Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Trà Vinh: Nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo

Kim Ngân - 16:49, 18/12/2020

Trà Vinh là một trong những địa phương có đồng đồng bào dân tộc Khmer ở khu vực Tây Nam bộ. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực tập trung đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, góp phần giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào Khmer của tỉnh.


Nông dân huyện Châu Thành, Trà Vinh chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa chuột, mang lại hiệu quả kinh tế cao Ảnh TL
Nông dân huyện Châu Thành, Trà Vinh chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa chuột, mang lại hiệu quả kinh tế cao Ảnh TL

Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ nghèo

Để thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo , trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Trà Vinh đã ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như: Nghị quyết hỗ trợ 30% mệnh giá mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, Nghị quyết hỗ trợ đất ở cho hộ nghèo, Kế hoạch hỗ trợ cho hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công, Kế hoạch hỗ trợ cho hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát triển sinh kế, đào tạo nghề, kết nối giải quyết việc làm...

Các chính sách ban hành đã góp phần tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận được đầy đủ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập; một số nhu cầu thiết yếu cơ bản được đáp ứng đã giúp người nghèo cải thiện một phần về điều kiện sống.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh gần 9.500 tỷ đồng; trong đó, đã triển khai xây dựng gần 600 công trình đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu, bảo dưỡng trên địa bàn huyện nghèo, xã, ấp đặc biệt khó khăn; triển khai thực hiện 432 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình hỗ trợ cho 6.634 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo hưởng lợi; hỗ trợ cho gần 182.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số… vay vốn ưu đãi với tổng doanh số cho vay hơn 3.000 tỷ đồng…

Trà Vinh cũng thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vận động quỹ an sinh xã hội, tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức phi Chính phủ đầu tư cho công tác giảm nghèo.

Bên cạnh đó, cùng với sự nỗ lực phấn đấu, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành trong tỉnh và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân nên tốc độ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã được đẩy nhanh, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 13,23% năm 2016 xuống còn 3,22% cuối năm 2019 (bình quân hàng năm giảm 2,50%), tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số từ 23,12% giảm xuống còn 5,94% (bình quân hàng năm giảm 4,17%; dự kiến tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 theo kết quả rà soát cuối năm 2020 còn 1,67%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 4%.

Nguồn vốn từ Chương trình giảm nghèo hỗ trợ bà con nuôi bò phát triển kinh tế. Ảnh TL
Nguồn vốn từ Chương trình giảm nghèo hỗ trợ bà con nuôi bò phát triển kinh tế. Ảnh TL


Tạo sinh kế giúp đồng bào thoát nghèo

Ông Kiên Banh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, một trong những hợp phần đầu tư mang lại hiệu quả cho đời sống đồng bào Khmer ở Trà Vinh là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn tỉnh đã đầu tư hỗ trợ đồng bào Khmer vay trồng trọt, chăn nuôi hơn 46 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn này, tỉnh đã triển khai 209 dự án và mô hình phát triển sản xuất, với 2.559 hộ được hỗ trợ. Các dự án, mô hình sản xuất đã giúp hộ đồng bào Khmer khó khăn tạo được sinh kế và nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững.

Bà Thạch Thị Dung, ấp Chông Nô I, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè là một hộ Khmer điển hình thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất. Gia đình bà Dung được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho vay 8 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình bà cải tạo 3.000 m2 đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng rau màu. Hơn 3 năm nay, nguồn thu từ rau màu trung bình mỗi tháng từ 3,5 - 4 triệu đồng.

Bà Dung phấn khởi cho biết, gia đình bà cũng như nhiều hộ đồng bào Khmer khác, rất vui khi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ vay vốn ưu đãi để sản xuất. Nhờ đó, hiện gia đình bà đã thoát nghèo và có cuộc sống sung túc hơn.

Cũng như gia đình bà Dung, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã được hỗ trợ phát triển sản xuất từ vốn Chương trình 135. Nhiều hộ đã vươn lên thoát khỏi danh sách hộ nghèo, góp phần giảm nhanh tỷ lệ nghèo của Trà Vinh.

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Quyết liệt giải quyết những vấn đề trọng tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC

Kiên Giang: Quyết liệt giải quyết những vấn đề trọng tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC

Tỉnh Kiên Giang đang tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách để giải quyết 4 vấn đề trọng tâm trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là chống khai thác IUU). Nỗ lực này không chỉ góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) mà còn là giải pháp để Kiên Giang cấu trúc lại nghề cá minh bạch, trách nhiệm và bền vững.