Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hòa Bình: Hỗ trợ đồng bào DTTS “an cư lạc nghiệp”

Ngọc Ánh – Hà Hương - 22:39, 06/11/2023

Nhiều năm qua, để giúp đồng bào DTTS tại các bản, làng vùng cao “an cư, lạc nghiệp”, ngoài các chính sách hỗ trợ đầu tư của Chính phủ, tỉnh Hòa Bình đã linh hoạt vận dụng, lồng ghép từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào, giúp ổn định cuộc sống.

Cuộc sống mới đang dần hiện lên trên khu tái định cư Lau Bai, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình
Cuộc sống mới đang dần hiện lên trên khu tái định cư Lau Bai, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình

“An cư lạc nghiệp”

Đà Bắc là huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình, địa hình đồi núi dốc lớn, không có mặt bằng, thiên tai thường trực luôn đè nặng lên sản xuất và đời sống của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo hiện vẫn còn cao. Nhiều hộ đồng bào DTTS dù nỗ lực chăm chỉ lao động, nhưng vẫn không thể có đủ tiềm lực để xây dựng cho gia đình mình một ngôi nhà ở kiên cố. Khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam có chủ trương hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết cho những hộ đồng bào nghèo, cả hệ thống chính trị và Nhân dân đều vào cuộc.

Gia đình ông Bàn Văn Lâm ở xóm Tra, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc là một trong những hộ được thụ hưởng từ chủ trương hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo. Từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình, MTTQ các cấp huyện Đà Bắc đã phối hợp với chính quyền xã Toàn Sơn vận động cán bộ, hội viên, Nhân dân đóng góp ngày công lao động, tiền của để xây dựng, hoàn thiện ngôi nhà mới cho ông Lâm. Sau 3 tháng thi công, ông Lâm đã được dọn về nhà mới trong niềm vui khôn tả. Ngôi nhà của ông rộng 70m2, được làm chắc chắn, tổng giá trị lên đến 100 triệu đồng - số tiền mà trong mơ ông cũng không dám nghĩ đến.

Được biết, tính từ tháng 9/2022 đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình đã có 387 ngôi nhà mới được xây dựng từ nguồn Quỹ "Vì người nghèo”, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 21.500 triệu đồng. Ngoài hỗ trợ xây dựng nhà ở, tỉnh Hòa Bình cũng luôn quan tâm thực hiện các giải pháp ổn định cuộc sống, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân vùng thiên tai, vùng đồng bào DTTS. Đơn cử, khu tái định cư Lau Bai, xã Vầy Nưa (huyện Đà Bắc) là “thành tựu” của chính sách di dân, tái định cư được Đảng và Nhà nước ta triển khai nhiều năm qua tại các địa phương, trong đó có tỉnh Hòa Bình.

Anh Lý Văn Thiện, Trưởng thôn Lau Bai kể lại, trước khi xảy ra cơn lũ lịch sử hồi tháng 10/2017, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã vận động người dân di dời khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao. Toàn bộ 30 hộ dân của xóm Lau Bai đã được di dời đến định cư tại nơi ở mới. Từ chính sách hỗ trợ di dân tái định cư, bà con được hỗ trợ đất để làm nhà, hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng để tạo sinh kế… Đến vùng đất mới an toàn hơn nên người dân yên tâm phát triển sản xuất, diện mạo thôn xóm khang trang, sạch đẹp hơn. Nhà nước hỗ trợ đường điện, đường nước, trồng cây cảnh quan xung quanh hành lang rất đẹp. Hiện, Lau Bai có 33 hộ dân 127 nhân khẩu, 100% là người Dao sinh sống. Thôn Lau Bai đang cố gắng xây dựng cảnh quan để thu hút và đón khách du lịch trong thời gian tới.

Nước sinh hoạt được cung cấp đầy đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày
Nước sinh hoạt được cung cấp đầy đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày

Tháo gỡ khó khăn để triển khai Dự án 1 Chương trình MTQG 1719

Theo Kế hoạch triển khai Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), qua rà soát, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có trên 3.900 hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất, trên 1.300 hộ thiếu đất ở và trên 3.800 hộ thiếu nhà ở cần hỗ trợ.

Nhu cầu kinh phí theo Đề án sử dụng nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 414.814 triệu đồng (trong đó hỗ trợ đất ở 937 hộ, kinh phí 37.462 triệu đồng; hỗ trợ nhà ở 3.800 hộ, kinh phí 152.280 triệu đồng; hỗ trợ đất sản xuất 1.614 hộ, kinh phí 35.438 triệu đồng; chuyển đổi nghề 2.301 hộ, kinh phí 23.010 triệu đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 11.408 hộ, kinh phí 34.224 triệu động; hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung 120 công trình, kinh phí 132.400 triệu đồng).

Theo bà Đinh Thị Thảo, Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết, việc triển khai Dự án 1 Chương trình MTQG 1719 hiện nay vẫn còn gặp một số khó khăn vướng mắc như: Quỹ đất thực hiện hỗ trợ của các địa phương ngày càng hạn hẹp; định mức kinh phí hỗ trợ đất ở, đất sản xuất còn thấp; tình trạng dân di cư tự do vào địa bàn tỉnh còn nhiều; công tác quy hoạch, quản lý đất đai nói chung còn nhiều khó khăn bất cập. Mặc dù đồng bào DTTS còn thiếu đất ở, đất sản xuất nhưng nhiều hộ lại sinh sống trên đất lâm nghiệp nên không đủ điều kiện để được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình MTQG 1719.

Một góc cảnh sắc thơ mộng của Mai Châu mùa lúa chín
Một góc cảnh sắc thơ mộng của Mai Châu mùa lúa chín

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ việc triển khai chính sách thuộc Dự án 1, Chương trình MTQG 1719, trong 2 năm 2022 - 2023, tỉnh Hòa Bình đã linh hoạt lồng ghép nguồn vốn từ 3 chương trình MTQG gồm (Chương trình giảm nghèo, Chương trình MTQG 1719 và Chương trình xây dựng nông thôn mới) để triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề đối với hộ thiếu đất sản xuất, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán và xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung.

Đối với nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đang được tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai trong những năm 2024 - 2025. Cụ thể, tỉnh sẽ rà soát lại công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch bố trí dân cư, quy hoạch nông thôn mới... làm cơ sở cho việc cấp đất ở, đất sản xuất, xây dựng các công trình nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS những năm tiếp theo.