Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Sáng tạo khoa học của thanh niên dân tộc thiểu số

PV - 16:56, 02/04/2018

Những năm gần đây, có nhiều học sinh, thanh niên người DTTS từ hoàn cảnh sống khó khăn của mình đã sản sinh ý tưởng nhằm cải thiện điều kiện sống. Với khả năng và tâm huyết, họ đã biến ý tưởng thành những sản phẩm hữu ích. Họ là những điển hình trong phong trào thanh niên khởi nghiệp cho tuổi trẻ noi theo.

Để khích lệ các bạn trẻ vùng DTTS sáng tạo hơn nữa trong nghiên cứu khoa học, Báo Dân tộc và Phát triển giới thiệu tới độc giả những tấm gương sáng đạt giải cao trong các cuộc thi về khoa học cấp quốc gia và khu vực thời gian qua.

Bài 2: Sữa tắm đuổi muỗi và nước lau sàn nhà

Ý tưởng từ thực tế

Hai em Điểu Linh (dân tộc M’nông) và Voong Thị Hồng Hạnh (dân tộc Hoa) là người tiên phong trong sáng tạo khoa học ở Trường THPT DTNT Đăk R’Lấp. Ý tưởng của các em xuất phát cũng chính từ thực tế. Điểu Linh cho biết, ở nơi em sinh sống đất đai rộng, nhà nào cũng nhiều cây cối và chăn nuôi gia súc, gia cầm nên muỗi nhiều vô kể. Đặc biệt là mùa mưa, chiều tối muỗi bay vào nhà như đàn ong vỡ tổ. Muỗn vằn khắp nơi, nhưng riêng xung quanh đám sả chanh trước nhà không con nào dám tới. Thấy vậy, bố Linh thử cắt một nắm mang vào nhà xua muỗi không ngờ lại hiệu quả, đám muỗi sợ mùi sả chẳng dám bay vào. Bà con trong bon thấy vậy cũng đến xin giống về trồng để chống muỗi.

Hai em Mai và Hà với sản phẩm nước rửa chén, lau sàn nhà tinh dầu sả chanh. Hai em Mai và Hà với sản phẩm nước rửa chén, lau sàn nhà tinh dầu sả chanh.

Những ngày đầu lên học tại trường DTNT, đêm nằm học bài mà tiếng muỗi vo ve khiến Linh cùng bạn bè chẳng ai có thể tập trung được. Chính vì vậy, trong đầu em nảy ra ý tưởng lấy sả chanh điều chế sản phẩm đuổi muỗi nên bàn với Hạnh rồi cùng nhau triển khai.

Sau khi đã bàn với nhau, hai cô học trò trình bày với thầy giáo Võ Như Sơn dạy môn Hóa học về ý tưởng của mình. Thấy học trò của mình đam mê khoa học như vậy, thầy Sơn mừng lắm. Sau đó, thầy trò cùng nhau báo cáo lên Ban Giám hiệu mượn khu đất phía sau trường để bắt đầu trồng những luống sả chanh đầu tiên. Trường nghèo không có khu thí nghiệm, thầy trò lại lặn lội sang tận Lâm Đồng nhờ Trung tâm Khoa học và Công nghệ Đà Lạt chưng cất, xác định các thành phần hóa học. Cả 3 thầy trò cùng mày mò tìm hiểu, thử nghiệm để tạo ra sản phẩm sữa tắm vừa có tác dụng đuổi muỗi vừa diệt khuẩn.

Từ những thành quả ban đầu, ý tưởng về cách đuổi muổi ấy hiện nay còn đang “tiếp lửa” cho các thế hệ học sinh tiếp theo của nhà trường. Sau Điểu Linh và Voong Thị Hồng Hạnh, các em Đường Thị Mai (dân tộc Hoa), Tái Sơn Đông (dân tộc Pà Thẻn) và Lường Thị Thúy Hà (dân tộc Tày) tiếp tục phát triển nghiên cứu điều chế dung dịch rửa chén, nước lau sàn nhà vừa tẩy rửa vừa khử khuẩn và thân thiện với môi trường. Qua hàng trăm phản ứng, nhóm mới tìm ra công thức phối hợp giữa các chất hoạt động bề mặt và tinh dầu sả chanh.

