Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Sơn La: Nỗ lực “an cư” cho người dân vùng có nguy cơ thiên tai cao

Sỹ Hào - 09:54, 10/09/2024

Theo các nghiên cứu, đánh giá của cơ quan chuyên ngành chức năng, Sơn La là địa phương chịu ảnh hưởng của 18 loại hình thiên tai; trong đó ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất là những loại hình thiên tai thường gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Để giảm thiểu rủi ro do thiên tai, cùng với chủ động ứng phó với các tình huống, từ các nguồn vốn, trong đó có nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719, tỉnh Sơn La đã và đang nỗ lực triển khai các dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở vùng có nguy cơ thiên tai cao.

Sơn La: Nỗ lực “an cư” cho người dân vùng có nguy cơ thiên tai cao
Chương trình MTQG 1719 đang góp phần tạo nên diện mạo mới vùng nông thôn, miền núi huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La

Rủi ro thiên tai thường trực

Do ảnh hưởng bão số 3 (tên quốc tế là bão Yagi), tính đến ngày 09/9, theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, mưa lũ đã gây ảnh hưởng tới 380 ngôi nhà trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phải di dời khẩn cấp 62 nhà; 18 nhà tốc mái, 106 nhà bị ngập; 45 hộ bị ảnh hưởng có nguy cơ mất an toàn và 46 nhà có nguy cơ sạt lở, sụt lún 11 nhà.

Ngoài ra, mưa lũ còn làm 4 trường học bị ảnh hưởng, 1 cầu qua suối bị xói mòn móng trụ chân cầu, 1 nhà văn hóa bị ngập; sạt lở, nghiêng 2 vị trí cột điện trung thế; 3 vị trí cột hạ thế bị gãy đổ, hỏng 6 quả chống sét 35kV, 1 máy cắt 35kV,...

Năm 2017, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng nhiều đợt mưa to đến rất to, mưa lớn xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở nghiêm trọng ở một số địa bàn trong tỉnh. Đặc biệt lũ quét, lũ ống, sạt lở lịch sử ngày 02- 03/8/2017 trên địa bàn xã Nậm Păm huyện Mường La; ngày 10 - 12/10/2017 trên địa bàn huyện Phù Yên, Vân Hồ gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, đời sống và sản xuất.

Trước đó, trong tháng 7/2024, Sơn La hứng chịu 3 đợt mưa lũ, làm 11 người chết và 6 người bị thương; trên 2.670 nhà bị thiệt hại; hơn 4.143ha diện tích lúa bị ngập; 15 cầu treo bị cuốn trôi; 130 vị trí sạt lở gây ách tắc giao thông; ước tính thiệt hại lên tới 501 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tỉnh Sơn La, trong 18 loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn thì ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất là những loại hình thiên tai thường gây thiệt hại năng nề về người và tài sản. Điều này xuất phát từ địa hình, điều kiện khí hậu của tỉnh.

Trong Kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 – 2025, được phê duyệt tại Quyết định số 865/QĐ-UBND ngày 11/5/2021 (gọi tắt là Kế hoạch 865), UBND tỉnh Sơn La đã xác định, địa hình của tỉnh chia thành 5 cấp độ dốc; trong đó đáng chú ý, độ dốc sườn 25 - 45° chiếm lớn hơn 60% diện tích của tỉnh.

Ở cấp độ dốc này thuận lợi cho trượt lở đất đá; hơn nữa, trên địa bàn tỉnh thường có mưa lớn. Số liệu trong Kế hoạch 865 cho thấy, có thời điểm lượng mưa ngày lớn nhất đo được ở trạm Mường Trai (huyện Mường La) là 778mm; ở trạm Chiềng Khoa (km46, huyện Vân Hồ) lên tới 811mm.

“Những yếu tố đó là điều kiện thuận lợi cho việc xuất hiện lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng” - UBND tỉnh Sơn La nhận định trong Kế hoạch 865.

Trong Kế hoạch 865, UBND tỉnh Sơn La đánh giá, lũ quét, sạt lở đất tập trung tại lưu vực suối Nậm La, Nậm Pàn, suối Muội, suối Tấc, suối Sập, suối Sập Việt, Nậm Công, Nậm Ty, Nậm Ca, Nậm Sọi… Toàn tỉnh có 204 xã, phường, thị trấn thì có tới 152 xã, phường, thị trấn có nguy cơ xảy ra cao lũ quét và sạt lở đất; trong đó nhiều huyện có 100% số xã có nguy cơ cao (Quỳnh Nhai có 11/11 xã, Sốp Cộp 8/8 xã).

Sơn La: Nỗ lực “an cư” cho người dân vùng có nguy cơ thiên tai cao 1
Thiệt hại do lũ quét gây ra tại Mường La, Sơn La năm 2017. (Ảnh tư liệu)

UBND tỉnh Sơn La đã khoanh định được 73 vùng có nguy cơ trượt lở cao; trong đó có 795 điểm trượt nhỏ, 622 điểm trượt trung bình, 266 điểm trượt lớn và 11 điểm trượt rất lớn. Số lượng cũng như mật độ điểm trượt lở đất đá cao xuất hiện tại các huyện Mộc Châu (268 điểm) và Sông Mã (260 điểm).

