Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Sơn La: Nỗ lực đưa nước sinh hoạt đến vùng đồng bào DTTS

Đức Bình - 06:53, 22/11/2023

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Sơn La đã giải ngân 38,9 tỉ đồng đầu tư xây dựng hàng trăm công trình nước sinh hoạt tập trung và hàng nghìn thiết bị nước sinh hoạt phân tán cho đồng bào các DTTS trên địa bàn.

Đoàn liên ngành tỉnh Sơn La kiểm tra tình hình cấp lại nước cho người dân tại Trạm cấp nước bản Mạt, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn.
Đoàn liên ngành tỉnh Sơn La kiểm tra tình hình cấp nước cho người dân tại Trạm cấp nước bản Mạt, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn.

Sơn La là một tỉnh miền núi, 83% dân số là đồng bào DTTS, trong đó chủ yếu là người dân tộc Thái (chiếm hơn 50%). Ở những vùng sâu, vùng xa, đời sống của bà con DTTS còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó có vấn đề nước sinh hoạt. Tại các vùng khó khăn, đồng bào chủ yếu sử dụng nguồn nước dẫn từ suối, ao hồ, khe núi, giếng đào và nước mưa, chất lượng nước không được đảm bảo. Bên cạnh đó, do phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên nên nguồn nước của bà con không ổn định. Về mùa khô, lượng mưa ít nên các dòng chảy thường xuyên cạn nước, người dân thiếu nước sinh hoạt.

Thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình MTQG 1719i, tỉnh Sơn La đã giải ngân thanh toán 38,890 tỉ đồng đầu tư xây dựng hàng trăm công trình nước sinh hoạt tập trung và hàng nghìn thiết bị nước sinh hoạt phân tán cho đồng bào các DTTS trên địa bàn, góp phần nâng tỷ lệ đồng bào DTTS  được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên gần 95%.

Mùa khô năm nay, hơn 600 hộ dân của xã biên giới Nậm Lạnh sẽ không còn sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Bởi cuối năm 2022, công trình cấp nước sinh hoạt liên bản Púng Tòng, bản Phổng, bản Lọng Tòng, bản Lạnh, bản Cang và các cơ quan, đơn vị tại trung tâm xã đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Công trình có tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-2030.

Đồng bào dân tộc thiểu số tại Sơn La được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh
Đồng bào dân tộc thiểu số tại Sơn La được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh

Ông Tòng Văn Cung, bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh phấn khởi: “Trước đây, công trình nước cũ xuống cấp, hư hỏng, khiến Nhân dân thiếu nước sinh hoạt, phải mang thùng, can đi lấy nước ở các mó, khe suối về dùng, không đảm bảo vệ sinh. Nay được Nhà nước đầu tư công trình cấp nước mới, dẫn về tận nhà rất tiện lợi, không phải lo thiếu nước nữa”.

Hay như công trình nước sinh hoạt của bản Huổi Sang, xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp có tổng mức đầu tư hơn 510 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719. Công trình được xây mới vừa đưa vào sử dụng, đã giúp cho hơn 20 hộ, với 115 nhân khẩu tại đây có nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Trong giai đoạn 2021-2023, huyện Sốp Cộp được giao hơn 120 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG 1719. Đến nay, huyện hỗ trợ cho 44 hộ mua téc, bồn chứa nước; đầu tư xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung; bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai bản Pu Hao, xã Mường Lạn. Hỗ trợ hơn 34,1 tỷ đồng khoán bảo vệ rừng đặc rụng, rừng phòng hộ. Gần 13 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh...

Còn tại huyện Phù Yên, từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, huyện đã đầu tư thiết bị nước sinh hoạt phân tán cho 425 hộ; đầu tư 4 công trình nước sinh hoạt tập trung, cấp nước cho trên 1.000 hộ dân tại các bản Bãi Vàng, xã Đá Đỏ; Đồng Mã, xã Tân Phong; Thượng Lang, xã Mường Lang và Khe Lành, xã Mường Thải.

Người dân xã Mường Bang, huyện Phù Yên nay đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh
Người dân xã Mường Bang, huyện Phù Yên nay đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh

Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên cho biết: Đến nay, 3 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, còn công trình cấp nước bản Khe Lành đang hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để bàn giao và đưa vào sử dụng trong năm nay. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 95% số hộ nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Ông Lường Văn Toán, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, Ban Dân tộc sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị với Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá các công trình cấp nước, tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình cấp nước cho đồng bào DTTS. Đồng thời, tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động làm thay đổi nhận thức, hành vi liên quan đến việc bảo vệ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch và các công trình cấp nước ở từng khu vực, phấn đấu đến năm 2025, có 98,02% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Việc tập trung thực hiện Dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, đã góp phần đảm bảo cho đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.