Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Sôi nổi hội thi Trai tài - Gái đảm

Huỳnh Đại - Nguyễn Triều - 19:11, 17/03/2022

Sáng 17/3, tại Khu du lịch sinh thái Măng Đen, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Kon Tum phối hợp cùng Cục văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) và Sở VHTT&DL các tỉnh đã tổ chức hội thi Trai tài - Gái đảm và triển lãm các sản phẩm OCOP của tỉnh Kon Tum. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động của Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên mở rộng lần thứ III.

Du khách tham quan, nếm thử đặc sản của tỉnh Đăk Nông mang đến tham gia hội thi
Du khách tham quan, nếm thử đặc sản của tỉnh Đăk Nông mang đến tham gia hội thi

Tại Chương trình, các đoàn đã đem đến cho du khách những mâm cơm đặc sắc với món ăn truyền thống, độc đáo của từng dân tộc. Các món như cơm lam, gà nướng, lá mì xào… khiến nhiều người chỉ mới thưởng thức một lần cũng nhớ được hương vị, nét đặc trưng của nó.

Ông Trần Hải Quang, Trưởng đoàn văn hóa nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang cho biết, đây là lần thứ hai Tuyên Quang tham gia lễ hội này. Đến với hội thi, đoàn Tuyên Quang có 22 người, hầu hết là nghệ nhân, nghệ sĩ, giới thiệu và phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc của tỉnh. Tham gia, giao lưu văn hóa truyền thống dân tộc tại tỉnh Tuyên Quang với các tỉnh khác, so với lần trước thì năm nay có nhiều hoạt động văn hóa, tạo ra nhiều sân chơi văn hóa truyền thống.

Các đoàn tham gia chuẩn bị trang trí cho các món ăn của đoàn
Các đoàn tham gia chuẩn bị trang trí cho các món ăn của đoàn

“Chúng tôi mong muốn ban tổ chức cần có nhiều sự đổi mới hơn nữa để lực lượng tham gia đông hơn. So với lễ hội lần thứ II thì lần thứ III này đông hơn, các nội dung phong phú hơn”, ông Quang cho biết.

Đoàn nghệ nhân Lâm Đồng mang đến hội thi năm nay với món ăn truyền thống của dân tộc Co. Ông K’Thế, nghệ nhận thuộc đoàn Lâm đồng chia sẻ: Tôi rất may mắn, phấn khởi khi được tham gia lễ hội. Lễ hội này mang ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa, giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước biết tới, được xem và biểu diễn nhiều tiết mục văn hóa dân tộc.

Các gian hàng OCOP hút khách tham quan, du lịch
Các gian hàng OCOP hút khách tham quan, du lịch

“Tôi là một người nghệ nhân, nên tôi rất mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ về việc bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống dân tộc như đan, lát, dệt thổ cẩm và nhiều loại hình văn hóa khác, đặc biệt là cồng chiêng”, ông K’Thế chia sẻ.

“Trai tài - Gái đam” không chỉ là một hội thi, mà còn là nơi để các nghệ nhân, nghệ sĩ giao lưu và học hỏi lẫn nhau, được trao đổi các kiến thức và các phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc các tỉnh khác trên đất nước Việt Nam.

Sôi nổi hội thi vật tay của các nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia Liên hoan
Sôi nổi hội thi vật tay của các nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia Liên hoan

Theo ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL), Việt Nam có nhiều di sản, không chỉ di sản văn hóa phi vật thể, mà có nhiều di sản văn hóa vật thể và ẩm thực là một trong số đó. "Cộng đồng các dân tộc Việt Nam có nền ẩm thực rất phong phú, đa dạng, gắn liền với đời sống, sinh hoạt, lao động, sản xuất của người dân. Đây là dịp để các dân tộc anh em học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, thắt chặt hơn tình đoàn kết giữa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên nói riêng, 54 dân tộc anh em của cả nước nói chung”, ông Trung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các gian hàng OCOP của 11 huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum được trưng bày với mẫu mã đẹp mắt, thu hút nhiều khách tham quan, du lịch và mua sắm. Cũng trong sáng nay, đã diễn ra nhiều hội thi như kéo co, bắn nỏ và vật tay, thu hút đông đảo các nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia và Nhân dân đến cổ vũ.

Tin cùng chuyên mục
Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Lễ Cấp sắc là nghi lễ thể hiện nhân sinh quan, tín ngưỡng, văn hóa của người Dao. Trong đó, “đặt tên âm và lên đèn” là một trong những nghi thức rất quan trọng, khi đó người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.