Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Say trong hương sắc hoa hồng

PV - 10:18, 18/06/2019

Ở Bắc Giang, trong số những người chơi hoa thì chị Nguyễn Thị Sớm (SN 1982), thôn Phương Lạn 1, xã Phương Sơn (Lục Nam) và anh Hồ Việt Hoa (SN 1962), thôn Đỉnh, xã Liên Sơn (Tân Yên) được biết đến là hai chủ vườn trồng nhiều hoa hồng nhất, với hàng nghìn cây. Niềm đam mê với loài hoa này đã khiến họ dành nhiều tâm huyết, tạo nên những vườn hoa rực rỡ, ngát hương nơi vùng đồi sỏi đá.

Anh Hồ Việt Hoa chăm sóc vườn hoa hồng của gia đình. Anh Hồ Việt Hoa chăm sóc vườn hoa hồng của gia đình.

Sống chan hòa cùng hoa cỏ

3 năm trước, vườn vải thiều của gia đình già cỗi đến kỳ phải thay thế, chị Sớm và chồng là anh Trung suy nghĩ tìm việc gì phù hợp với sở thích, có thu nhập mà lại được ở nhà để quán xuyến gia đình. Chồng thì yêu hoa lan, vợ lại thích hoa hồng, cả hai cùng yêu thích cuộc sống hài hòa với thiên nhiên nên ý tưởng chuyển đổi toàn bộ diện tích vườn vải thiều gần 1ha sang trồng hoa được thực hiện nhanh chóng. Hai vợ chồng không quản vất vả ngày đêm vỡ đất, ươm trồng từng gốc hoa.

Thời gian đầu, chị Sớm cất công đến Mê Linh (Hà Nội) mua cây hoa giống về trồng. Không quản vất vả, hễ nghe ở đâu có hoa hồng lạ, chị hỏi thăm mua thêm. Chẳng bao lâu, anh chị đã gây dựng được khu vườn bạt ngàn sắc hoa hồng với hàng nghìn cây, hơn 100 loài, trong đó có những giống hồng cổ như: Hồng Sapa, Hải Phòng, hồng đào, hồng tường vi, vân khôi, hồng Julio có màu đỏ sọc trắng, cánh kép, hương thơm dịu nhẹ, ra hoa quanh năm); hồng Blue Sky (giống hoa hồng mọc thành bụi xuất xứ từ Nhật Bản, mỗi chùm nhiều bông, mỗi bông có từ 20-30 cánh); Red Eden (thuộc dòng hồng leo cổ của nước Anh, màu đỏ nhung); Juliet...

Người chủ vườn hào hứng giới thiệu với tôi về cây hồng lạ thân cao chừng 1,2m được ghép từ 5 loại hoa. Để cho ra đời sản phẩm này, chị chọn gốc tầm xuân thuộc họ hoa hồng, ghép các mắt hoa, tạo thành cây có nhiều màu hoa khác nhau. Thường một gốc có thể ghép 5-7 mắt hoặc nhiều hơn, giúp cây vừa sai hoa, đa dạng màu sắc độc đáo.

Chăm hoa hồng cũng bận bịu chẳng kém gì con mọn, ngày nào cũng có mặt ngoài vườn. Có giai đoạn thì cắt tỉa cành nhỏ, bỏ hoa để tập trung nuôi cây; có lúc lại hì hụi cuốc xới cho đất tơi xốp. Trong quá trình chăm sóc, mất công nhất là lúc uốn thân, tạo dáng thế cho cây. Để có cây hồng thế bon sai, chủ nhân phải mất vài tháng hoặc cả năm trời “ép” cây. Chủ vườn cũng thường xuyên chú ý quan sát thời tiết, nền nhiệt ngoài trời để điều chỉnh chế độ chăm sóc phù hợp.

Bây giờ, vườn hoa của gia đình chị Sớm có giá trị kinh tế rất lớn, tùy theo màu, độ cổ hay vẻ đẹp của cây hoa mà giá từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng. Chỉ cần ngồi ở nhà, bà chủ vẫn giao dịch với khách hàng khắp mọi miền đất nước. Hoa trồng không đủ cung cấp cho thị trường.

