Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Giải pháp triệt tiêu những cuộc “giải cứu” nông sản

Sỹ Hào - 10:17, 26/08/2020

Để nông dân có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp, việc hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản có ý nghĩa rất quan trọng. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp cũng như chính quyền các địa phương phải xây dựng một chiến lược với những giải pháp phù hợp.

Mùa vải thiều bội thu trong khó khăn do dịch bệnh.
Mùa vải thiều bội thu trong khó khăn do dịch bệnh.

Khơi thông dòng chảy vùng biên

Mường Khương là “vựa dứa”, “vựa chuối” của tỉnh Lào Cai nói riêng, của khu vực Tây Bắc nói chung. Vùng trồng tập trung ở các xã biên giới như: Bản Lầu, bản Xe, Lùng Vai… Từ giữa tháng 3 đến trung tuần tháng 4/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất, cũng là lúc người dân huyện Mường Khương bước vào vụ thu hoạch dứa, chuối.

Lâu nay, “đầu ra” của hai nông sản chủ lực này ở Mường Khương chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Nhưng năm nay, do dịch bệnh, việc tiêu thụ qua đường tiểu ngạch bị gián đoạn.

Ấy vậy, hai nông sản chủ lực của huyện Mường Khương không ùn ứ. Nông dân ở các địa bàn giáp biên không phải khóc ròng vì dứa, chuối chín rũ trên nương. Thay vì đưa ra khu vực biên giới bán cho tư thương nước bạn, những chuyến xe chở đầy dứa, chuối từ Mường Khương đã về các tỉnh miền xuôi và vào các nhà máy chế biến.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp huyện Mường Khương, đến cuối tháng 4, người dân trong huyện đã thu hoạch và tiêu thụ được hơn 7.000 tấn chuối quả, giá trị đạt hơn 45 tỷ đồng; gần 15.000 tấn dứa quả, trị giá 57,7 tỷ đồng. Giá trị thu về từ hai nông sản này dù có thấp hơn các năm trước, nhưng cũng là kết quả tích cực trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh.

Theo đánh giá của UBND huyện Mường Khương, để khơi thông dòng chảy cho các nông sản trong điều kiện dịch bệnh, huyện đã chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Huyện đã tăng cường thông tin, kết nối, duy trì mối liên kết để bảo đảm ổn định sản xuất; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, mở rộng và tìm kiếm thị trường cả trong và ngoài nước.

Kích cầu nội địa

Khác với cây dứa, cây chuối của huyện Mường Khương thu hoạch vào đúng thời điểm dịch Covid-19 phức tạp nhất, cây vải thiều ở tỉnh Bắc Giang thu hoạch vào tháng 6, thời điểm dịch ở nước ta và một số nước trên thế giới lắng xuống. Đường xuất khẩu chính ngạch cũng như tiểu ngạch rộng mở đã đem lại cho nông dân một vụ mùa bội thu.

Theo số liệu của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, vụ vải thiều năm 2020 khép lại với tổng sản lượng đạt gần 165.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với vụ trước. Doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ năm nay đạt khoảng 6,9 nghìn tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với vụ vải năm 2019.

Điểm mới nữa ở vụ vải thiều năm 2020 là thị trường xuất khẩu đã được mở rộng hơn. Ngoài thị trường quen thuộc là Trung Quốc, Thái Lan… thì năm nay, hơn 200 tấn vải lần đầu được xuất khẩu sang Nhật Bản.

Để có được mùa vải bội thu trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, tỉnh Bắc Giang đã làm tốt khâu kết nối thị trường. Năm nay, lần đầu tiên UBND tỉnh đã chủ động tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều quy mô lớn với 63 điểm cầu trên cả nước và 4 điểm cầu ở 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Châu (Trung Quốc) - thị trường tiêu thụ lớn nhất vải thiều Bắc Giang.

Việc UBND tỉnh Bắc Giang tích cực hỗ trợ nông dân kết nối thị trường đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong vụ vải năm nay. Nhưng thử đặt vấn đề, nếu vải thiều không phải thu hoạch trong tháng 6 mà thu hoạch từ giữa tháng 7, thời điểm dịch Covid-19 quay trở lại, thì liệu người trồng vải Bắc Giang có được “hái quả ngọt” từ xuất khẩu vải thiều?

Chắc chắn việc xuất khẩu sẽ rất khó khăn, khi các cửa khẩu bị đóng cửa. Do đó, về lâu dài, vải thiều cũng như những nông sản khác, bên cạnh con đường xuất khẩu thì cần chiếm lĩnh thị phần trong nước. “Không để trứng vào một giỏ” chính là giải pháp triệt tiêu những cuộc “giải cứu” nông sản đã xảy ra triền miền trong những năm qua.