Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Lễ Panh Kom San Srok của đồng bào Khmer

Phương Nghi - 17:29, 08/07/2024

Lễ Panh Kom San Srok (Lễ cầu an) của đồng bào dân tộc Khmer, được diễn ra vào những ngày sau Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, tức vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 Âm lịch. Tuy không phải là ngày lễ lớn, nhưng Lễ cầu an đã thể hiện được nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer sinh sống lâu đời tại vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.

Lễ bái Tam bảo và thỉnh các sư mở khóa kinh cầu an, nghi thức quan trọng nhất trong ngày Lễ Panh Kom San Srok
Lễ bái Tam bảo và thỉnh các sư mở khóa kinh cầu an, nghi thức quan trọng nhất trong ngày Lễ Panh Kom San Srok

Hằng năm, đồng bào Khmer tổ chức Lễ Panh Kom San Srok, một loại hình tín ngưỡng dân gian đặc sắc mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer. Ông Sơn Sương, A cha chùa Phnor Kom Pôt, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Tín ngưỡng dân gian Lễ Panh Kom San Srok không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của người Khmer, mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer, thể hiện niềm tin của con người vào thiên nhiên, thể hiện tính cộng đồng cao là yếu tố liên kết, tập hợp cư dân trong phum sóc”.

Lễ Panh Kom San Srok thường được tổ chức trong 2 ngày đêm, bao gồm các nghi thức như thỉnh các vị sư đi sớt bát theo từng hộ gia đình để cầu siêu, cầu an cho gia đình được mạnh khỏe, hạnh phúc; thỉnh chư thiên, mời các vị sư đọc kinh cầu an, để tế các vị thần bảo vệ đất đai và làm lễ gọi hồn lúa để cầu cho mùa màng được bội thu; cuối cùng là nghi thức thả đèn gió để mong ước nhiều điều may mắn, suôn sẻ, an vui đến mọi nhà...

Để chuẩn bị cho lễ cầu an, người dân cung kính chuẩn bị lễ vật từ nhà, bái chư thiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Để chuẩn bị cho Lễ cầu an, người dân cung kính chuẩn bị lễ vật từ nhà, bái chư thiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu

Để chuẩn bị cho ngày Lễ Panh Kom San Srok ở phum sóc, vào ngày cuối cùng của Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, những Người có uy tín trong phum sóc ngồi lại chọn ngày tốt và thông báo cho mọi người biết thời gian và địa điểm tổ chức Lễ cầu an. 

Ông Lâm Chi ở ấp Cà Săng, xã Vĩnh Châu, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng là Người có uy tín trong đồng bào Khmer nói: “Trước ngày Lễ, Ban Tổ chức họp bàn cách tổ chức như chi phí bao nhiêu rồi phân công người đi vận động người dân đóng góp. Thanh niên trong phum sóc thì tập trung lại chặt cây dựng rạp ngoài đồng ruộng để làm nơi tổ chức Lễ. Còn các hương thân phụ lão thì lo việc tâm linh như chuẩn bị bàn thờ Phật, nơi dành riêng cho các sư, nơi biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian, đồng thời chuẩn bị hoa đăng, nhang đèn để phục vụ ngày hội...”.

Lễ Panh Kom San Srok là dịp để người dân phum sóc gặp gỡ, thăm hỏi sức khỏe, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và đóng góp an sinh xã hội ở địa phương.
Lễ Panh Kom San Srok là dịp để người dân trong phum sóc gặp gỡ, thăm hỏi sức khỏe, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và đóng góp an sinh xã hội ở địa phương

Ngoài ra, trong dịp Lễ còn mời đoàn nghệ thuật Khmer đến biểu diễn, làm cho ngày Lễ thêm phần rộn ràng cùng các trò chơi dân gian giải trí mang đậm nét văn hóa của dân tộc Khmer. Mấy năm gần đây, Lễ Panh Kom San Srok của đồng bào dân tộc Khmer đã được lược bớt những nghi thức rườm rà, tốn kém nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của đồng bào Khmer.

Tin cùng chuyên mục
Trống bỏi - Món đồ chơi Trung thu đang đi vào quá vãng...

Trống bỏi - Món đồ chơi Trung thu đang đi vào quá vãng...

Trống bỏi từng là món đồ chơi Trung thu không thể thiếu trong ký ức của biết bao trẻ em miền Bắc… Thế nhưng, ngày hôm nay trên chính “quê hương” của món đồ chơi giản dị ấy, tại làng nghề Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) chỉ duy nhất ông Nguyễn Đức Hưởng còn tiếp nối và duy trì nghề làm trống.