Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Sơn La: Nâng cao kiến thức nhãn khoa học đường

PV - 10:58, 18/12/2018

Thống kê của Bệnh viện Mắt tỉnh Sơn La, toàn tỉnh hiện có khoảng 265. 000 học sinh THCS và THPT, trong đó có đến 20 % các em bị mắc các bệnh về khúc xạ như: cận thị, viễn thị, loạn thị và lệch khúc xạ... trong số này, trẻ bị cận thị đang chiếm tỷ lệ cao hơn cả.

Sơn La Bác sĩ của Chương trình Childsight đang khám mắt cho các em học sinh Trường THCS Quyết Thắng, Sơn La.

Tỷ lệ mắc tật khúc xạ tăng cao ở học đường

Theo ông Vũ Tiến Quyền, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Sơn La, tật khúc xạ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập, sinh hoạt cũng như sự phát triển toàn diện ở trẻ em. Nếu các em bị mắc tật khúc xạ không được phát hiện sớm để khám, điều trị kịp thời, sẽ có nguy cơ cao dẫn đến các biến chứng như mù lòa, nhược thị.

Em Trần Lê Khanh, lớp 8A1, Trường THCS Chu Văn An, huyện Thuận Châu chia sẻ, em bị cận thị từ năm học tiểu học, ban đầu đo chỉ ở mức 0,25 đi ốp, nhưng bây giờ mắt cận thị của em đã tăng lên 3 đi ốp, một mắt cận thị 2 đi ốp. Em phải nghe giảng rồi chép bài vì không nhìn thấy bảng, dù được cô giáo cho ngồi bàn thứ 2. Lý do em không đeo kính vì em nghĩ rằng, nếu đeo kính thì mắt sẽ ngày càng cận nặng hơn.

Một trong những sai lầm đối với trẻ có tật khúc xạ là gần như trẻ không được đeo kính thường xuyên, ảnh hưởng đến sự phát triển hoàn thiện chức năng thị giác của mắt. Khi bị cận thị, viễn thị, loạn thị... , các em cần được đi khám định kỳ và thay đổi số kính đeo cho phù hợp với tình trạng khúc xạ của mắt. Tuy nhiên, do thiếu thông tin, hiểu biết về tật khúc xạ của phụ huynh, các em học sinh ở vùng sâu, vùng xa… dẫn đến tỷ lệ trẻ bị tật khúc xạ ở lứa tuổi học đường tại nhiều địa phương miền núi, trong đó có tỉnh Sơn La đang ngày càng tăng cao, rất khó khăn trong công tác điều trị.

“Không để ngành mắt  cô đơn”

“Không để ngành mắt cô đơn” đang trở thành thông điệp của các cơ quan chức năng tỉnh Sơn La nhằm hỗ trợ giúp đỡ học sinh mắc các bệnh về tật khúc xạ. Theo ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La cho biết, Sở phối hợp với ngành Y tế với sự hỗ trợ, tài trợ của Servier Việt Nam cùng tổ chức quốc tế HKI... đã và đang triển khai chương trình Childsight cho học sinh trung học cơ sở và giáo viên tại 22 trường tại huyện Thuận Châu và TP. Sơn La.

Đặc biệt, hơn 1.500 cặp kính sẽ được cấp cho các học sinh và các thầy cô giáo. Nhiều học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn bị tật khúc xạ đã được tặng kính, các em đều rất vui mừng, vì từ nay đã có thể nhìn rõ, sinh hoạt và học tập dễ dàng hơn.

Với hình thức sáng tạo, Chương trình Childsight đã tổ chức cuộc thi vẽ với chủ đề “Mắt sáng tới trường”, với sự tham gia của học sinh 22 trường trên địa bàn tỉnh vào ngày 4/12 vừa qua. Ngoài ra, các em còn được tuyên truyền, giáo dục các kiến thức về tật khúc xạ cũng như được hướng dẫn chăm sóc mắt đúng cách.

Đặc biệt, hướng đến việc giảm thiểu tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ, đội ngũ bác sĩ của Chương trình Childsight đã hướng dẫn các kỹ năng, kiến thức cơ bản về tật khúc xạ cho các thầy cô, để phát hiện những học sinh bị tật khúc xạ từ sớm, ngăn chặn biến chứng nhiều bệnh về mắt.

Ông Vũ Tiến Quyền, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Sơn La chia sẻ, Dự án còn triển khai tập huấn kiến thức chăm sóc mắt ban đầu cho mạng lưới nhân viên y tế; tặng một số trang thiết bị hiện đại cho bệnh viện, đáp ứng nhu cầu khám chữa, điều trị các bệnh về mắt cho người dân nói chung và cho trẻ em nói riêng.

Hy vọng, cùng sự chung tay nỗ lực với ngành Y tế và giáo dục Sơn La, Chương trình Childsigt hướng đến gắn kết các hoạt động y tế trường học nói chung, công tác khám, điều trị tật khúc xạ nói riêng. Thông qua đó nhận thức, kiến thức về tật khúc xạ học đường đối với học sinh, giáo viên được nâng cao, phòng tránh được những biến chứng cho trẻ em, đặc biệt với đối tượng trẻ em là người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

HỒNG PHÚC

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.