Theo Ban tổ chức, sẽ có khoảng 140 - 150 tác phẩm đến từ khoa Điêu khắc Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế, huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) và huyện Tây Giang (Quảng Nam).
Yêu cầu các tác phẩm thể hiện được những nét văn hóa đặc trưng, những sự kiện đặc biệt tiêu biểu về văn hóa, con người dân tộc Cơ Tu; tôn vinh, quảng bá hình ảnh Nam Đông và Thừa Thiên Huế đến du khách trong và ngoài nước, tạo điểm nhấn trong xây dựng và kết nối các Tour du lịch đến với địa phương thời gian tới.
Các tác phẩm được hình thành gồm tượng tròn, phù điêu, tranh vẽ và hoa văn trang trí trên các bộ phận kiến trúc, sau khi kết thúc trại sáng tác sẽ được tác giả tặng cho huyện Nam Đông trưng bày ở vườn tượng làng văn hóa dân tộc Cơ Tu.
Trại sáng tác điêu khắc truyền thống dân tộc Cơ Tu huyện Nam Đông nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về bảo tồn truyền thống văn hóa, đồng thời mong muốn mang đến cho du khách những trải nghiệm chân thật nhất, những cảm xúc ấn tượng và khó quên khi được trực tiếp giao lưu, tiếp xúc với các nghệ nhân, được tìm hiểu và biết thêm kiến thức về giá trị di sản văn hóa truyền thống của người Cơ Tu thông qua kỹ thuật trình diễn và những tác phẩm do các nghệ nhân làm ra, góp phần làm đa dạng văn hóa trên mảnh đất quê hương Nam Đông.
Chương trình còn là dịp để đồng bào Cơ Tu có cơ hội được quảng bá, giới thiệu đến du khách và công chúng về những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Từ đó, giúp đồng bào thêm tự hào về truyền thống của cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp phát triển điêu khắc gỗ của người Cơ Tu trên địa bàn huyện.
Xuyên suốt thời gian diễn ra trại sáng tác điêu khắc truyền thống dân tộc Cơ Tu, tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện Nam Đông còn có các hoạt động đặc sắc khác như triển lãm tranh, giao lưu văn hóa - văn nghệ tại chợ phiên vùng cao, trình diễn nghệ thuật Taantung-Zazã tại Khu du lịch cộng đồng bản Dỗi...