“Thường khách ở xa xem “mặt” hoa qua Zalo, nếu ưng màu sắc, dáng và giá thành thì chuyển tiền vào tài khoản, tôi gọi xe “ship” hàng tận nơi. Ngay tuần trước tôi vừa chuyển 2 ô tô chở đầy hoa hồng cho khách ở tận Nha Trang, Vũng Tàu”, chị Sớm thông tin.

Thời gian này, chị Sớm tập trung cắt tỉa hoa, chiết ghép, chăm bón cây để cây phát triển tốt. Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ có 3 lứa hoa nở. Mỗi năm, hoa hồng mang lại nguồn thu vài trăm triệu đồng cho gia đình.

Chị Sớm chăm sóc vườn hoa hồng của gia đình. Chị Sớm chăm sóc vườn hoa hồng của gia đình.

“Phù thủy” của những loài hoa

Có kinh nghiệm trồng hoa hơn chục năm nay và nổi tiếng với trang trại hoa đào Nhật Tân, đào Thất Thốn, lan phi điệp các loại, anh Hồ Việt Hoa, thôn Đỉnh, xã Liên Sơn (Tân Yên) còn được nhiều nhà vườn mệnh danh là phù thủy của hoa hồng. Sở hữu hàng nghìn cây hoa, quả các loại nhưng anh vẫn am hiểu tường tận, nắm chắc quy luật sinh trưởng của từng loài. Đặc biệt là có thể “bắt” cây ra hoa đúng thời điểm theo ý mình.

Bên chén trà xanh, ánh mắt anh rạng ngời khi say sưa nói chuyện với khách về các loài hoa. Từ tháng 10 đến Tết Nguyên đán, khắp các vạt đồi bạt ngàn màu hồng phấn, trắng tinh khôi, trắng kem hay đỏ tía của hoa hồng. Từ tháng 8 đến hết mùa xuân nơi đây có hàng trăm du khách đến ngắm hoa, nhiều cặp uyên ương chọn làm địa điểm để quay phim, chụp ảnh cưới. Dù đổ biết bao công sức, tiền bạc vào trang trại đến khi hưởng thành quả, cả trang trại rượp muôn hoa đua sắc thắm, anh luôn sẵn lòng rộng cửa tiếp đón du khách và cũng không lấy một đồng tiền phí thăm quan.

Đưa chúng tôi đến bên gốc cây hồng lớn nhất trong trang trại, anh giới thiệu đó là hồng Vân Khôi (còn gọi là hồng Bungari), thân to hơn cổ tay người lớn, vỏ cây xù xì như gốc đào, cánh hoa trắng dày, hương thơm dịu nhẹ. Cây này hơn 50 năm tuổi, được anh mua lại từ một “dân chơi” ở Hà Nam vài năm trước. Thời gian này, anh cắt hoa để tập trung nuôi cây, chừng giữa tháng 10 thì tiến hành tỉa cành để hoa nở rộ vào dịp Tết Nguyên đán. Năm ngoái, khi hoa bung nở, anh lấy thước ra đo chiều ngang các cành lá tỏa ra dài đến hơn 4m, thân cây cao 5m, hàng nghìn bông trắng tinh khôi hút hồn du khách. Cách đây vài tháng có “đại gia” yêu thích trả giá 300 triệu đồng nhưng anh không bán.

Khách từ mọi miền cả nước tìm đến thăm trang trại, trong đó nhiều người được anh Hoa cung cấp cây giống, tư vấn kỹ thuật chăm sóc và bước đầu thành công.

Từ những vạt hoa hồng nở rộ, anh Hồ Việt Hoa còn ủ lên men tạo thành thứ rượu hấp dẫn có một không hai. Rượu hoa hồng thương hiệu “Hồ Việt Hoa” có màu sánh vàng như mật ong, vị dịu nhẹ, ngọt ngào đúng chất hương của hoa hồng. Tôi đón ly rượu quý từ tay ông chủ vườn hồng, nâng lên miệng nhấp ngụm nhỏ cảm giác như đang lạc giữa rừng hoa ngát hương thơm muôn sắc màu.

MAI TOAN

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.