Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Sơn Dương (Tuyên Quang): Đào tạo nghề gắn với chuyển giao KH-KT trong sản xuất nông nghiệp để giảm nghèo bền vững

Việt Hà - 07:55, 09/12/2023

Thời gian qua, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo. Trong đó, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giúp thu nhập của người dân được cải thiện và nâng cao, tạo nền tảng để giảm nghèo bền vững.

Triển vọng những mô hình trồng trọt mới ở Tuyên Quang
Những mô hình sản xuất nông nghiệp mới ở Tuyên Quang là nền tảng để giảm nghèo bền vững

Làm giàu từ việc đổi mới mô hình sản xuất

Trước đây, theo cách chăm sóc truyền thống, đồi chè rộng hơn 4 ha của gia đình anh Nguyễn Mạnh Thắng, thôn Trung Long, xã Trung Yên chỉ cho thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 11 âm lịch, rồi phải đốn cành, tạo tán chờ lứa chè Xuân. Kể từ năm 2018 đến nay, gia đình anh Thắng đã chủ động học hỏi, ứng dụng công nghệ tưới phun mưa cho chè. Phương pháp này vừa đảm bảo độ ẩm cho cây, vừa giúp giảm thiểu lượng nước tưới trong mùa khô, qua đó giúp anh Thắng và các hộ trồng chè ở địa phương chủ động được quá trình tưới tiêu.

Nhờ vậy, năng suất chè ở Trung Yên được cải thiện đáng kể, đạt bình quân 90-100 tấn/ha/năm, cao hơn 20% so với trước, lại tiết kiệm 30% lượng nước tưới, giảm 30% chi phí chăm sóc. Chè có chất lượng cao nên giá cao hơn, chưa kể vụ chè trái vụ cũng giúp thu nhập gia tăng đáng kể.

Gia đình anh Phạm Trung Đức, thôn Cảy, xã Minh Thanh (Sơn Dương) cũng đã mạnh dạn thay đổi cách làm cũ, ứng dụng khoa học vào sản xuất. Trước kia, việc trồng chè theo mô hình thủ công, khi trồng và chăm sóc đều tốn nhiều công, phải gánh từng xô nước tưới, khi thu hoạch chè, đôi tay bám nhựa xanh lè…

Với suy nghĩ đổi mới của tuổi trẻ, anh Đức đã tìm hiểu thông tin và đi nhiều nơi, tìm đến nhiều mô hình trồng chè ứng dụng công nghệ cao để học hỏi. Sau đó, anh bàn với gia đình đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất, ứng dụng kĩ thuật cao để thay đổi cách làm truyền thống. Nhờ vậy, năng năng suất chè tăng lên đáng kể, đạt từ 14 đến 16 tấn/ha.

Không chỉ ứng dụng máy móc, kĩ thuật công nghệ vào trồng trọt, anh Đức còn giúp gia đình thay đổi hoàn toàn phương pháp canh tác chè từ trồng, sản xuất chè truyền thống sang theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Hiện mô hình trồng và sản xuất chè của gia đình anh Đức tạo việc làm thời vụ cho từ 10 đến 20 lao động địa phương với mức thu nhập từ 200 đến 300 nghìn đồng/người/ngày.

Không chỉ ứng dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất chăn nuôi, mô hình áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cũng được nông dân ở Tuyên Quang tích cực hưởng ứng và đem lại nhiều kết quả, tín hiệu đáng mừng.

Từ nhiều năm nay, gia đình anh Lê Văn Cảnh, thôn Gò Hu, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương và người dân trong thôn gắn bó với nghề trồng rau và đây là nguồn thu chính của bà con. Gia đình anh Cảnh trồng 3 sào rau bắp cải, tương đương 3.000 cây. Kể từ khi tham gia mô hình IPM trên cây rau, anh học được nhiều kiến thức, kinh nghiệm làm nông nghiệp tốt như nắm chắc hơn cách kiểm soát chất lượng cây giống, biết điều chỉnh cách chăm sóc phòng trừ sâu bệnh. Cùng với đó, nông dân cũng tăng cường việc sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ, giảm bón phân hóa học; kiểm tra sâu bệnh hại đến ngưỡng mới thực hiện phun thuốc, qua đó giảm được số lượng phun, việc chọn thuốc bảo vệ thực vật cũng đảm bảo an toàn.

Do đảm bảo an toàn thực phẩm nên sản phẩm của gia đình anh được thị trường đón nhận với giá từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg, thu về 28 triệu đồng, trừ các khoản chi phí anh còn lãi gần 20 triệu đồng. Những năm tiếp theo, anh Cảnh cho biết sẽ tiếp tục vận động bà con trong thôn trồng rau màu áp dụng mô hình IPM...

Những năm qua, huyện Sơn Dương đẩy mạnh tăng cường phát triển mô hình trồng trọt công nghệ cao, đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét cho bà con nông dân trên địa bàn huyện
Những năm qua, huyện Sơn Dương chú trọng phát triển mô hình trồng trọt công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Huyện Sơn Dương có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm là nhiệm vụ hết sức quan trọng, giúp nâng cao thu nhập, đời sống người dân được cải thiện, xoá đói giảm nghèo bền vững, huyện Sơn Dương đã ban hành, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và có chính sách hỗ trợ người lao động nên đã từng bước mang lại hiệu quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Chẳng hạn như việc tổ chức các lớp đào tạo nghề giúp cho người dân trang bị thêm những kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả trong sản xuất và phát triển bản thân ổn định cuộc sống cho gia đình góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống.

Từ năm 2011 đến nay, huyện đã đào tạo nghề cho gần 5.000 lao động nông thôn, sau học nghề, hầu hết lao động nông thôn đã tìm được việc làm phù hợp; một số lao động nông thôn đã áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật đã học để phát triển kinh tế, tự tạo việc làm nâng cao thu nhập với những mô hình như: Mô hình hộ gia đình phát triển chăn nuôi ở các xã: Ninh Lai, Đại Phú, Đông Thọ, Tam Đa, Phúc Ứng, Tuân Lộ...mô hình trồng nấm sạch ở xã Bình Yên; Đồng Quý, Chi Thiết, Sầm Dương, Thượng Ấm... mô hình phát triển cây công nghiệp ở xã Minh Thanh, Phúc Ứng, Vân Sơn, Văn Phú….từ đó, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương.