Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Sóc Trăng: Thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo

Phương Nghi - 11:59, 15/03/2021

Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, công tác giảm nghèo của tỉnh Sóc Trăng đã có những chuyển biến tích cực, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ nguồn vốn Chương trình 135, cơ sở hạ tầng nông thôn ở Sóc Trăng được đầu tư xây dựng khang trang
Từ nguồn vốn Chương trình 135, cơ sở hạ tầng nông thôn ở Sóc Trăng được đầu tư xây dựng khang trang

Huy động nhiều nguồn lực cho giảm nghèo

Tại tỉnh Sóc Trăng, 5 năm qua, các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (MTQGGNBV) đã phát huy hiệu quả tích cực. Trong giai đoạn 2016 - 2020, nguồn lực đầu tư cho Chương trình đã được nâng lên rõ rệt, với kinh phí triển khai thực hiện gần 479 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển trên 334 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 145 tỷ đồng.

Ngoài các nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước bố trí, Sóc Trăng luôn quan tâm và tập trung huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện tốt việc hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo; trợ cấp xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế, trợ cấp đột xuất cho các đối tượng…

Bên cạnh đó, với các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho vùng có đông bào dân tộc thiểu số sinh sống như: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí trên 83,6 tỷ đồng; hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên 23 tỷ đồng... Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh.

Ông Danh Sung, một nông dân Khmer ở ấp Trà Ông xã Viên Bình (huyện Trần Đề – Sóc Trăng), chăm sóc đàn bò sinh sản của gia đình. Anh được Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ vay 30 triệu đồng để mua hai con bò về nuôi. Ðến nay, gia đình anh đã 4 con bò thịt, thu nhập hằng năm bảo đảm cuộc sống gia đình và nuôi hai con học đại học.
Ông Danh Sung, một nông dân Khmer ở ấp Trà Ông xã Viên Bình (huyện Trần Đề – Sóc Trăng), chăm sóc đàn bò sinh sản của gia đình. Anh được Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ vay 30 triệu đồng để mua hai con bò về nuôi. Ðến nay, gia đình anh đã 4 con bò thịt, thu nhập hằng năm bảo đảm cuộc sống gia đình và nuôi hai con học đại học.

Theo bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình MTQGGNBV giai đoạn 2016 - 2020, Sóc Trăng thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người dân bằng nhiều hình thức. 

Hiện này, toàn tỉnh đã có 7 xã khu vực III được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (có 3 xã được công nhận hoàn thành Chương trình 135), 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần nâng xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới lên 50 xã. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều năm 2016 là 57.814 hộ (chiếm 17,89%)  giảm xuống còn 8.617 hộ (chiếm 2,66%) cuối năm 2020; số hộ nghèo dân tộc Khmer giảm từ 26,90% xuống còn 4,13%.

Vùng quê “khoác áo” mới

Đến Trà Ông, một trong những ấp đặc biệt khó khăn của xã Viên Bình, huyện Trần Đề, để cảm nhận sự đổi thay rõ rệt trong đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào Khmer nơi đây.  Ông Danh Sung, một nông dân người Khmer tại ấp đã thoát nghèo thành công nhờ vốn vay xóa đói, giảm nghèo do địa phương hỗ trợ. Ông Sung kể, trước kia, khi Chương trình 135 chưa “phủ sóng”, cuộc sống của người Khmer ở đây rất cơ cực. Bà con quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cuộc sống vẫn khó khăn.

“Sau khi “cơn gió lành” mang tên Chương trình 135 thổi vào những vùng DTTS nghèo  của xã Viên Bình, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi nội đồng được cải thiện. Cùng với sự vận động của chính quyền địa phương, đồng vốn xóa nghèo của Nhà nước, đồng bào Khmer ở ấp Trà Ông đã bắt tay chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thêm thu nhập”, ông Sung nói.

Nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiệu quả giúp đồng bào Khmer ở Sóc Trăng thoát nghèo bền vững
Nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiệu quả giúp đồng bào Khmer ở Sóc Trăng thoát nghèo bền vững

Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Nhân dân ấp Trà Ông, ông Kim Rông vui mừng kể: “Hiện tại, hộ nghèo của ấp chỉ còn 1,8%, hộ cận nghèo còn 2,6%, 98,5% hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”... Thành quả ấy đều bắt nguồn từ chủ trương giúp đỡ đồng bào xóa nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhà nước”.

Còn tại xã Lâm Kiết (huyện Thạnh Trị) phum sóc đã có nhiều khở sắc, cơ sở hạ tầng xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Nói về sự đổi thay của làng quê mình đang sống, ông Sơn Thương, ở ấp Kiết Lợi (xã Lâm Kiết, huyện Thạnh Trị) chia sẻ: “Khoảng 10 năm trở lại đây, đời sống bà con Khmer ở sóc này khá sung túc. Ấp Kiết Lợi được Nhà nước đầu tư các tuyến đường giao thông, đào kênh thủy lợi rộng khắp, có cả trạm bơm điện... Đặc biệt là người dân được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi cùng việc hỗ trợ cây, con giống từ các chương trình, dự án nên việc trồng trọt, chăn nuôi thuận lợi hơn”.

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích…Xung quanh vấn đề này Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.