Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Sóc Trăng: Niềm vui trên những cánh đồng nuôi tôm

Phương Nghi - 09:36, 12/03/2021

Hơn 10 năm qua, tỉnh Sóc Trăng xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó đi đầu là nghề nuôi tôm xuất khẩu. Nghề nuôi tôm từ quảng canh cải tiến đến công nghiệp và bán công nghiệp đã tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các nhà máy chế biến thủy sản, góp phần làm thay đổi “bộ mặt” của hàng chục xã ven biển.

Gia đình ông Trần Văn Khởi, ở ấp Prey Chóp B, xã Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu) thu hoạch vụ tôm thẻ.
Gia đình ông Trần Văn Khởi, ở ấp Prey Chóp B, xã Lai Hòa (thị xã Vĩnh Châu) thu hoạch vụ tôm thẻ.


Thị xã Vĩnh Châu là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh Sóc Trăng, với gần 25.000ha. Gia đình ông Trần Văn Khởi, ở ấp Prey Chóp B, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu có diện tích 4ha chia thành 11 ao đất để nuôi tôm. Ông Khởi chọn cách thức nuôi tôm ao đất 3 giai đoạn. Đây cũng là một trong những quy trình nuôi tôm được ngành Nông nghiệp khuyến cáo.

Ông Khởi cho biết: “Suốt 3 năm qua, tôi nuôi tôm ao đất 3 giai đoạn đều thành công. Để nuôi tôm ao đất thu về lợi nhuận tốt và giảm chi phí, giá thành đầu tư, cần phải áp dụng quy trình nuôi tôm 3 giai đoạn. Tôm thả nuôi thời gian tầm 3 - 3,5 tháng là thu hoạch, thả nuôi tôm 2 đợt/năm, sản lượng thu về hơn 41 tấn tôm, trừ hết chi phí lợi nhuận gần 2,5 tỷ đồng/năm/4ha”.

Hay gia đình ông Nguyễn Văn Đầy, ở ấp Mỹ Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề trúng mùa nuôi tôm nhờ công nghệ vi sinh đột phá. Đợt nuôi tôm thứ 2 năm 2020, ông thu lãi 200 triệu đồng. Đây là phương pháp nuôi tôm “nói không với kháng sinh” mà sử dụng những chế phẩm bổ sung là vi sinh, khoáng chất, vitamin, dinh dưỡng... Ông Đầy chia sẻ: “Trước đây, người nuôi tôm rất bị động, lúng túng khi ao nuôi xảy ra sự cố. Cách đây 2 năm, chúng tôi chuyển sang nuôi tôm theo công nghệ vi sinh đột phá, đã thấy được hiệu quả thật bất ngờ, năng suất tôm vượt trội và hầu như không thấy tôm bị bệnh”.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020, toàn tỉnh thả nuôi hơn 51.400ha (vượt gần 3% kế hoạch), trong đó tôm thẻ chân trắng hơn 37.000ha (chiếm 72%), tôm sú hơn 14.300ha, diện tích nuôi tôm nước lợ thâm canh và bán thâm canh chiếm hơn 94% và trong suốt mùa vụ nuôi. Tỷ lệ tôm thiệt hại được khống chế ở mức dưới 10% so với diện tích thả. Ước sản lượng đạt gần 188.000 tấn, cao hơn 24,8% so với cùng kỳ năm trước.

Những cánh đồng nuôi tôm ở Sóc Trăng hứa hẹn những vụ tôm bội thu
Những cánh đồng nuôi tôm ở Sóc Trăng hứa hẹn những vụ tôm bội thu

Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020 thắng lợi do tỉnh quản lý nuôi trồng thủy sản theo khung lịch thời vụ phù hợp với điều kiện môi trường, điều kiện nuôi của người dân. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được triển khai, nhân rộng. Đặc biệt, người dân đã chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào nuôi và có ý thức chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực thủy sản”.

Ông Trần Văn Phẩm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) đánh giá: “Hiện nay, đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng lượng tôm nguyên liệu còn tồn kho trên thế giới đã giảm, khiến giá tôm tăng rất cao. Ðây là cơ hội để ngành nuôi tôm của tỉnh Sóc Trăng có cơ hội phát triển”.

Với những giải pháp thiết thực, phù hợp, gắn với từng vùng nuôi cụ thể và sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc định hướng, đẩy nhanh xây dựng các công trình hỗ trợ, đã giúp vùng nuôi tôm của tỉnh ngày càng phát triển.