Tiếp nối truyền thống ấy, thế hệ thứ 3 của nhà trường gồm 2 học sinh lớp 11 là Đào Vũ Yến (dân tộc Chơ ro) và Phạm Thị Viết Thủy (dân tộc Kinh) tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm nước rửa chén, lau sàn tự nhiên tinh chất sả chanh kết hợp tinh dầu thông.

Thầy Võ Như Sơn cho biết: Sả chanh là loại cây mọc hoang ngoài tự nhiên có mùi thơm như chanh, thân màu tím và không sử dụng làm gia vị như sả thường được. Loại cây này lại có tác dụng kháng một số chủng khuẩn, kìm hãm và diệt một số chủng nấm. Ngoài ra, tinh dầu sả chanh còn có thể sử dụng làm nước hoa, xà phòng thơm, nến thơm, dầu gội đầu…

Những “quả ngọt” đầu mùa

Với những nghiên cứu đầy đam mê, thế hệ các học sinh Trường THPT DTNT Đăk R’Lấp đã bước đầu gặt được những “quả ngọt” thành công. Từ nghiên cứu của Điểu Linh và Voong Thị Hồng Hạnh, sau hơn một năm thực hiện ý tưởng, kết quả là các em đạt hai giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi khoa học sáng tạo tỉnh Đăk Nông; giải Khuyến khích cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia năm 2016.

Không dừng lại ở đây, sau khi câu chuyện về sự sáng tạo của 2 học sinh DTTS được truyền thông cả nước biết tới, năm 2017, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP. Hồ Chí Minh đã cấp học bổng toàn phần trị giá 200 triệu đồng cho Điểu Linh và Voong Thị Hồng Hạnh.

Chia sẻ về những thành quả ban đầu này, Điểu Linh không giấu được sự xúc động: “Chúng em rất sung sướng. Gia đình cũng rất vui và đồng ý để em tiếp tục vào đại học với học bổng toàn phần này. Chúng em sẽ nỗ lực để phát triển sản phẩm của mình đến rộng hơn với mọi người. Chúng em cũng xin cảm ơn thầy Sơn, chính thầy là người hướng dẫn chúng em có được kết quả hôm nay”.

Sản phẩm dung dịch rửa chén và nước lau sàn nhà của các em Mai, Đông và Hà trong năm vừa qua cũng đã nhận giải Nhì (giải cao nhất) tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh Đăk Nông và giải Khuyến khích cấp quốc gia. Đồng thời, còn nhận được 2 giải đặc biệt do hai trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội trao tặng.

Thầy Võ Như Sơn tự hào nói: Các sáng chế sản phẩm từ sả chanh đã mang về cho trường niềm tự hào lớn. Ngoài những giải thưởng cao bậc nhất cấp tỉnh, các em còn được nhận những giải thưởng cấp quốc gia. Thế hệ nghiên cứu đầu tiên nhận được học bổng toàn phần, tuyển thẳng vào trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh. Thế hệ thứ 2 cũng được những trường đại học danh tiếng trao giải đặc biệt.

“Đáng quý là những ý tưởng sáng tạo trong khoa học của các em sẽ nuôi dưỡng, tiếp bước cho các thế hệ học sinh tiếp theo sẽ có những sáng kiến cải tiến ưu việt hơn để tạo ra những sản phẩm phục vụ cuộc sống từ những vật liệu, nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường, không gây hại đến sức khỏe con người”, thầy Sơn hào hứng nói.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Nhật Bản trồng cỏ biển để thu giữ carbon giúp phòng, chống biến đổi khí hậu

Nhật Bản trồng cỏ biển để thu giữ carbon giúp phòng, chống biến đổi khí hậu

Nhằm giúp chống biến đổi khí hậu khi Nhật Bản đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Nhật Bản đã triển khai dự án khôi phục hệ sinh thái tự nhiên dọc bờ biển của thành phố cảng Yokohama, phía Nam Tokyo, bằng cách trồng rong lươn - loại cỏ biển màu xanh nhạt.