Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Sóc Trăng: Tiếp tục ưu tiên phát triển toàn diện vùng DTTS

Như Tâm - 17:28, 12/08/2024

Sau 05 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ III – năm 2019, từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, tỉnh Sóc Trăng đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc; diện mạo nông thôn, vùng DTTS của tỉnh đã thay đổi rõ nét; đời sống của người dân được nâng lên một bước. Từ những kết quả đã đạt được, Sóc Trăng xác định, tiếp tục ưu tiên phát triển toàn diện, bền vững vùng DTTS của tỉnh.

Sóc Trăng: Tiếp tục ưu tiên phát triển toàn diện vùng DTTS
Vùng DTTS của tỉnh Sóc Trăng hiện có 34 xã đạt chuẩn NTM; 05 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. (Ảnh tư liệu)

Phát triển toàn diện

Nằm ở cuối nguồn sông Hậu, Sóc Trăng là tỉnh có tỷ lệ đồng bào DTTS cao nhất khu vực Nam bộ, là địa phương có số lượng đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhiều nhất cả nước. Số liệu tổng hợp phục vụ Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Sóc Trăng lần thứ IV – năm 2024 cho thấy, toàn tỉnh hiện có 119.000 hộ là người DTTS, chiếm 35,45% dân số toàn tỉnh; trong đó dân tộc Khmer chiếm 30,19%, dân tộc Hoa chiếm 5,22%; các DTTS khác chiếm 0,04%.

Theo ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Sóc Trăng lần thứ IV – năm 2024, tỉnh Sóc Trăng luôn xác định thực hiện chính sách dân tộc chính là thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, là nhiệm vụ lâu dài và liên tục. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn đặc biệt quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc; qua đó tạo sự chuyển biến khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực ở vùng DTTS của tỉnh.

Hiện 100% xã vùng DTTS tỉnh Sóc Trăng đã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% các xã trên địa bàn tỉnh đều có trường, lớp học kiên cố và duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học. Toàn tỉnh hiện có 5/10 trường Phổ thông Dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT ở các trường phổ thông DTNT trong nhiều năm liền đạt 100% và tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào học đại học, cao đẳng trên 70% tổng số học sinh dân tộc Khmer học ở các trường phổ thông DTNT.

Một trong những dấu ấn của Sóc Trăng trong lĩnh vực công tác dân tộc, là kết quả giảm nghèo nhanh, bền vững ở vùng DTTS của tỉnh. Kết quả rà soát của Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Sóc Trăng lần thứ IV – năm 2024 cho thấy, so với năm 2021, đến hết năm 2023, toàn tỉnh giảm được 6.545 hộ nghèo DTTS, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025.

Đây là một thành tựu rất ấn tượng của Sóc Trăng. Bởi, cách đây 05 năm, báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Sóc Trăng lần thứ III – năm 2019 cho thấy, chiếu theo bộ tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh có 27.154 hộ nghèo, chiếm 8,40%. Trong đó, có 13.013 hộ nghèo người dân tộc Khmer, 592 hộ nghèo dân tộc Hoa,... Đó là chưa kể, toàn tỉnh còn 15.250 hộ cận nghèo người dân tộc Khmer, 932 hộ cận nghèo dân tộc Hoa...

Cùng với kết quả giảm nghèo ấn tượng, thì diện mạo nông thôn vùng DTTS của tỉnh Sóc Trăng cũng đã thay đổi rõ nét. Theo ông Lâm Hoàng Mẫu - Phó trưởng Ban phụ trách điều hành Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án từ ngân sách nhà nước, vùng DTTS của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới (NTM). 

Giai đoạn 2019 – 2024, toàn tỉnh có thêm 38 xã đạt chuẩn NTM, 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 02 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 04/10 huyện, thị xã đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

“Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 70/80 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 34 xã vùng DTTS; trong 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao có 05 xã vùng DTTS; trong 02 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu thì có 01 xã vùng DTTS”, ông Mẫu cho biết.

Sóc Trăng: Tiếp tục ưu tiên phát triển toàn diện vùng DTTS 1
Cùng với đầu tư cơ sở trường lớp, tỉnh Sóc Trăng đã quan tâm triển khai kịp thời chế độ, chính sách hỗ trợ học tập cho học sinh người DTTS. (Trong ảnh: Khu nội trú của Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương được đầu tư đáp ứng nhu cầu ăn ở, học tập của các học sinh - Ảnh tư liệu)

Song song với những thành tựu về kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế,... ở vùng DTTS của tỉnh Sóc Trăng cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Chỉ riêng lĩnh vực văn hóa, giai đoạn 2019 – 2024, di sản văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát huy.

Đến nay, toàn tỉnh có 06 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của đồng bào DTTS; 02 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và 14 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (trong đó có 08 chùa Phật giáo Nam tông Khmer và 06 công trình kiến trúc văn hóa của đồng bào dân tộc Hoa).

