Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tìm trong di sản

Nghệ nhân Đàng Thị Hoa với nghề “sống cùng đất”

Sơn Ngọc - 18:49, 10/06/2023

Tại làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) có nhiều nghệ nhân người Chăm làm gốm thủ công rất giỏi. Trong số đó có nghệ nhân Đàng Thị Hoa từng đoạt giải Nhất tại Hội thi Bàn tay vàng do HTX Gốm Chăm Bàu Trúc tổ chức.

Nghệ nhân Đàng Thị Hoa chể tác gốm phục vụ nhu cầu mua quà lưu niệm của du khách tham quan làng Bàu Trúc.
Nghệ nhân Đàng Thị Hoa chể tác gốm phục vụ nhu cầu mua quà lưu niệm của du khách tham quan làng Bàu Trúc

Đến thăm cơ sở sản xuất gốm của nghệ nhân Đàng Thị Hoa, tận mắt chứng kiến các công đoạn chế tác gốm, chúng tôi ghi nhận sự tài hoa đầy sáng tạo trong nghề “sống cùng đất” của phụ nữ làng Bàu Trúc. Nghệ nhân Đàng Thị Hoa tỉ mẩn hoàn thành các bình phong thủy có dáng cây trúc thắp đèn bạch lạp trang trí trong các nhà hàng; lò đất mini xông hương trầm; ấm đất hâm nóng rượu sakê; bình phong thủy có dáng chiếc lá; bình cắm hoa...

Với bàn tay khéo léo tài hoa và kinh nghiệm hơn 35 năm gắn bó với nghề gốm, nghệ nhân Đàng Thị Hoa ủ đất, nhào đất, nặn đất nhuần nhuyễn tạo nên hình hài sản phẩm. Sau đó, chị tận dụng những vỏ sò, mảnh nhựa, nắp chai nhựa, nhíp cắt móng tay… tạo nên đường nét hoa văn sinh động trang trí cho sản phẩm gốm Chăm. Chị Hoa chế tác trên 100 mẫu sản phẩm gốm mỹ nghệ và trang trí hoa văn theo yêu cầu của khách. Điểm đặc biệt đáng ghi nhận trong lịch sử làng gốm Bàu Trúc, chị Hoa chính là tác giả của trên 20 bình gốm Chăm mà ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đặt để làm quà tặng cho các thành viên Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Tại phiên họp thứ 17, ngày 29/11/2022, diễn ra ở Rabat, thủ đô Vương quốc Ma-rốc, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Nghệ nhân Đàng Thị Hoa chia sẻ, từ năm 13 tuổi, chị đã được người mẹ ruột là nghệ nhân Đàng Thị Đây truyền dạy nghề làm gốm. Đến khi có chồng, chị làm đủ các sản phẩm gốm phục vụ sinh hoạt gia đình. Chị gửi gắm tình cảm và trách nhiệm của mình vào trong từng thớ đất, từng nét hoa văn trang trí gốm. Vì vậy, sản phẩm của chị hài hòa về hình dáng, đẹp về họa tiết hoa văn, bảo đảm bền chắc, được khách hàng ưa chuộng.

Phụ nữ Chăm làng gốm Bàu Trúc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Phụ nữ Chăm làng gốm Bàu Trúc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.

Nghề gốm mang đến cho chị Hoa thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng. Thu nhập từ nghề gốm kết hợp canh tác 3 sào ruộng lúa và lương giáo viên của chồng là thầy giáo Đàng Năng Nhiêm đã giúp vợ chồng chị Hoa nuôi 5 người con ăn học chu đáo. Trong đó có hai con gái đầu tốt nghiệp Đại học Sư phạm và Cao đẳng Thời trang, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Con gái thứ ba đang học đại học năm thứ nhất chuyên ngành Ngân hàng ở tỉnh Phú Yên. Hai cháu nhỏ đang học phổ thông tại địa phương. Các cô con gái của chị Hoa bước vào tuổi trăng tròn đều được mẹ truyền dạy làm gốm, giữ gìn văn hóa truyền thống làng nghề Bàu Trúc.

“Bản thân tôi và bà con làng nghề rất vui khi Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tỉnh Ninh Thuận tổ chức đón Bằng chứng nhận của UNESCO vào dịp Lễ hội Nho và Vang năm 2023, đây là niềm tự hào đối với người dân làng Bàu Trúc. Bản thân tôi động viên bà con làng nghề làm nhiều sản phẩm bền đẹp, xứng danh với di sản văn hóa phi vật thể nhân loại”, nghệ nhân Đàng Thị Hoa chia sẻ niềm vui. 

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.