Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Sơn La: Giải pháp cho quả mận rớt giá do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19

Văn Hoa - 16:55, 15/05/2021

Năm nay, thời tiết thuận lợi nên tại Sơn La, cây mận được mùa. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mận không xuất khẩu sang các nước được nên các thương lái không thu mua, giá thành quá thấp nên người dân không thu hoạch mà để mận chín rơi đỏ gốc hoặc hái cho trâu bò ăn.

Anh Lò Văn Miên, bản Lề, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu (Sơn La) cho biết năm nay mận được mùa nhưng mất giá.
Anh Lò Văn Miên, bản Lề, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu (Sơn La) cho biết năm nay mận được mùa nhưng mất giá.

Trước đây, gia đình anh Lò Văn Bua, ở xã Tông Cọ (huyện Thuận Châu) chủ yếu trồng ngô, quanh năm vất vả mà thu nhập chẳng là bao. Thấy nhiều gia đình khác trồng mận mang lại hiệu quả nên năm 2016, anh quyết định trồng 200 cây mận trên diện tích khoảng 6.000m2 đất vườn. 

Hai vụ đầu tiên bán được giá 15 - 18 nghìn/kg nên gia đình anh thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Nhưng năm 2020 và vụ năm nay, do dịch bệnh nên không có thương lái đến mua hoặc mua rất rẻ.

Anh Bua nhẩm tính, mận cơm (mận Tam Hoa), hiện thương lái ép giá chỉ 1 nghìn đồng/kg, nếu tính công đi hái hoặc thuê nhân công không bõ nên anh cứ để cho mận rụng đỏ cả gốc cây. Còn giống mận hậu chỉ có giá 4 - 6 nghìn đồng/kg, có thu hoạch cũng không bù lại tiền phân bón. Hiện anh Bua dự định chặt bỏ một phần cây mận để chuyển sang trồng cây cà phê với mong muốn ổn định hơn.

Tương tự gia đình chị Quàng Thị Ngọc, bản Chậu Cọ (TP. Sơn La) cũng đang đứng ngồi không yên vì mận rớt giá thê thảm. Trước đây, thấy trồng cây ngô không có giá trị kinh tế cao, chị Ngọc đã quyết định vay 300 triệu đồng để chuyển đổi sang trồng 6 ha mận. 

Trung bình mỗi năm gia đình chị bỏ ra hơn 100 triệu đồng chi phí tiền phân bón, diệt trừ sâu bệnh. Hai năm đầu khi mận được giá, chị cũng thu về được ít vốn. Nhưng năm 2020 và năm nay giá mận rớt thảm hại. Đặc biệt, cả vụ mận cơm chỉ bán được mấy trăm nghìn đồng. 

"Thương lái ép giá rẻ, thậm chí còn không có người thu mua, thuê nhân công hái càng lỗ hơn. Bán cũng không được mà hái cũng không xong, nhìn vườn mận chín rụng đầy gốc thật xót xa. Tình hình dịch bệnh cứ kéo dài như thế này, gia đình cũng phải tính đến kế sản xuất khác, nếu không nợ cũ chưa trả xong , lại phải nợ mới”, chị Ngọc than thở.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mọi năm, vào thời điểm này, mận cơm có giá dao động từ 10 - 20 nghìn đồng/ kg, có khi lên đến 30 nghìn đồng (gấp 10- 30 lần giá hiện tại); mận hậu có giá từ 15- 30 nghìn đồng/kg. 

Giá mận thấp do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mận không xuất khẩu sang các nước được nên các thương lái không thu mua, khiến cho giá thành mận xuống quá thấp nên người dân không thu hoạch mà để mận chín rơi đỏ gốc, hoặc hái cho trâu bò ăn. Tuy nhiên, tình trạng "được mùa, mất giá", một phần cũng là do bà con trồng tự phát. 

Ông Lò Văn Hoan, Phó Chủ tịch xã Tông Cọ, cho biết: Mận không phải là cây chủ lực của xã, nhưng bà con thấy hiệu quả kinh tế, nên khoảng 3 năm nay, nhiều hộ đã trồng tự phát đại trà thay cây ngô. Những năm trước, có gia đình bán mận thu được hơn 150 triệu đồng/vụ. Từ đó, ngoài trồng cây cà phê, cây ngô, bà con chuyển sang trồng mận.

Được biết, diện tích trồng mận của xã Tông Cọ hiện đã lên tới 156,78 ha. Trồng tự phát, không có thị trường tiêu thụ ổn định, đã khiến sản phẩm của bà con làm ra bị thương lái ép giá, nhất là trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh bùng phát.

Trước tình tình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, để hỗ trợ người dân, trước mắt, chính quyền các vùng trồng mận trên địa bàn tỉnh Sơn La cần chủ động kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Đặc biệt là thị trường nội địa. Bởi hiện nay, giá mận tại các cửa hàng, siêu thị, tại các chợ Hà Nội và các tỉnh thành khác hiện vẫn rất cao, dao động từ 30- 60 nghìn đồng/ kg. Điều đó cho thấy, công đoạn đưa mận từ người nông dân tới người tiêu thụ còn nhiều bất cập, hạn chế.

Về lâu dài, cần khuyến nghị bà con tuân thủ quy hoạch cây trồng vật nuôi thế mạnh của địa phương, tránh tình trạng trồng tự phát như thời gian qua. Ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến mận rớt giá, cũng chính là bài học kinh nghiệm mà người nông dân nói chung, người trồng mận ở Sơn La phải đón nhận, từ đó thay đổi tư duy, không chủ quan khi chuyển đổi cây trồng một cách tự phát.

(Nội dung tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)


Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.