Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Sơn La: Thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo bền vững

Kim Ngân - 09:13, 17/12/2020

Trong những năm qua, nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo bền vững, bộ mặt nông thôn vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Sơn La có nhiều chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo các xã, thôn bản giảm theo từng năm.


Nhờ được hỗ trợ phát triển sản xuất, nhiều hộ nghèo trong tỉnh đã phát triển kinh tế gia đình (Ảnh TL)
Nhờ được hỗ trợ phát triển sản xuất, nhiều hộ nghèo trong tỉnh đã phát triển kinh tế gia đình (Ảnh TL)

Nỗ lực giảm nghèo

Xác định công tác giảm nghèo là công việc lâu dài, gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) đã xây dựng kế hoạch giám sát định kỳ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nắm bắt, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình ở địa phương; mức độ bao phủ của chính sách đến với người nghèo, những khó khăn, thắc mắc và những kiến nghị, đề xuất thông qua ý kiến đóng góp của người nghèo để giải quyết chính sách kịp thời.

Trên cơ sở nguồn lực, cơ chế, chính sách giảm nghèo của Trung ương, huyện Mai Sơn đã căn cứ vào nguồn lực của địa phương, thực hiện lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn thuộc Chương trình 134, 135, Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách của tỉnh. Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, từ nguồn vốn được phân bổ, huyện đã hỗ trợ trên 30.000 lượt hộ vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ 2.238 hộ nghèo làm nhà ở với kinh phí trên 25,5 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 33.000 lao động địa phương; hỗ trợ vật nuôi, cây giống, vật tư nông nghiệp cho hộ nghèo với kinh phí trên 58,5 tỷ đồng...

Huyện cũng tập trung đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng tại các bản đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Nhờ đó, các mục tiêu về giảm nghèo và tăng thu nhập cho người nghèo, nâng cao mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả tích cực; 95,4% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 90,2% hộ nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90,9% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất...

Nhờ thực hiện đồng bộ chính sách giảm nghèo, tính đến cuối năm 2019, huyện Mai Sơn đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 15,64%, bình quân hàng năm giảm từ 2 - 3% theo đúng mục tiêu đề ra. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 37,8 triệu đồng/ người/ năm.

Mô hình trồng dâu tây của HTX nông nghiệp sinh thái Nà Sản (Mai Sơn). Ảnh TL
Mô hình trồng dâu tây của HTX nông nghiệp sinh thái Nà Sản (Mai Sơn). Ảnh TL

Còn tại Phù Yên, theo ông Đào Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện, trong 5 năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân 4%/năm. Đến hết năm 2019 còn 17,5%, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 34,4 triệu đồng. Những kết quả đạt được là điều kiện tốt để huyện Phù Yên tiếp tục phát huy các nguồn lực đầu tư cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Cần đa dạng hóa nguồn lực đầu tư

Cùng với Phù Yên, Mai Sơn, giai đoạn 2016 - 2020, các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã triển khai các nguồn lực giảm nghèo có hiệu quả. Nhờ đó, đến nay Sơn La đã hoàn thành xóa nhà tạm trên địa bàn các huyện nghèo; hơn 97% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% số xã trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia; 90,8% số bản có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các huyện nghèo giảm mạnh. Tỉnh cũng phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 19,42%.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để đạt được những kết quả trên, nhưng hiện nay, việc thực hiện một số mục tiêu của Chương trình 135 ở Sơn La vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 204 xã và 1.708 thôn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135, nhưng đến nay mới có 3 xã và 91 thôn bản hoàn thành mục tiêu; thu nhập bình quân hộ nghèo ở các xã, thôn bản khu vực nông thôn, ĐBKK còn thấp (mới đạt gần 1,6 triệu đồng/người/tháng)…

Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Sơn La cần đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, huy động nguồn lực từ cộng đồng và sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, thực hiện lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã, bản đặc biệt khó khăn, góp phần giảm nghèo bền vững.

Các mô hình giảm nghèo ở Phù Yên đã mang lại nhiều hiệu quả, giúp người dân địa phương phát triển đời sống. Ảnh TL
Các mô hình giảm nghèo ở Phù Yên đã mang lại nhiều hiệu quả, giúp người dân địa phương phát triển đời sống. Ảnh TL
Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.