Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Số hóa - Giải pháp hiệu quả để cứu những thư tịch cổ của người Chăm trước nguy cơ mai một

Bá Minh Truyền - 15:12, 07/08/2023

Người Chăm là một trong những tộc người sớm có chữ viết ở Việt Nam. Chữ viết của người Chăm được viết trên những chất liệu khác nhau như đá, gỗ, kim loại, vải và giấy. Theo thời gian, những văn bản viết tay bị hư hỏng bởi tác động của môi trường, mối mọt và côn trùng gây hại. Đặc biệt là những thư tịch viết trên chất liệu giấy.

Các chức sắc Bàlamôn đọc kinh sách trong nghi lễ Yuer Yang trên đền tháp Po Ramê.
Các chức sắc Bàlamôn đọc kinh sách trong nghi lễ Yuer Yang trên đền tháp Po Ramê.

Thư tịch Chăm lưu trữ nguồn tri thức văn hóa

Chữ viết của người Chăm đang sử dụng hiện nay gọi là Akhar Thrah, ra đời từ thế kỷ XVII. Chữ Akhar Thrah được xem là chữ viết phổ thông, được sử dụng phổ biến trong tầng lớp chức sắc tôn giáo và cộng đồng người Chăm. Từ năm 1978, Ban Biên soạn sách chữ Chăm được thành lập ở Ninh Thuận, thực hiện việc biên soạn sách giáo khoa để giảng dạy, kiểm tra, đánh giá việc dạy và học chữ Chăm ở bậc Tiểu học. Từ đó đến nay, chữ viết của người Chăm được giảng dạy chính thức tại những địa phương có con em người Chăm sinh sống. Nội dung của các văn bản viết tay của người Chăm chứa đựng nhiều tri thức khoa học và xã hội, tập trung nhiều lĩnh vực như thiên văn học, chủ đề tôn giáo, lịch sử, văn chương, tri thức dân gian và các truyện cổ tích...

Một trang văn bản chép tay chữ Chăm Akhar Thrah.
Một trang văn bản chép tay chữ Chăm Akhar Thrah.

Theo tập quán truyền thống của người Chăm, những tư liệu viết tay khi không có người để trao truyền, chủ nhân thư tịch không thể cho người ngoài sử dụng và khai thác. Họ sẽ mang các quyển thư tịch quý hiếm thả trôi sông ra biển. Việc làm này vô tình đã làm biến mất vĩnh viễn nhiều tri thức văn hóa được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Trong y học, người Chăm sử dụng các bài thuốc Nam để chữa bệnh. Bên cạnh đó, người Chăm còn sử dụng những bài chú khai thác từ thư tịch cổ để chữa bệnh. Các bài trị bệnh bằng những bài chú không được phổ biến rộng rãi, những người chữa bệnh chỉ trao truyền cho một nhóm nhỏ. Nếu chẳng may không có người kế thừa thì các phương pháp chữa bệnh bằng bài chú cũng biến mất cùng với người thực hành nghề trị bệnh.

Nhiều tri thức dân gian của người Chăm được ghi chép trong các quyển thư tịch cổ chứa đựng tri thức khoa học, dựa vào các hiện tượng tự nhiên, sự biến động của động vật và thực vật. Những người có kinh nghiệm về tri thức dân gian có thể đưa ra các dự báo trước về các hiểm họa như bão lụt, nắng hạn, dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến vụ mùa, vật nuôi và con người. Các tri thức dân gian rất hữu ích, giúp con người dự báo trước các hiểm họa của tự nhiên để chủ động tránh nhằm hạn chế các thiệt hại do tác động bất thường của tự nhiên.

Chữ Chăm được sử dụng làm câu đối để trang trí trong nhà lễ hỏa táng.
Chữ Chăm được sử dụng làm câu đối để trang trí trong nhà lễ hỏa táng.

Trong lĩnh vực văn chương, người Chăm còn lưu hành một số tác phẩm mang tính sấm ký dự báo trước các hiện tượng tự nhiên và xã hội có thể xảy ra trong hiện thực đời sống. Các dự báo đã được kiểm chứng trong đời sống, nổi tiếng nhất là tác phẩm Ariya Gleng Anak (Tiên đoán về tương lai) được người Chăm say mê tìm đọc và lưu truyền.

Kỹ thuật bảo quản thư tịch của người Chăm

Những kết quả nghiên cứu về thư tịch cổ của người Chăm đã đi đến nhận định, người Chăm chưa biết đến kỹ thuật in ấn. Do đó, các nguồn thư tịch đang lưu trữ trong cộng đồng hiện nay chủ yếu là thư tịch chép tay. Trải qua một thời gian, các văn bản viết tay dễ dàng bị khí hậu, côn trùng gây hại làm rách nát, mờ nét chữ. Để tránh sự tác động của môi trường, người Chăm có các biện pháp bảo quản thư tịch thủ công khá đơn giản bằng cách phơi nắng, sử dụng các vật dụng đựng, bảo quản nơi cao ráo, thoáng mát.