“Trượt lở đất đá đã vùi lấp nhiều diện tích đất canh tác, sập, nứt vỡ nhà cửa của Nhân dân, phá hỏng các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng, đường giao thông, vùi lấp rãnh thoát nước, thu hẹp, sạt lở nhiều tuyến đường gây đình trệ, ách tắc giao thông”, UBND tỉnh Sơn La đã tổng hợp đánh giá.

Nỗ lực sắp xếp, ổn định dân cư

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, một trong những ưu tiên của tỉnh Sơn La trong những năm qua, là triển khai có hiệu quả các dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở vùng có nguy cơ thiên tai cao.

Từ các nguồn vốn, trong đó có vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719 (Chương trình MTQG 1719), nhiều hộ dân sinh sống ở những nơi có nguy cơ thiên tai đã được “an cư”, ổn định cuộc sống, tập trung phát triển kinh tế.

Thực hiện Quy hoạch Bố trí sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 3268/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh Sơn La, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 bố trí sắp xếp ổn định 171 điểm dân cư với 4.705 hộ; trong đó, ổn định tại chỗ 1.395 hộ, di chuyển 3.310 hộ.

Đơn cử tại bản Khoai Lang, xã Mường Thải (huyện Phù Yên), cả bản có 145 hộ (100% là đồng bào Dao), nhiều hộ trong bản đang sinh sống ở những điểm có nguy cơ sạt lở cao. Năm 2020, UBND huyện Phù Yên đã được bố trí gần 15 tỷ đồng để đầu tư khu tái định cư trên diện tích gần 4 ha để bố trí, sắp xếp ổn định cho 51 hộ của bản.

Tuy nhiên, theo thống kê, ở bản Khoai Lang vẫn còn hàng chục hộ cần thiết phải di dời để bảo đảm an toàn. Vì vậy, thực hiện Dự án 2 thuộc Chương trình MTQG 1719, cuối năm 2022, huyện Phù Yên đã khởi công điểm định canh, định cư cho 30 hộ nằm trong vùng có nguy cơ cao sạt lở, lũ ống, lũ quét của bản với tổng mức đầu tư 9 tỷ đồng. Đến nay, các hộ dân được di chuyển đến nơi ở mới, ngay trước mùa mưa lũ năm 2024.

Vừa chuyển đến nơi ở mới cuối tháng 4 vừa qua, được cấp hơn 260m² đất xây nhà kiên cố và có đất sản xuất, ông Trương Văn Ều, người dân bản Khoai Lang, không khỏi phấn khởi. Ông cho hay, trước đây, ở nơi ở cũ, cứ mưa xuống là bùn đất tràn vào nhà và không biết sạt lở lúc nào. Bây giờ, thì gia đình ông cũng như các hộ khác không còn phải lo lắng mỗi khi vào mùa mưa lũ, yên tâm lao động sản xuất.

Tương tự ông Trương Văn Ều, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, hàng trăm hộ DTTS sinh sống ở vùng có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh Sơn La, đã được bố trí “an cư” ở nơi ở mới, với điều kiện sinh hoạt, sản xuất tốt hơn nơi ở cũ.

Riêng trong năm 2024, thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Sơn La tiếp tục thực hiện quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hộ DTTS còn du canh, du cư tại 17 điểm định canh, định cư tập trung.

Cụ thể, theo Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 04/3/2024 của UBND tỉnh Sơn La về thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2024 trên địa bàn, tỉnh tiếp tục hoàn thiện 05 điểm định canh định cư theo Quyết định 1342/QĐ-TTg ngày 25/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ; đầu tư mới 12 điểm định canh định cư tập trung cho khoảng 956 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn 8 huyện; tổng kế hoạch vốn thực hiện là 50.371 triệu đồng (vốn Trung ương).

Sơn La: Nỗ lực “an cư” cho người dân vùng có nguy cơ thiên tai cao 2
Một góc khu tái định cư bản Khoai Lang, xã Mường Thải, huyện Phù Yên

Cùng với nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, tỉnh Sơn La đã và đang huy động các nguồn lực khác để thực hiện sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở vùng có nguy cơ thiên tai cao. Trong Kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 – 2025, được phê duyệt tại Quyết định số 865/QĐ-UBND ngày 11/5/2021, đối với nhiệm vụ rà soát, bố trí, sắp xếp dân cư di dời khỏi vùng thiên tai, tỉnh Sơn la xác định, muốn đạt được mục tiêu đề ra cần phải huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, kết hợp lồng ghép các chương trình khác nhau.

“Trong đó, ngoài nguồn ngân sách nhà nước, thì tập trung huy động, khuyến khích đầu tư vào các công trình phòng chống lũ, lũ quét và sạt lở đất; huy động các nguồn lực từ dân nhằm xã hội hóa công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh”, UBND tỉnh Sơn La xác định giải pháp cụ thể trong Kế hoạch 865.

Tin cùng chuyên mục
Động lực xóa bỏ “5 nhất” ở Cao Bằng: Tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (Bài cuối)

Động lực xóa bỏ “5 nhất” ở Cao Bằng: Tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (Bài cuối)

Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Một trong những động lực tăng trưởng của tỉnh là nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719).
Đọc nhiều