ ra để chống lại chính sách hà khắc của Pháp; nhưng rồi, vẫn thất bại. Những sĩ phu yêu nước thời bấy giờ vẫn bế tắc, cách mạng Việt Nam vẫn chưa biết đi theo lối nào.

Trong bối cảnh nước nhà cơ cực lầm than, Nguyễn Tất Thành chỉ nung nấu duy nhất một con đường giải phóng dân tộc. Làm sao để đánh đuổi thực dân xâm lược, giải phóng nước nhà; làm sao để đồng bào được hạnh phúc, tự do; được cơm no, áo ấm… đã là những day dứt, đau đáu trong tim Người.

Cuộc hành trình của người thanh niên Nguyễn Tất Thành là những chuỗi ngày thấm đẫm  nước mắt và mồ hồi chát mặn. Những năm tháng bôn ba, Người đã vượt qua ba đại dương, đến bốn châu lục, 28 nước; ròng rã trên một hành trình dài chừng 200.000km, từ những trung tâm văn minh bậc nhất của thế giới, tới những nơi bần cùng và đau khổ nhất của nhân loại thời ấy.

Dẫu có những thời khắc, sinh mệnh “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng chưa bao giờ Người chùn bước, nhụt chí. Suốt cả chặng đường bôn ba “đi tìm hình của nước”, mục tiêu giải phóng dân tộc cùng niềm tin tất thắng của ngày mai luôn rực cháy trong tâm khảm một người con đất Việt.

Trên hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc; ta đã thấy rất rõ trách nhiệm của một thanh niên mang hoài bão lớn, nỗi đau đáu của một công dân nồng nàn yêu nước, nỗi trăn trở của một người dân… khi nước nhà còn bị xâm lăng.

Gần 30 năm kiếm tìm con đường giải phóng dân tộc, Nguyễn Tất Thành, sau này đã trở thành Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử to lớn, hoàn thành khát vọng độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đã tìm thấy ánh sáng khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác – Lênin; trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế, nhà hoạt động tích cực, sôi nổi truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam. 

Người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo cả dân tộc ta giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 lịch sử, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.

Tháng 12/1920, tại Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc phát biểu ủng hộ Luận cương của Lê-Nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng thời tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (Ảnh tư liệu)
Tháng 12/1920, tại Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc phát biểu ủng hộ Luận cương của Lê-Nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng thời tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (Ảnh tư liệu)

Hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hành trình sáng tạo, vĩ đại trong tìm đường, mở đường và dẫn đường cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước gắn với khát vọng độc lập tự do. Mỗi bước đi của Người trong hành trình ấy đều gắn liền với những quyết định trọng đại, những mốc son lịch sử trong các chặng đường của cách mạng Việt Nam.

Khát vọng, ý chí và nghị lực của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trên hành trình tìm đường cứu nước đã trở thành điểm tựa soi sáng cho con đường học tập, rèn luyện của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Học tập và làm theo tấm gương về ý chí, khát vọng và nghị lực của Bác, thanh niên Việt Nam đã vững tin vào cuộc sống, vào tương lai, vào những hành động, việc làm có ích cho xã hội; sống có bản lĩnh chính trị vững vàng, không chùn bước, nản chí trước những khó khăn, thất bại trong công việc, trong cuộc sống.

Ngày 5/6/1911 đã là một dấu son lịch sử chẳng thể nào quên. Kỷ niệm 110 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và kiều bào ta ở nước ngoài cùng nhau hướng về Bác với lòng thành kính, biết ơn sâu sắc. Nghĩ về Bác, về những năm tháng gian nan, vất vả bôn ba nơi đất khách của Bác, càng khiến mỗi chúng ta thêm yêu thương, kính trọng vị Cha già dân tộc. Khát vọng độc lập, tự do của Người mãi mãi là một chân lí trường tồn.