Ciét - một loại giỏ đan bằng tre được người Chăm sử dụng để bảo quản thư tịch.
Ciét - một loại giỏ đan bằng tre được người Chăm sử dụng để bảo quản thư tịch.

Các quyển thư tịch của người Chăm được bảo quản trong ciét (giỏ đan bằng tre, nứa), đựng trong túi vải, ống tre, đựng trong thùng gỗ, tủ gỗ. Đối với thư tịch đựng trong giỏ tre, túi vải, người Chăm thường treo trên trần nhà, nơi cao ráo nhằm tránh ẩm mốc, chuột và con trùng gây hại. Khoảng 3 - 6 tháng, người Chăm mang những quyển thư tịch ra kiểm tra, phơi nắng để chống ẩm mốc và tác động khí hậu. Với kỹ thuật bảo quản thủ công, các nguồn thư tịch Chăm không thể bảo quản lâu dài. Mặt khác, tuổi thọ của chất liệu giấy chỉ dưới 50 năm là bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu bị mục nát, không lưu trữ được dài lâu. Vì vậy, các biện pháp bảo quản thủ công chỉ lưu trữ thư tịch được trong một thời hạn nhất định. Để bảo quản thư tịch cổ, cần có giải pháp số hóa, lưu trữ lại tri thức văn hóa tộc người cho thế hệ mai sau kế thừa.

Giải pháp số hóa nguồn tư liệu viết tay

Từ năm 1993 đến 2015, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm đã sưu tầm được 52 quyển văn bản chép tay với 2.842 trang. Ngoài ra, còn tiến hành sao, chụp Microfilm từ tư liệu viết tay của 17 cá nhân ở các làng Chăm trong tỉnh được 281 cuộn phim với 8.662 trang văn bản. Những tư liệu viết tay của người Chăm đã được sưu tầm chỉ là con số khiêm tốn so với thực tế còn một số lượng lớn đang lưu hành trong dân gian.

Số hóa chữ văn bản viết tay của người Chăm đang lưu trữ ở Pháp.
Số hóa chữ văn bản viết tay của người Chăm đang lưu trữ ở Pháp.

Trong khoảng thời gian 7 năm (1994 - 2001), Tiến sĩ Thành Phần thuộc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành các cuộc điều tra, thống kê, sưu tầm thư tịch người Chăm. Kết quả làm việc đã sưu tầm được trên 500 tập sách với khoảng 10.000 trang viết tay. Chưa kể đến các tư liệu của một số cá nhân, gia đình có người làm chức sắc như Po Adhia, Po Basaih, Po Acar, Kadhar, Maduen và các thầy cúng đang bảo quản tư liệu gia đình đựng trong ciét sách, hoặc đựng trong túi vải.

Nhằm nâng cao chất lượng bảo quản thư tịch viết tay, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm đã phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tại TP. Hồ Chí Minh thuộc Bộ Nội vụ thực hiện việc tu bổ, bồi nền theo Đề án “Sưu tầm tài liệu quý, hiếm trong và ngoài nước”. Trong năm 2013, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II đã tiếp nhận từ đơn vị 62 cuốn thư tịch cổ được viết tay bằng chữ Chăm có niên đại cách đây khoảng 150 năm, gồm: 30 cuốn viết trên giấy dó (1.770 trang), 12 cuốn viết trên lá buông (746 trang) và 20 cuốn viết trên giấy bao xi-măng (1.050 trang). Ngoài ra, còn nhận xử lý, bảo quản 281 cuộn microfilm chụp thư tịch.

Trước nguy cơ mai một nguồn tư liệu viết tay của người Chăm, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á với sự cộng tác của PGS.TS. Thành Phần đã phối hợp với Thư viện Anh thực hiện chương trình số hóa các văn bản chép tay của người Chăm ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Kết qủa điều tra, thống kê và số hóa đã được phổ biến trên trang điện tử của Thư viện Anh có tên miền :https://eap.bl.uk/project/EAP1005/search để phục vụ cho công tác nghiên cứu và bảo tồn các văn bản chép tay của người Chăm với trên 1.000 nguồn tư liệu đang lưu trữ trong cộng đồng Chăm.

Số hóa thư tịch viết tay trên chất liệu lá buông do Thư viện Anh thực hiện.
Số hóa thư tịch viết tay trên chất liệu lá buông do Thư viện Anh thực hiện.

Tiếp nối những nỗ lực bảo tồn tài liệu quý hiếm, Thư viện Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh và Thư viện tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm thực hiện các cuộc khảo sát, điều tra và kiểm kê nguồn tư liệu viết tay của người Chăm. Thư viện Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh đã cử các chuyên gia, phương tiện máy móc để số hóa các tài liệu viết tay quý hiếm của người Chăm tại Ninh Thuận. Việc số hóa thư tịch viết tay của người Chăm nhằm mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa tộc người Chăm, giúp công tác bảo quản, lưu trữ và khai thác nguồn tư liệu ngày càng hiệu quả, tránh được nguy cơ mai một và biến mất vĩnh viễn tri thức dân gian Chăm được ghi chép qua bao đời nay.