Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Sinh viên trường nghề Hoàng Văn Quyết với niềm đam mê đồ gỗ

Mỹ Dung - 08:40, 20/02/2023

Ấp ủ trở thành một người thợ thủ công làm đồ gỗ, Hoàng Văn Quyết (sinh năm 1999), người Sán Chỉ, đã trở thành sinh viên Khoa Chế biến gỗ, Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc (Lạng Sơn). Với niềm đam mê thiết kế và gia công đồ gỗ, nhiều năm qua em đã nỗ lực vượt khó vươn lên, rèn luyện để giành nhiều kết quả cao trong học tập và sáng tạo, trở thành tấm gương cho các sinh viên trong trường...

Đam mê và nỗ lực

Trong một chuyến công tác, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về thôn Nà Pán tìm gặp em Hoàng Văn Quyết. Được biết, e đã tốt nghiệp ra trường 2 tháng, đang tiếp tục học thêm tiếng Trung, chuẩn bị thêm hành trang kiến thức với mong muốn tìm được công việc, cuộc sống thật sự ổn định từ nghề đã được đào tạo.

Quyết chia sẻ, sinh ra và lớn lên tại thôn Nà Pán, xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình, bố mẹ già, đông anh em nên kinh tế gia đình cũng còn nhiều khó khăn. Ngay từ khi PTTH, em ấp ủ mong muốn trở thành một người thợ thủ công làm đồ gỗ. Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, lo không đủ tiền trang trải, nên bố em phản đối dự định này. Tuy nhiên, khi được mẹ động viên và cùng với gia đình thuyết phục, bố đồng ý và ủng hộ nên em đã cố gắng tiếp tục việc học.

Bước vào trường, em luôn chuyên tâm học và thực hành với những kiến thức được truyền dạy. Không những thế, ngoài giờ trên lớp, nhờ thầy cô giúp đỡ em nhận làm thêm những sản phẩm thủ công, những công trình gia công về gỗ trong và ngoài tỉnh, vừa kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống vừa được rèn luyện, nâng cao tay nghề. Ngoài ra, thời gian rảnh, em thường xuyên vào các trang mạng xã hội xem những Clip hướng dẫn thực hiện trạm khắc trang trí hoa văn trên đồ gỗ, hay những kỹ năng mới về nghề mộc…

“Đối với em, khi học ngành nghề gì thì phải có đam mê, cố gắng học trên lớp cũng như học hỏi các anh chị đi trước, tự rèn luyện, mài giũa, nâng cao kỹ năng nghề cho bản thân. Đó là những kiến thức thực tế để có thêm cơ hội khi đi làm”, Quyết chia sẻ thêm.

Em Hoàng Văn Quyết vinh dự được nhận danh hiệu sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu toàn quốc năm 2022
Em Hoàng Văn Quyết vinh dự được nhận danh hiệu sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu toàn quốc năm 2022

Trái ngọt 

Mặc dù vừa học vừa làm thêm, cộng với việc chăm sóc bố mẹ già vất vả nhưng Quyết luôn giữ thành tích học tập trên lớp rất xuất sắc. Trong 3 năm học, em luôn đạt thành tích học tập loại giỏi và xếp loại rèn luyện xuất sắc; nhận Bằng khen “Sinh viên Việt Nam - Những câu chuyện đẹp” của Tỉnh đoàn Lạng Sơn; tham gia nghiên cứu các công trình, dự án khoa học cấp trường… Đặc biệt, sáng kiến cải tiến kỹ thuật Quyết tham gia đã được Hội đồng khoa học nhà trường nghiệm thu và đưa vào áp dụng cho khoa nghề.

Giảng viên Nguyễn Văn Hải - người thầy đã hướng dẫn, hỗ trợ Quyết  chia sẻ: “Sáng kiến này có sự tham gia của 2 bạn sinh viên trong nhà trường. Em Quyết là sinh viên ngoan, chăm chỉ, chịu khó học tập, tích cực tìm hiểu, sáng tạo. Từ sự hướng dẫn của giảng viên mà em đã cùng bạn đưa ra nhiều đề xuất, sáng tạo nên thành công này, được Nhà trường đánh giá cao và đưa vào sử dụng”.

Trong 3 năm học, cậu sinh viên trẻ đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với bạn bè, thầy cô bởi sự hòa đồng, ham học hỏi, tích cực chia sẻ. Cô Trần Thị Huê - Phó Trưởng Khoa Chế biến gỗ của trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc cho biết: “Em Quyết là một sinh viên thông minh và rất nỗ lực trong mọi công việc, học tập. Những thành tích mà em đạt được không chỉ là niềm tự hào của bản thân em, mà còn góp phần khẳng định chất lượng đào tạo của khoa, của trường trong những năm qua”.

Trái ngọt đến từ sự đam mê, nỗ lực, Hoàng Văn Quyết là một trong số ít sinh viên vinh dự được nhận danh hiệu "Học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xuất sắc năm 2022" do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.