Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Xuân mới nơi bản làng vùng cao

Thúy Hồng - 10:50, 23/02/2021

Tết đến, Xuân về, có dịp rong ruổi trên những bản làng vùng cao mới có thể cảm nhận rõ niềm vui, những đổi thay rõ nét trong đời sống của đồng bào các DTTS. Những đổi thay đến từ hiệu quả của các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và từ chính nội lực của đồng bào…

Bà con dân tộc Mông ở bản Phiêng Cài, xã Loóng Sập, huyện Mộc Châu (Sơn La) thu hoạch lúa nương.
Bà con dân tộc Mông ở bản Phiêng Cài, xã Loóng Sập, huyện Mộc Châu (Sơn La) thu hoạch lúa nương.

Những ngày đầu Xuân mới, chúng tôi có dịp ghé thăm xã biên giới Loóng Sập, huyện Mộc Châu (Sơn La). Loóng Sập là xã biên giới, giáp với nước bạn Lào. Những năm trước đây, người dân chủ yếu trồng ngô, lúa nương và dong riềng. Trải qua nhiều năm canh tác, đất đai đã bạc màu, nên năng suất lúa, ngô không cao, đời sống của người dân luôn gặp khó khăn.

Nhưng đó là chuyện của trước đây, Loóng Sập nay đã đổi khác, giờ đây đường vào các bản đều được đổ bê tông phẳng lỳ. Ven đường vào bản là những vạt lúa nương xen lẫn những đồi chanh leo sai lúc lỉu. Ấn tượng hơn, trên nóc những căn nhà gỗ, nhà xây mới, những lá cờ đỏ sao vàng được bà con treo trang trọng bay phấp phới trong gió.

Trên đường vào bản Phiêng Cài, chúng tôi gặp anh Tráng A Của, vừa đi thu hái chanh leo về. Trong câu chuyện, anh Của cho biết: Những năm trước đây, gia đình anh chỉ trồng ngô, lúa, quanh năm thiếu ăn, cuộc sống rất khó khăn vất vả. Gần đây, nhờ được hỗ trợ cây giống, phân bón, được cán bộ Khuyến nông xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây chanh leo, gia đình anh đã chuyển đổi hơn 2.000m2 đất nương sang trồng chanh leo, đến nay đã cho thu hoạch, giá bán ra thị trường khoảng 20.000 đồng/kg. Từ cây trồng, vật nuôi, mỗi năm gia đình có thu nhập 80 - 90 triệu đồng.

Ông Lò Hải Yên, Chủ tịch UBND xã Loóng Sập phấn khởi nói: Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 30% năm 2016 xuống còn 10% vào cuối năm 2020, thu nhập bình quân đạt 25 triệu đồng/người/năm. Kết quả này, một phần là nhờ nguồn vốn từ các chương trình khuyến nông, Chương trình 135 đầu tư hỗ trợ...

Rời Loóng Sập, xuôi về xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn (Phú Thọ), chúng tôi được chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ ở bản người Mông Mỹ Á. Một thời Mỹ Á gần như tách biệt với bên ngoài vì giao thông trắc trở, nhiều hủ tục kéo dài… khiến cho cuộc sống của người dân đói nghèo cơ cực.

Niềm vui đã đến với đồng bào Mông kể từ ngày có con đường nối vào tận bản. Trưởng bản Mỹ Á Mùa A Chơ chia sẻ: “Bao đời nay bà con bản Mông mình chưa bao giờ nghĩ sẽ có một con đường như thế này. Bây giờ đi sướng cái chân, ưng cái bụng lắm”. Có đường, người dân được tiếp thêm động lực làm kinh tế, nhất là kinh tế đồi rừng. Mỹ Á hiện có gần 100/117 hộ trồng rừng. Gia đình có đất thì trồng keo, bồ đề... Kết hợp với kinh tế rừng, người dân còn tích cực đắp bờ, ngăn nước làm ruộng cấy lúa, bà con trong bản đủ lương thực ăn, không còn lo đói cơm như trước đây.

Cũng theo Trưởng bản Chơ, ngoài đường giao thông, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng điểm lẻ trường tiểu học, mầm non và nhà văn hóa để các cháu đi học, người dân có nơi sinh hoạt, giao lưu, góp phần nâng cao dân trí cho bà con…

Bản Phiêng Cài, xã Lóng sập hay Mỹ Á, xã Thu Cúc chỉ là 2 trong số hàng trăm, hàng nghìn bản làng vùng cao dọc dài đất nước đã và đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ. Thành quả này bắt đầu từ các chương trình, chính sách, dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 văn bản đề cập đến chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đã có khoảng 18.000 công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng với tổng nguồn vốn đầu tư trên 32.000 tỷ đồng. Nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của chính những người dân đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2020.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và gương khởi nghiệp trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và gương khởi nghiệp trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Tỉnh đoàn Thanh Hóa vừa phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội nghị Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024, tại Tp. Sầm Sơn. Tham dự Hội nghị có 300 cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.