Đột phá từ chính sách

Theo ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Sóc Trăng lần thứ IV – năm 2024, so với các địa phương trong khu vực, Sóc Trăng là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn hơn. 

Đến cuối năm 2023, 100% xã vùng DTTS của tỉnh Sóc Trăng có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; khoảng 80% khóm, ấp có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% xã, phường, thị trấn có trụ sở làm việc; 88,1 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa và 55,2% khóm, ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng DTTS.

Riêng giai đoạn 2021 – 2025, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sóc Trăng có 17 xã khu vực III; ngoài ra, toàn tỉnh có 775 khóm, ấp đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

“Vì vậy, các Chương trình mục tiêu quốc gia là một trong những nguồn lực góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, của vùng DTTS nói riêng. Các chính sách an sinh xã hội khác cũng là nguồn lực giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS trên địa bàn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo”, ông Khởi khẳng định.

Phải khẳng định rằng, sự thay đổi rõ nét ở vùng DTTS tỉnh Sóc Trăng xuất phát từ các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước. Về cơ sở hạ tầng, giai đoạn 2019 - 2024, vùng DTTS của tỉnh đã được đầu tư xây dựng 399 công trình và duy tu, bảo dưỡng 207 công trình. Đồng thời, tỉnh đã hỗ trợ cho 1.571 hộ DTTS nghèo, cận nghèo tham gia các dự án đa dạng hóa sinh kế; hỗ trợ 434 hộ DTTS nghèo, cận nghèo tham gia các dự án phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho 33.159 hộ DTTS nghèo, cận nghèo.

Tỉnh Sóc Trăng đang tập trung hỗ trợ giải quyết các vấn đến cấp bách ở vùng DTTS từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719. (Trong ảnh: Hỗ trợ nhà ở cho hộ dân tộc Khmer theo Dự án 1, tại xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành)
Tỉnh Sóc Trăng đang tập trung hỗ trợ giải quyết các vấn đến cấp bách ở vùng DTTS từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719. (Trong ảnh: Hỗ trợ nhà ở cho hộ dân tộc Khmer theo Dự án 1, tại xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành)

Riêng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2030, từ năm 2022 đến năm 2024, tỉnh Sóc Trăng đã được phân bổ 1.030,878 tỷ đồng để triển khai đồng bộ các dự án thành phần. Tính đến ngày 31/3/2024, tỉnh đã đầu tư xây dựng 171 công trình và duy tu bảo dưỡng trên 50 công trình; hỗ trợ đất ở cho 249 hộ, nhà ở cho 1.923 hộ, chuyển đổi nghề cho 4.607 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 958 hộ; triển khai trên 67 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng;...

“Với sự đầu tư đó, bộ mặt nông thôn ở các xã vùng DTTS của tỉnh đã khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; tạo điều kiện cho đồng bào DTTS được hưởng thụ văn hóa, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe; chất lượng nguồn nhân lực nâng lên; năng lực sản xuất nâng dần, hình thành mô hình làm ăn hiệu quả”, ông Khởi cho biết.

Những thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục,... ở vùng DTTS của tỉnh góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; vững sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từ đó củng cố thêm niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước.

Sóc Trăng: Tiếp tục ưu tiên phát triển toàn diện vùng DTTS 3
Lễ hội Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng là một trong 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của đồng bào DTTS tỉnh Sóc Trăng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận

“Kết quả phát triển ở vùng DTTS của tỉnh đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng đối với công tác dân tộc, sự đầu tư nguồn lực có hiệu quả của Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ngày càng sát với thực tiễn và thể hiện sự vận dụng chính sách dân tộc năng động, có hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền địa phương; sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc, sự đồng tình ủng hộ của người dân trong tỉnh và sự hỗ trợ của các cấp, các ngành chung trong cả nước”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi khẳng định.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND Sóc Trăng, tuy đã có bước phát triển so với trước, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế,... ở vùng DTTS của tỉnh đã được cải thiện đáng kể, nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn ở mức thấp, có lĩnh vực được nâng lên nhưng chưa bền vững; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao; về xã hội vẫn còn tiềm ẩn các yếu tố bất lợi, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội từng lúc, có nơi vẫn còn nảy sinh bất cập... Vì vậy, tỉnh Sóc Trăng xác định phát triển toàn diện, bền vững vùng DTTS là nhiệm vụ trong tâm, thương xuyên của cả hệ thống chính trị của tỉnh.

Tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn vùng DTTS của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã được nâng cấp nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 90% đường giao thông khóm, ấp được cứng hóa, 99% số hộ vùng đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác,... Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng phấn đấu đến năm 2025, giải quyết trên 90% tình trạng thiếu đất ở, nhà ở cho hộ nghèo đồng bào DTTS; thu nhập bình quân của người DTTS trên địa bàn đạt từ 70 triệu đồng trở lên.